Giúp chính sách giáo dục luôn gần hơn với thực tiễn

4

baotintuc.vn

Video Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum chia sẻ:

Minh chứng ở Nghị trường Quốc hội

Tôi gặp Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đúng dịp ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam.  

Cô giáo Nàng Xô Vi ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là nữ đại biểu trẻ nhất ngành Giáo dục, cũng là đại biểu duy nhất đại diện tiếng nói của hơn 500 đồng bào dân tộc Brâu tại Nghị trường Quốc hội, cùng tham gia, quyết định những quyết sách quan trọng của đất nước.  

Lớn lên trong cảnh nghèo khó, cùng với những tuyên truyền vận động của cán bộ, Nàng Xô Vi hiểu và khao sát được đến trường và ý nghĩa của việc mang tri thức trở về đóng góp cho sự phát triển của bản làng.

Cô giáo Nàng Xô Vi cho biết: “Cả thôn Đăk Mế chỉ có từ 5 – 7 trẻ được tới trường và sau này cũng chỉ chừng ấy em được tốt nghiệp THPT. Cái đói, nghèo bủa vây cùng với những hủ tục như “chỉ người trong dân tộc Brâu mới được lấy nhau” đã là rào cản để trẻ tới trường và học cao lên nữa”.  

Khi được cán bộ tuyên truyền về văn hóa, tri thức, Nàng Xô Vi đã ấp ủ muốn học để thay đổi cuộc sống. Năm 2014, Nàng Xô Vi là người đầu tiên của dân tộc Brâu đỗ đại học với sự giúp sức của trưởng thôn, dân bản.  

Đại biểu Nàng Xô Vi, Đoàn ĐBQH Kon Tum cho biết: Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Dự án Luật Nhà giáo được trình Quốc hội, đây là một tin vui với giáo viên nói chung và với những giáo viên vùng khó, vùng dân tộc thiểu số nói riêng.  

Một trong những vấn đề mà Đại biểu Nàng Xô Vi quan tâm, góp ý vào Dự thảo Luật, là tình trạng thiếu giáo viên ở vùng dân tộc thiểu số và đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên ở những vùng khó khăn.

Thực tế, định mức biên chế giáo viên tuy được quan tâm bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu so với số học sinh tăng hằng năm. Hiện chưa có chính sách đủ mạnh về tạo nguồn, tuyển dụng, hỗ trợ giáo viên để thu hút các nhà giáo đến công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhằm từng bước giải quyết các tồn tại trên, Đại biểu Nàng Xô Vi đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển nhà giáo, tuyển dụng đặc cách nhà giáo và có các chính sách hỗ trợ đủ mạnh để để thu hút các nhà giáo đến công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.  

Một vấn đề nữa mà Đại biểu Nàng Xô Vi tham gia đóng góp trong Nghị trường lần này là, nhiều giáo viên trẻ, giáo viên nữ, giáo viên tăng cường từ vùng thuận lợi khi đến công tác tại vùng này rất thiếu thốn chỗ ở tập thể. Thậm chí nhiều giáo viên không thể thuê nhà công vụ, vì một số địa phương không có nhà công vụ để bố trí cho giáo viên thuê, đặc biệt là những giáo viên có người thân chuyển đến cùng. Bản thân cô giáo Nàng Xô Vi từng 5 lần chuyển nhà trong một năm vì không có chỗ ở.

Đại biểu Nàng Xô Vi cho biết: “Nhiều người sẵn sàng mang con 2 – 3 tuổi lên vùng khó cùng gia đình nhưng không thể có chỗ ở. Nhà nước cần có những chính sách để hỗ trợ để giữ chân nhà giáo, để họ yên tâm công tác”.  

Ttheo Đại biểu Nàng Xô Vi, Luật Nhà giáo cũng cần bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.  

Đến tiếng nói từ cán bộ quản lý 

Đại diện tiếng nói của Nhà giáo ở Nghị trường Quốc hội còn có những cán bộ quản lý, những người đứng đầu ngành giáo dục ở địa phương.  

Video Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Lắk chia sẻ: 

Bà Lê Thị Thanh Xuân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lắk, Giám đốc Sở GD&ĐT Đăk Lắk cho biết: “Với vai trò là Đại biểu Quốc hội, cán bộ quản lý giáo dục, chúng tôi có điều kiện thuận lợi hơn với những nhà giáo khá. Là Đại biểu Quốc hội khóa thứ 2, tôi đã tham gia xây dựng góp ý kiến Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học với những nội dung đóp góp cho sự phát triển giáo dục nói riêng và sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Chúng tôi tham gia truyền tải ý kiến cử tri, nhân dân, quan tâm đến vấn đề đất nước theo chương trình nghị sự của Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 8, với Dự án Luật Nhà giáo, chúng tôi có điều kiện sát với thực tiễn để truyền đạt được tâm tư nguyện vọng các giáo viên có chất lượng đến Nghị trường hay tại các phiên thảo luận ở tổ. Dự án Luật Nhà giáo lần này đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng và phát triển đội ngũ đáp ứng yêu cầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước”.

Một trong những vấn đề cốt lõi mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là chính sách tiền lương cho giáo viên. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhà giáo Lê Thị Thanh Xuân cũng tham gia vào ban soạn thảo.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết: “Dự án Luật này thiết kế chế độ tiền lương, phụ cấp các điều kiện thu hút nhà giáo, các nhà giáo có điều kiện kinh tế khó khăn, địa bàn như hải đảo, đặc thù. Theo Kết luận 91 của Bộ Chính trị đề xuất cơ chế tiền lương.  Ví dụ đề nghị có xếp lương bậc 2 cho nhà giáo hay Quy định 9 loại phụ cấp, tùy theo đối tượng. Theo thiết kế thang bảng lương, phụ cấp, các điều kiện thu hút như tạo điều kiện chỗ ở với những nhà giáo công tác ở những khó khăn, được thuê nhà, hỗ trợ khám sức khỏe… đã cơ bản đáp ứng được vấn đề liên quan đến đời sống giáo viên, giúp giáo viên yên tâm công tác cống hiến”.

Video Thái Văn Thành, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An chia sẻ:

Ông Thái Văn Thành, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Nghệ An cũng gặp khó khăn về vấn đề thiếu giáo viên, việc điều chuyển giáo viên trong tỉnh cũng như giữa các tỉnh. Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được vấn đề này.

Dự án Luật Nhà giáo cũng có chế độ thu hút với sinh viên xuất sắc. Luật ra đời, có căn cứ pháp lý tham mưu cho UBND tỉnh ban thành cơ chế chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, những học sinh tốt nghiệp THPT xuất sắc, đạt giải cao trong các kỳ thi, những người có năng khiếu đặc biệt được bồi dưỡng sư phạm được thu hút làm nhà giáo. Đặc biệt, Nghệ An là một địa phương có địa bàn rộng, có biển, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số… Những vùng khó khăn này tuyển giáo viên đã khó, tuyển giáo viên giỏi lại càng khó hơn. Dự án Luật Nhà giáo được thông qua sẽ là cơ sở hành lang pháp lý để ngành giáo dục thu hút được những người giỏi, có tâm huyết, yêu nghề lên cống hiến ở những vùng khó khăn này”. 

Nhiều đại biểu Quốc hội là nhà giáo chia sẻ, sứ mệnh của họ là làm sao để nhà giáo được tôn vinh, được tạo điều kiện để yên tâm cống hiến, dành tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục.

“Muốn nhà giáo yên tâm cống hiến, đóng góp và tâm huyết với nghề thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội dành sự quan tâm cho nhà giáo. Để nhà giáo bằng sự nhiệt huyết, tự trọng và sự nỗ lực vươn lên, cùng với hệ thống chính trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước”, Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân nhấn mạnh. 


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/viet-nam-ky-nguyen-moi/giup-chinh-sach-giao-duc-luon-gan-hon-voi-thuc-tien-20241119084857778.htm