Tây Nguyên đối mặt với sạt lở, sụt lún đất – Bài cuối: Nhận diện nguy cơ, sẵn sàng ứng phó

27

baotintuc.vn
Chú thích ảnh
Sạt lở làm 2 người tử vong, 5 người bị thương ngày 29/6 vừa qua tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Lập bản đồ cảnh báo sạt lở

Theo một số chuyên gia, tình trạng sạt lở, sụt lún đất không chỉ riêng ở Tây Nguyên mà hầu hết đã xuất hiện tại các vùng địa hình đồi dốc trong nước cũng như quốc tế. Thực trạng này hoàn toàn có thể đưa ra cảnh báo sớm dựa trên các kết quả quan trắc, phân tích trên các vùng đất dốc ở Việt Nam.

Chuyên gia Đỗ Minh Đức (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) lấy ví dụ: thành phố Đà Lạt có nhiều nét tương đồng với Hồng Kông những năm 1970 – 1980 nên có thể học hỏi kinh nghiệm ứng phó với trượt lở mái dốc của họ. Cụ thể như xây dựng hệ thống quan trắc tích hợp và giám sát thực tế từng khu vực đất dốc; xây dựng, hiệu chỉnh và từng bước hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm tình trạng sạt lở đất. 

Cùng quan điểm, ông Takami Kano (chuyên gia của Công ty địa chất Kawasaki, Nhật Bản) đưa ra gợi ý: Lâm Đồng có thể sử dụng hình ảnh từ các ứng dụng trực tuyến, hình ảnh từ vệ tinh miễn phí để đánh giá về hiện tượng nứt, lồi lõm của mặt đất; sự xuất hiện các đặc điểm lở đất, khối sụt trượt… Từ đó sớm hình thành bản đồ phân vùng mức độ rủi ro về ngập lụt và sạt lở để cơ quan chức năng và cả người dân có thể sử dụng.

Tại Hội thảo phòng, chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ được tỉnh Lâm Đồng tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những ý tưởng, giải pháp rất thiết thực để phòng và chống tình trạng sụt lún, sạt lở đất đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong khu vực. Sau khi tiếp thu, địa phương sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan bắt tay vào lập bản đồ nguy cơ sạt trượt đất, nhằm đưa ra cảnh báo sớm từ các thiết bị, gửi thông báo đến người dân để thực hiện các biện pháp khẩn cấp khi có nguy cơ cao về trượt lở đất hay ngập lụt.

Thực tế, việc xây dựng các bản đồ tổng thể nguy cơ lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn đã được UBND tỉnh Kon Tum thực hiện từ nhiều năm nay. Năm 2020, Kon Tum đã xây dựng bản đồ các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum; rà soát cập nhật bản đồ các huyện Kon Plông, Đăk Tô, Đăk Glei, Tu Mơ Rông. Năm 2021, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã phê duyệt bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các huyện Ngọc Hồi, Đăk Hà, Ia H’Drai và biên tập bản đồ tổng thể toàn tỉnh Kon Tum. Hiện nay, tỉnh cũng đang tổ chức điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở.

Ông Đặng Trần Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ viễn thám để điều tra, giám sát, cập nhật thông tin hiện trạng sạt lở đất, lũ quét và các lớp thông tin phục vụ cảnh báo sớm; xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét. Cùng với đó, tỉnh lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro thiên tai do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho các xã thuộc các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông… có rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.

Sẵn sàng ứng phó

Sụt lún, trượt lở đất là sự cố thiên tai không ai mong muốn nhưng vẫn rình rập và xảy ra bất cứ lúc nào. Vậy làm thế nào để chủ động ứng phó, sẵn sàng biện pháp khắc phục hậu quả ngay khi có sạt lở xảy ra cũng là giải pháp được các nhà quản lý ở Tây Nguyên tính đến.

Theo ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông (Kon Tum), giải pháp để ứng phó cho tình trạng sạt lở, trượt đất trên địa bàn hiện nay chủ yếu là phòng ngừa. Địa phương cũng có phương án dự phòng vật tư, vật liệu, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, phương tiện cơ giới tham gia ứng cứu kịp thời, phù hợp trong bối cảnh có xảy ra ngập lụt, sạt lở trong mùa mưa. 

Liên quan đến tình trạng sạt lở trên địa bàn, Thường trực Tỉnh ủy Đăk Nông đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến của mưa lũ, nhất là nguy cơ lũ lụt, sụt lún, sạt lở đất; kiên quyết di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, ưu tiên cao nhất cho việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương rà soát toàn diện các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ lụt, sụt lún, sạt lở đất; tập trung đặc biệt vào các tuyến giao thông quan trọng, các khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc; kiểm tra, khơi thông dòng chảy, dòng thoát lũ trên các sông, suối, kênh mương.

Cũng liên quan đến công tác ứng phó thiên tai, ngày 1/8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã có công điện hỏa tốc tiếp tục yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động rà soát mức độ an toàn tại khu vực ven sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện, cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở. Qua đó nhằm triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản khi có mưa lớn xảy ra. Cơ quan, địa phương nào để xảy ra sự cố do không thực hiện đầy đủ nội dung chỉ đạo của cấp trên hoặc chủ quan, gây thiệt hại về người và tài sản thì phải tạm đình chỉ công tác đối với người đứng đầu cơ quan, địa phương đó để tiến hành kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định.

Tăng kinh phí cho các dự án chống sạt lở

Chú thích ảnh
Khu vực bị sụt lún tại thôn 17, Nhân Cơ, Đăk R’lấp, Đăk Nông. Ảnh: TTXVN phát

Về lâu dài, các giải pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất ở Tây Nguyên đã được toan tính. Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên vẫn là “tiền đâu”, bởi kinh phí để khắc phục, phòng, chống sạt lở đất là không hề nhỏ.

Tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), sau vụ sạt lở đường Khe Sanh (đầu đèo Mimosa) đe dọa nhiều nhà dân vào cuối năm 2021, đến đầu năm 2022, địa phương đã “rót” gần 50 tỷ đồng triển khai phương án khắc phục sự cố. Sau khi được gia cố bằng các bờ kè chắc chắn cộng với thiết bị công nghệ hiện đại, khu vực này hầu như không bị tác động bởi tình trạng sạt lở trong mùa mưa năm 2023.

Trước thực trạng ngập lụt, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, đầu tháng 8 vừa qua, UBND thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đã đề xuất phê duyệt danh mục chủ trương đầu tư các dự án khẩn cấp phòng, chống sạt lở, ngập lụt, sụt lún trên địa bàn với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng. Cụ thể, 10 dự án được đề xuất nằm trong khu vực hồ chứa nước, ven suối, các cống ngầm thường xuyên bị ngập cục bộ khi mưa lớn và những vị trí có bờ taluy cao, nguy cơ bị sạt lở trong mùa mưa bão. Nếu được phê duyệt, các dự án trên sẽ được triển khai thực hiện ngay trong năm 2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Theo ông Đặng Trần Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, trước tình trạng sạt lở đất trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị và địa phương trên địa bàn xây dựng, triển khai nhiều phương án vận động các hộ di dời ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi thiên tai xảy ra. Ngoài ra, Kon Tum cũng triển khai một số khu tái định cư cho người dân di dời khỏi vùng sạt lở đất như thôn tái định cư Tu Thó, xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) với 139 hộ dân; khu tái định cư xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông) với 42 hộ dân; khu tái định cư xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông với 19 hộ dân… Tuy nhiên, ông Đặng Trần Huân cũng thừa nhận, hiện nay việc di dân ra các vùng có nguy cơ sạt lở vẫn còn gặp phải một số khó khăn. Đặc biệt, việc bố trí kinh phí về cho các địa phương để thực hiện kế hoạch quy hoạch tổng thể di dời dân cư còn hạn chế. 

Còn tại Đăk Nông, việc khắc phục hậu quả do sụt lún, sạt lở bất thường hiện nay hầu như “giậm chân tại chỗ”. Nguyên do là thiếu vốn đầu tư và tỉnh đã xin Trung ương bố trí nhưng hiện chưa được phản hồi. Cụ thể, sau các đợt mưa lũ gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng trong thời gian qua, UBND tỉnh Đăk Nông đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương số tiền hơn 660 tỷ đồng để địa phương có đủ nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở gây ra. Tuy nhiên, đến nay, các công trình hạ tầng thiết yếu bị sụt lún, sạt trượt do mưa lũ vẫn chưa được khắc phục và vấn đề đầu tiên là “tiền đâu” thì vẫn chưa được giải đáp.

Trong khi chờ kinh phí, Thường trực Tỉnh ủy Đăk Nông cũng chỉ đạo về lâu dài, không bố trí, quy hoạch các khu dân cư ở các vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất. Quá trình thiết kế, xây dựng các công trình, dự án, phải hạn chế việc đào đắp, làm biến dạng, thay đổi địa hình tự nhiên. Đặc biệt, các địa phương, đơn vị xử lý nghiêm những trường hợp san lấp mặt bằng trái phép, nhất là tại thành phố Gia Nghĩa; khắc phục ngay tình trạng “phạt cho tồn tại” và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức liên quan.


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/dia-phuong/tay-nguyen-doi-mat-voi-sat-lo-sut-lun-dat-bai-cuoi-nhan-dien-nguy-co-san-sang-ung-pho-20231121094237595.htm