Trường học vang tiếng cồng chiêng

485


20/11/2018 07:00


​Để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum đã mời nghệ nhân về truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho các em học sinh. Đến nay, một số trường học đã có đội cồng chiêng và múa xoang chuyên biểu diễn trong các ngày lễ trọng đại của nhà trường, của thành phố.

Vừa đến cổng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum), các thành viên trong Tổ chức Xuân – Cộng hòa Pháp đã ấn tượng trước màn biểu diễn cồng chiêng, múa xoang rộn ràng của các em học sinh nơi đây.

 Trong trang phục thổ cẩm truyền thống đủ sắc màu, các em học sinh nam biểu diễn cồng chiêng khá điêu luyện, các em học sinh nữ hòa mình trong những bài xoang truyền thống thật uyển chuyển để chào đón các vị khách về tham quan, trao học bổng cho học sinh trong trường.


Trường học vang tiếng cồng chiêng
Đội chiêng xoang của Trường Tiểu học Đặng Trần Côn

 

Thật khó diễn tả cảm xúc của những vị khách lúc ấy, ai nấy đều bất ngờ trước việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa ở một ngôi trường nằm ở vùng ven thành phố Kon Tum.

“Không phải ngẫu nhiên để các em có thể biểu diễn cồng chiêng, múa xoang thành thục được như vậy, mà đó là cả một quá trình nỗ lực của nhà trường và sự kiên trì tập luyện của các em học sinh”- cô Đậu Thị Lan – Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu.

“2 năm nay, để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn đã vận động, thành lập đội cồng chiêng và mời nghệ nhân về truyền dạy cho các em. Và dù ở làng, các em học sinh đã quá quen với tiếng cồng, tiếng chiêng, nhưng khi chính thức truyền dạy cồng chiêng cho các em lại không dễ dàng gì; bởi đánh cồng chiêng thì dễ nhưng để chỉ dạy cho các em nhỏ cảm thụ được cồng chiêng, từ đó biểu diễn cho có hồn thì rất khó. Tuy nhiên, bằng cái tâm của người truyền dạy cồng chiêng, các nghệ nhân đã truyền được cảm hứng cho các em học sinh dần đam mê đánh cồng chiêng, múa xoang. Đến nay, đội cồng chiêng, múa xoang trong trường đã tăng lên đến 50 em ở các độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Ở trường có tổ chức ngày lễ trọng đại gì, đội chiêng, múa xoang đều nhiệt tình tham gia” – cô Lan phấn khởi.

Đưa cồng chiêng, múa xoang vào truyền dạy trong nhà trường từ năm 2013, đến nay Trường THCS Trần Khánh Dư (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) đã có đến 10 đội chiêng – xoang ở 5 khối lớp.

Nhờ tâm huyết của giáo viên cùng với sự truyền dạy nhiệt tình của nghệ nhân các làng Kon Rờ Bàng, Kon H’ngo Kơtu (xã Vinh Quang) và sự tập luyện nghiêm túc của các em học sinh, liên tục nhiều năm qua, đội cồng chiêng của nhà trường luôn đạt giải cao tại các kỳ Liên hoan cồng chiêng cấp thành phố do ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Và đặc biệt không chỉ vang tiếng cồng, chiêng ở làng, ở trường, đội cồng chiêng-xoang của Trường THCS Trần Khánh Dư còn thường xuyên được lựa chọn tham gia trình diễn trong các dịp lễ lớn do tỉnh, thành phố tổ chức.

 “Hiện tại, nhà trường đang xây dựng 2 đội chiêng lớn để các em truyền lại cho các em lớp nhỏ hơn, qua đó tiếp nối truyền thống, duy trì bản sắc văn hóa. Nhờ tạo được sân chơi bổ ích, số học sinh biết đánh cồng chiêng, tự tin chơi nhạc cụ dân tộc mỗi năm học mỗi tăng; đặc biệt, nhiều em trở thành “nghệ nhân nhí” xuất sắc của các đội cồng chiêng khu dân cư”- Thầy Trần Hữu Lộc – Hiệu trưởng Trường THCS Trần Khánh Dư vui vẻ chia sẻ.


1542672215 569 Trường học vang tiếng cồng chiêng
Đội cồng chiêng, xoang của các trường biểu diễn tại Liên hoan cồng chiêng dành cho bậc Tiểu học và THCS

 

Ngoài việc giảng dạy chương trình theo sách giáo khoa, cô giáo bộ môn âm nhạc – H’Toăh, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) luôn tìm tòi và giới thiệu các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ba Na như cồng, chiêng, đàn t’rưng cho các em học sinh trong trường, giúp các em sớm hình thành ý thức gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Cô giáo Trần Thị Thu Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu chia sẻ: Ngoài việc lồng ghép chương trình địa phương vào các môn học xã hội, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu còn thường xuyên tổ chức cho các em học sinh tham gia những hoạt động ngoại khóa về biểu diễn, giao lưu cồng chiêng, múa xoang. Thông thường vào sáng thứ hai và thứ năm hàng tuần, các em học sinh ôn lại những bài chiêng-xoang đã được các nghệ nhân tập luyện trước đó. Đây cũng là sở trường, sở thích của các em học sinh vì gắn với văn hóa truyền thống của dân tộc mình nên không khí các buổi tập luyện rất vui vẻ, nhộn nhịp.

Em Y Vên – học sinh lớp 5D, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu hào hứng: Chúng em rất may mắn vì được nhà trường tập luyện và tổ chức cho đánh cồng chiêng, múa xoang trong những buổi ngoại khóa. Đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giúp chúng em giữ gìn văn hóa truyền thống.

Ngoài Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, THCS Trần Khánh Dư, từ năm 2009 đến nay, khi ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện thí điểm chương trình giảng dạy văn hóa cồng chiêng và định kỳ 2 năm 1 lần tổ chức Liên hoan cồng chiêng dành cho bậc Tiểu học và THCS, nhiều trường học trên địa bàn thành phố khác cũng đã chú trọng giảng dạy, thành lập các đội cồng chiêng, nhằm góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.

Bài, ảnh: Bình An

Đi đến nguồn bài viết