Trầm bổng tiếng đàn suối

666

[Tin Kon Tum] – Bloong, bloong, blinh, blinh… những thanh âm kỳ diệu vang lên từ sân sau Bảo tàng tỉnh lan xa theo triền sông Đăk Bla, khi bổng khi trầm, quấn quýt, dồn đuổi nhau như suối ngàn… Tôi đọc được sự bất ngờ và thích thú trên gương mặt của những du khách Hàn Quốc.

1. Ấy là tôi đang được thưởng thức “món lạ” đàn t’rưng nước, hay còn gọi là đàn suối, ting gling ở Bảo tàng tỉnh, nhân dịp tổ chức Tuần Văn hóa – du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4/2018.

Nếu như không có Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Văn Quang giới thiệu, hẳn rằng tôi sẽ không bao giờ tin, thanh âm làm tôi ngây ngất kia lại xuất phát từ những ống lồ ô khô sắp đặt xiêu xiêu bên con suối nhân tạo róc rách chảy.

Bên cạnh tôi, một nhóm du khách Hàn Quốc cũng ngẩn ngơ nghe không chán những âm thanh “khác lạ” của đàn t’rưng nước. Bloong, bloong, blinh, blinh… những thanh âm kỳ diệu lan xa theo triền sông Đăk Bla, khi bổng khi trầm, quấn quýt, dồn đuổi nhau như suối ngàn, kết hợp với nhau một cách hài hoà đến lạ. Chỉ là những ống le thôi sao?

Tôi đọc sự khâm phục và bất ngờ đến thích thú trong ánh mắt của các du khách. Cậu phiên dịch vui tính cho biết, họ đang so sánh độ kỳ diệu của đàn t’rưng nước với 3 cây đàn độc đáo nhất trên thế giới, gồm cây đàn organ sóng biển ở thành phố biển Zadar (Croatia); cây đàn organ sóng biển nằm ở thành phố San Francisco (Mỹ) và cây đàn organ gió biển ở Blackpool (Anh).

Đây là những cây đàn chẳng cần có nhạc công ngồi bên biểu diễn, thay vào đó, sóng biển, gió trời là những “nghệ sĩ” sẽ biểu diễn bên cây đàn này. Và họ so sánh đàn t’rưng nước với những cây đàn ấy – cậu phiên dịch giải thích.

Trầm bổng tiếng đàn suối
Những âm thanh từ đàn t’rưng nước thu hút du khách. Ảnh: T.H

Vào lúc ấy, tôi lại ao ước, giá như A Kiên – người làm nên “cây” đàn t’rưng nước tuyệt diệu này có mặt ở đây, trực tiếp giải thích cho những người bạn Hàn Quốc này nghe về quá trình chế tác thì hay biết mấy.

Thật tiếc là vì công việc, hiện A Kiên là Phó Bí thư Đảng ủy xã Măng Bút (huyện Kon Plông), nên anh không thể “bám trụ” ở đây để thỏa mãn sự tò mò, ái mộ của người xem.

Lần đầu tiên tôi được nghe về đàn t’rưng nước cũng vào một buổi chiều đông, cách đây đã nhiều năm. Hôm ấy, bên bếp lửa ấm áp sực mùi than củi của gia đình mình tại xã Đăk La (huyện Đăk Hà), Nghệ sĩ ưu tú A Đuh đã kể cho tôi nghe về đàn t’rưng nước trong hương rượu ghè ủ thơm nồng nàn.

Chuyện rằng, ngày xưa, xưa lắm, người Xơ Đăng thường bị thiếu đói, vì cứ đến mùa trồng tỉa thì chim chóc, thú vật lại đến phá hoại mùa màng. Cho đến một ngày, một chàng trai vô tình nghe thấy tiếng va đập từ hai ống nứa giữa con suối nhỏ tạo ra âm thanh đều đều bên rẫy lúa. Và lạ thay, chim chóc, thú vật không đến phá phách nữa.

Để ý mấy ngày liền, chàng trai vui mừng về báo cho cả làng biết. Đến mùa trồng tỉa, nhà nào cũng làm hai cây nứa, dùng sức nước cho va vào nhau, tạo ra âm thanh bên rẫy nhà mình để đuổi chim thú.

Nhưng chỉ được ít ngày, vì âm thanh phát ra quá đơn giản, những chú khỉ ma mãnh nghe quen tai, không còn sợ nữa, chúng lại tiếp tục kéo nhau về phá hoại mùa màng, người Xơ Đăng bèn nghĩ ra cách dùng nhiều ống nứa to, nhỏ, ngắn, dài khác nhau để kết thành bè, thành tầng và cũng dùng lực nước để các ống nứa tự va vào nhau tạo ra nhiều âm thanh trầm bổng.

Lần này thì các chú khỉ dù ma mãnh đến đâu cũng không dám đến gần vì nó nghĩ rằng chắc phải có sự điều khiển của con người, vì vậy ruộng rẫy lại tươi tốt, được mùa.

Từ đó trở đi, ở các rẫy xa hay ruộng gần, nơi nào cũng dựng lên một giàn ống nứa giống như dàn ống nứa chàng trai kia đã làm để đuổi chim muông, thú vật phá hoại mùa màng. Về sau, người ta cải tiến dần và trở thành đàn t’rưng nước như hiện nay.

2. Ngày xưa, chỉ cần ở đâu có ruộng rẫy, có suối nước là có thể làm đàn t’rưng nước. Vào mùa giữ rẫy, suốt ngày đêm đều nghe thanh âm của đàn t’rưng nước, như bản hòa tấu của đại ngàn vọng về bất tận, không giới hạn thời gian và không gian…

Nhưng rồi dần dà, cuộc sống đổi thay, nếp sống, sinh hoạt và sản xuất cũng khác, đàn nước ít đi và biến mất. Cho đến bây giờ, Nghệ sĩ ưu tú A Đuh vẫn nói rằng, một trong những điều tiếc nuối nhất của ông là chưa phục dựng được đàn t’rưng nước cho mình, cho làng mình.

Thông qua Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Văn Quang và anh bạn Mai Văn Nhưng (Bảo tàng tỉnh), tôi xin được số điện thoại của A Kiên và đành bằng lòng với cuộc trao đổi nhanh khi 2 anh em cách nhau hàng trăm cây số.

Mình cũng không nhớ bắt đầu yêu thích đàn t’rưng nước từ bao giờ. Có lẽ là từ khi mới sinh ra- A Kiên nói sau một lúc ngẫm nghĩ. Bởi bố mình biết làm. Từ khi còn bé xíu, đứng chưa cao bằng con dao phát rẫy, mình đã theo bố A Long đi lên rẫy tìm ống lồ ô làm đàn suối. Nhìn ông làm riết rồi mình nhớ trong đầu khi nào không hay.

Rồi bố mất, theo ông bà về trú ngụ trong rừng thiêng, trong làng, số người già biết làm đàn suối cũng chết dần, người trẻ thì không muốn học. Suốt nhiều năm liền, mùa rẫy vắng tiếng đàn suối. Mỗi đêm trăng, ngồi trên sàn nhà rông nhìn về nương rẫy xa xa, A Kiên thấy mình đã đánh mất cái gì đó thân quen lắm.

Cho đến một hôm, nằm ở chòi rẫy, nghe tiếng suối chảy giữa trưa thanh vắng, gió khua ống lồ ô treo trước cửa, A Kiên thấy nhớ da diết tiếng bloong, bloong, blinh, blinh… Anh vùng dậy cầm dao ra bờ suối, tìm những ống lồ ô già…

Chẳng ai tin A Kiên có thể làm được đàn suối. Cho đến một hôm, từ con suối đầu làng bỗng ngân nga những thanh âm khi bổng khi trầm, quấn quýt, dồn đuổi nhau như suối ngàn…

A Kiên đã đem đàn suối trở về với dân làng.

Đàn t’rưng nước gồm 3 bộ phận hoạt động theo dây chuyền. Bộ phận thứ nhất gồm nhiều ống nứa có kích cỡ khác nhau, được treo thẳng đứng với hai giàn, phân bổ theo thứ tự âm thanh phát ra từ trầm đến vừa và cao. Ở mỗi ống được bố trí các thanh gõ làm từ một thanh le nhỏ gắn với hệ thống truyền chuyển động.

Bộ phận thứ 2 là hệ thống truyền chuyển động, bao gồm 1 trụ lắc, cao khoảng 5m, trên trụ được buộc hòn đá nặng  nối với dây chuyền hoạt động chạy suốt theo chiều dài của đàn.

Bộ phận thứ 3 là máng nước từ nguồn nước tự nhiên được gắn với hệ thống truyền chuyển động từ trụ lắc. Nước xối vào máng đến khi đầy, máng sẽ tự động trĩu xuống, kéo theo cả hệ thống thanh gõ hoạt động, lần lượt gõ vào ống nứa làm các ống này phát ra âm thanh. Cứ thế máng nước trĩu xuống, nâng lên, làm cho hệ thống thanh gõ chuyển động qua lại đập vào ống nứa suốt ngày đêm và đàn suối cứ thế phát ra âm thanh.

Tùy theo nguồn nước để làm đàn suối lớn hay nhỏ. Ở nơi nguồn nước ít, thì làm loại từ 12 – 20 ống, nơi nguồn nước lớn hơn thì làm từ 30 – 45 ống. Do nhiều ống lồ ô có kích cỡ to, nhỏ, dài ngắn được kết nối với nhau theo quy luật nhất định, nên khi gõ vào tạo nên một bản hòa tấu của đại ngàn, có tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng hót thánh thót của chim, tiếng xào xạc lá rơi, tiếng róc rách suối chảy, tiếng đong đưa gió về, và cả tiếng thầm thì của các chàng trai, cô gái ngỏ lời yêu đương…

Do điều kiện không gian ở Bảo tàng tỉnh không cho phép nên mình làm “cây” đàn t’rưng nước ở đây khá nhỏ, chỉ hơn 20 ống, nếu có điều kiện làm 40-50 ống thì còn hay nữa- A Kiên cười.

Để làm “cây” đàn này, A Kiên mất cả tháng chuẩn bị, lên rừng chọn những ống lồ ô nhiều cỡ, đem về phơi nắng cho khô. Phải chọn những ống le già, khi khô mới phát ra âm thanh hay được, nếu còn non sẽ bị rút nước, teo tóp mất.

Khi chuẩn bị xong ống lồ ô, dây mây rồi, phải mất khoảng 2-3 tuần nữa để chọn lọc, cắt gọt từng ống, gõ chúng, lắng nghe âm phát ra, chỉnh âm dần dần, sắp xếp chúng vào dàn đàn. Đây là phần việc khó khăn nhất, bởi mình có được học nhạc lý gì đâu, chỉ chỉnh âm bằng tai, bằng cảm nhận của mình. Cứ đục lỗ xong gõ vào ống nghe thử cho đến khi ưng ý thì thôi, có khi mất rất nhiều thời gian mới được 1 ống- A Kiên kể.

A Kiên mời tôi lên Măng Bút chơi, để nghe tiếng đàn suối giữa mênh mông đại ngàn. Và tôi như thấy trước mắt mình, cậu bé A Kiên ngày nào đang theo cha đi chọn ống lồ ô…

Thành Hưng