Tâm tư của nghệ nhân đẽo mặt nạ gỗ

54

Nghệ nhân A Yưk (57 tuổi, ngụ làng Klâu Ngo Zố, xã Ia Chim, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) nổi tiếng gần xa bởi đôi tay tài hoa, tạo tác ra vô số mặt nạ kỳ quái nhưng đầy nghệ thuật.

Các mặt nạ gỗ do nghệ nhân A Yưk làm ra

Các mặt nạ gỗ do nghệ nhân A Yưk làm ra

Ông nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, trong một lễ hội được tận thấy nhiều tượng, mặt nạ đẹp, bản thân rất thích. Về nhà, ông mày mò làm thử. Ông đi hỏi hết các già làng, nghệ nhân gần xa về cách chế tác, đục đẽo để thổi được hồn vào từng tác phẩm. Khi làm ra tác phẩm đầu tiên của mình ông cũng mang đi hỏi khắp nơi xem cần chỉnh sửa, thêm màu sắc ra sao. Từ đó, trong các lễ hội của làng Klâu Ngo Zố, ông đều mang theo những chiếc mặt nạ của mình làm ra cho bà con.

“Mặt cười, buồn, khổ đau, phấn khởi, già trẻ, gái trai… mình làm được cả. Thường mặt nạ cho phụ nữ thon gọn, có phủ vải đen tượng trưng cho tóc, còn mặt nạ cho đàn ông có tô điểm thêm râu, khuôn mặt to rộng. Mặt nạ mình làm chủ yếu là các khuôn mặt hết sức kỳ dị, hài hước”, ông Yưk chia sẻ.

Theo nghệ nhân Yưk, trong lễ hội nếu không có mặt nạ người diễn vẫn còn tâm lý ngượng ngùng. Nhưng khi đeo mặt nạ vào họ sẽ hòa mình, nhảy múa như được hóa thân vào một người khác.

Để tạo nên chiếc mặt nạ đẹp, đầu tiên ông Yưk chọn chất liệu gỗ nhẹ, không bị nứt nẻ. Sau khi thành hình, khâu cuối cùng ông hơ trên lửa cho mặt nạ cháy sém để tạo màu đen kỳ dị.

“Làng mình may còn già A Yưk biết làm mặt nạ thế hệ trẻ mới hiểu và biết đến. Nhờ có mặt nạ ấy mà các lễ hội ở làng cũng thêm đặc biệt, linh thiêng hơn. Nhưng giờ lớp trẻ không còn mặn mà gì với nét truyền thống này nữa”.

Ông A Byam, trưởng làng Klâu Ngo Zố tâm tư

Với ông Yưk, làm các mặt nạ mịn màng, sạch sẽ chưa chắc được coi là đẹp. Mặt nạ đẹp phải có biểu cảm, hoặc khuôn mặt thật xấu, kỳ dị, khi đưa vào các lễ hội không khí mới vui tươi. “Đeo mặt nạ phải kết hợp với áo khoác bằng rễ cây, lá chuối khô sẽ khiến người trình diễn thêm bắt mắt, thu hút hơn”, ông A Yưk cho biết.

Không chỉ đẽo mặt nạ, ông còn đẽo tượng, làm con rối. Những tác phẩm của ông mộc mạc, đơn sơ nhưng rất có hồn. “Mình vừa được một đoàn nghệ thuật ở Hà Nội mời ra thủ đô một tuần để tạc tượng. Thỉnh thoảng mình cũng được các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng mời đi tạc tượng, đẽo mặt nạ, làm con rối và có thêm thu nhập cho gia đình. Mình cũng hay làm mặt nạ bán cho du khách với giá 90 nghìn đồng một cái thôi”, ông A Yưk khoe.

Điều ông Yưk lo lắng bây giờ nhất là lớp trẻ không còn mặn mà với nghề làm mặt nạ, tạc tượng gỗ truyền thống. Cả 6 người con của ông cũng không ai theo nghề của cha. Giờ đây ông Yưk cũng chỉ biết khuyên lớp trẻ trong làng cố bớt chút thời gian để học cách tạc tượng, mặt nạ vì nghề này không khó.

TIỀN LÊ

https://tienphong.vn/tam-tu-cua-nghe-nhan-deo-mat-na-go-post1467558.tpo