Sức sống mới trên vùng đất Đăk Ui anh hùng

763

[Tin Kon Tum] –


08/01/2019 06:29


​Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) là vùng đất giàu truyền thống cách mạng; ngườì dân nơi đây sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ quê hương. Và, nơi đây trở thành căn cứ địa cách mạng của tỉnh Kon Tum. Hòa bình lập lại, phát huy truyền thống anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xã Đăk Ui, nhân dân địa phương đoàn kết một lòng, đang nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo và tạo nên những kỳ tích mới trong dựng xây ngay trên mảnh đất đã bị bom đạn chiến tranh cày xới…

Vùng đất truyền thống cách mạng

Đọc những dòng lịch sử ở Đăk Hà tôi mới hiểu được vị trí cũng như tinh thần bất khuất của đồng bào Xơ Đăng ở Đăk Ui (huyện Đăk Hà).

Thời kỳ ấy, Đăk Ui là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng, là căn cứ địa cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Người Xơ Đăng ở Đăk Ui với lòng yêu nước nồng nàn, một lòng theo Đảng đã kiên cường đứng lên chống giặc ngoại xâm, không sợ hy sinh gian khổ. Mỗi người dân nơi đây là một chiến sĩ cách mạng, đấu tranh chống lại kẻ thù, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ địa cách mạng trước mọi sự tấn công của địch, biến Đăk Ui thành một trong những vùng “pháo đài” vững chắc “bất khả xâm phạm” ở tỉnh Kon Tum.  

Lợi dụng địa bàn hiểm trở, cùng với tinh thần chiến đấu bất khuất, mưu trí, dũng cảm, người dân Đăk Ui kiên cường chiến đấu, không sợ hy sinh, đã đẩy lùi nhiều cuộc càn quét của kẻ thù vào vùng căn cứ cách mạng, bảo vệ làng, bảo vệ quê hương.

Chính sự kiên cường, bất khuất ấy, nhân dân Đăk Ui đóng góp vào lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện Đăk Hà nói riêng và lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum những “trang sử vàng chói lọi”.

Chỉ tính riêng, từ những năm 1961 đến năm 1972, nhân dân và du kích xã Đăk Ui đã tham gia đánh 289 trận, bắn rơi 6 máy bay, diệt 6 xe tăng, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch… Nhiều du kích xã Đăk Ui đã được phong tặng danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ, Chiến sĩ bắn máy bay, Chiến sĩ thi đua của B3…

Trong những ngày kháng chiến gian khổ ấy, 70 người con ưu tú của mảnh đất Đăk Ui đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự hy sinh xương máu của các anh góp phần tô thắm truyền thống yêu nước, cách mạng của Đăk Ui.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, căn cứ địa Đăk Ui là một trong những địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng huyện Đăk Hà nói riêng, của khu vực Tây Nguyên nói chung.

Đăk Ui là quê hương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân A Tranh và một nữ kiên trung du kích Đăk Ui ngày ấy là chị Y Vêng (con gái của Anh hùng A Tranh) – sau này chị Y Vêng trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum các khóa X, XI, XII…

Với những thành tích to lớn trong chiến tranh, quân và dân xã Đăk Ui đã được Nhà nước tặng nhiều huân huy chương và đặc biệt, năm 1971, Đăk Ui được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là phần thưởng cao quý ghi nhận sự đóng góp to lớn của quân và dân Đăk Ui trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Sức sống mới trên mảnh đất cách mạng

Chiến tranh lùi xa, được làm chủ trên chính quê hương mình, đồng bào Xơ Đăng ở Đăk Ui đang tiếp tục viết tiếp những trang sử truyền thống của vùng căn cứ cách mạng; cùng nhau thi đua lao động sản xuất, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống mới ngay trên quê hương anh hùng.


Sức sống mới trên vùng đất Đăk Ui anh hùng
Xã Đăk Ui đang ngày càng đổi mới. Ảnh: P.N

 

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2019, tôi đến với mảnh đất Đăk Ui anh hùng và thật sự ngạc nhiên trước sự đổi thay của nơi đây. Xóm làng trở nên trù phú hơn, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương.

Con đường đất trước kia nối với đường Hồ Chí Minh đã được thay thế bằng con đường nhựa rộng thênh thang nối thẳng đến xã, về đến các thôn làng. Đường làng, ngõ xóm đều đã được đổ nhựa và bê tông hóa sạch sẽ. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang phục vụ nhu cầu học tập, đi lại, sinh hoạt của người dân. Những cánh đồng lúa trải dài, những vườn đồi cà phê, cao su ngút ngàn màu xanh, những ngôi nhà  mái ngói đỏ tươi mọc lên san sát cho thấy sự đổi thay no ấm và trù phú đang về trên mỗi thôn làng của vùng căn cứ xưa…

Nét mặt và nụ cười rạng rỡ của vợ chồng chị Y Oai và A Cường (ở thôn 1A, xã Đăk Ui) mà tôi gặp khi về với Đăk Ui đã làm trỗi dậy trong tôi một niềm vui khó tả, bởi tôi cảm nhận được đời sống người dân nơi đây khá lên rất nhiều.

Vợ chồng anh Cường dẫn chúng tôi đến nhà, giới thiệu căn nhà gần 100m2 mới xây xong vẫn còn mùi vôi và bày tỏ: Nhờ sự tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước cho chúng tôi được vay nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất nên gia đình tôi thoát khỏi hộ nghèo. Cũng từ nguồn vốn vay, đến nay gia đình tôi phát triển được gần 1ha cà phê, 2.000 cây bời lời, nuôi 4 con bò sinh sản… Không những trả hết nợ mà gia đình tôi còn tích lũy xây dựng được căn nhà mới kiên cố, khang trang.

“Giờ thì yên tâm rồi. Chỉ lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình, nuôi con cái ăn học đàng hoàng” – A Cường phấn chấn nói với tôi.    

Đến Đăk Ui hôm nay ở đâu cũng nghe bà con trao đổi về chuyện làm ăn, về giá cả cao su, bời lời, cà phê… Điều đáng mừng là người dân đã thay đổi nhận thức. Nếu như trước đây, người dân không dám vay vốn để phát triển sản xuất thì hiện nay người dân luôn mong muốn được tạo điều kiện vay vốn, được nâng số vốn vay cao hơn để mở rộng sản xuất. Giờ đây người dân Đăk Ui thi đua phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu.

Ông U Bình – Thôn trưởng thôn 1A cho biết: Mấy năm gần đây, bà con rất có ý thức làm ăn, tích cực lao động sản xuất. Nhà nào cũng trồng cà phê, bời lời, không ít thì nhiều và kết hợp với chăn nuôi bò, heo… nên thu nhập tăng lên, đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Cái nghèo dần được đẩy lùi, số hộ khá giàu ngày càng nhiều.  

Ông Ngô Hồng Hưng – Chủ tịch UBND xã Đăk Ui cho biết: Xã Đăk Ui có 1.317 hộ dân, 6.130 khẩu, trong đó, có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, kinh tế của địa phương có sự phát triển mạnh, đời sống người dân đổi thay nhiều; hộ nghèo giảm, hộ khá giả và giàu tăng lên. Hiện nay toàn xã đã trồng được hơn 500ha cây công nghiệp, chăn nuôi được hàng nghìn con gia súc các loại. Đăk Ui phấn đấu đến năm 2020 đạt xã nông thôn mới… 

Sức sống mới trên vùng đất Đăk Ui anh hùng cũng phải nói đến sự đóng góp của những “Bộ đội Cụ Hồ” ngay trên mảnh đất này. Đó là những người lính tình nguyện ở lại và gắn bó với Đăk Ui sau khi chiến tranh kết thúc, tập trung ở làng “Đại đoàn kết” – thôn 4. Làng hiện có 202 hộ nhưng hiện chỉ còn 10 hộ nghèo.

  Anh Bùi Thu Sa- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) cho biết, hầu như thế hệ sau của những người lính có vợ là sơn nữ địa phương ở làng “Đại đoàn kết” đều thành đạt. Đây là thôn khá giả nhất xã, luôn đi đầu trong mọi phong trào của địa phương. Những cựu binh này đã giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào Xơ Đăng trong vùng cách làm ăn, nhiều người còn vươn lên làm giàu… chính nhờ sự giúp đỡ tận tình của các cựu binh.

Nói đến Đăk Ui, chúng ta không thể không nhắc tới hồ thủy lợi Đăk Uy – thường được gọi là “Đập mùa xuân”. Đây là con đập nổi tiếng, được xây dựng từ năm 1976 bởi lực lượng bộ đội Quân khu 5 như là món quà tri ân người dân Đăk Ui anh hùng vì những công lao to lớn đóng góp sự nghiệp cách mạng. Hồ rộng 400ha, cấp đủ nước ngọt cho bà con Đăk Ui và các vùng xung quanh trồng lúa nước 2 vụ, có sức tưới cho hơn 400ha cây trồng các loại.

Sức sống mới cũng như sự trù phú của vùng đất Đăk Ui một phần cũng bắt nguồn từ công trình thủy lợi Đăk Uy…Bởi, ngoài việc điều tiết nước phục vụ cho sản xuất, đập Đăk Uy còn là nơi để người dân đánh bắt, khai thác, nuôi trồng thủy sản và cung cấp nguồn lợi thủy sản lớn không chỉ cho Đăk Hà và cho các địa phương khác trong tỉnh.

Đến Đăk Ui, không thể không đến “Đập mùa xuân” để được đi thuyền, được trải nghiệm câu cá trên lòng hồ; được ngắm khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với núi non hùng vĩ, màu xanh bạt ngàn của cà phê, cao su in xuống mặt hồ lúc hoàng hôn và khi bình minh. Khung cảnh đó càng đẹp khi mùa xuân về. Đây thực sự là điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi đến với mảnh đất Đăk Ui anh hùng.

Phát huy truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương đang ra sức dựng xây, sức sống mãnh liệt đang trỗi dậy từng ngày trên vùng đất Đăk Ui anh hùng, tạo nên những đổi thay diệu…

Phúc Nguyên