Sức hấp dẫn của “vùng đất ngã ba biên”

510


27/11/2018 07:00


Không chỉ là vùng đất hấp dẫn đối với du khách thập phương đến để tham quan du lịch, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của địa phương, Ngọc Hồi còn có “sức mời gọi” các nhà đầu tư đến khai thác tiềm năng, đem lại nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế. Có được điều đó là bởi những lợi thế địa lý của vùng đất án ngữ ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia, nơi “một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe”…

Điểm đến du lịch hấp dẫn

Ngọc Hồi được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến bởi vị trí địa lý  đặc biệt – ngã ba Đông Dương, Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cột mốc biên giới giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Đây là địa danh nổi tiếng không chỉ hấp dẫn với khách du lịch trong nước và cả với du khách nước ngoài.

Mới đây, tôi có bạn từ Hà Nội vào Kon Tum. Bởi đã cất công tìm hiểu về Ngọc Hồi nên khi đến Kon Tum, bạn tôi liền đề nghị tôi dẫn đến ngã ba biên giới Ngọc Hồi để tìm hiểu về vùng đất này và đặc biệt là phải đến “sờ tay vào cột mốc 3 biên” – cách nói hình tượng của bạn tôi nhằm biểu đạt đến thăm Cột mốc ngã biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia ở Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi).


Sức hấp dẫn của “vùng đất ngã ba biên”
Ngọc Hồi là địa danh nổi tiếng không chỉ hấp dẫn với khách du lịch trong nước và cả với du khách nước ngoài. Ảnh: V.P

 

“Tôi nghe nói, đứng trên ở Cột mốc ngã ba biên giới có thể ngắm được cảnh núi rừng hùng vĩ nối liền 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Vì vậy, tôi nghĩ, đến Kon Tum mà không đến ngã ba biên giới để thăm cột mốc thì coi như chưa đến” – anh bạn tôi biểu thị quyết tâm như chừng sợ tôi ngại khó từ chối, tôi mỉm cười gật đầu để bạn yên tâm.

Cột mốc nằm ở độ cao hơn 1.000m, trên một đỉnh đồi cao lộng gió. Ba mặt của cột mốc là của 3 nước. Phía Việt Nam là tỉnh Kon Tum, phía Lào là tỉnh Attapư và phía Campuchia là tỉnh Rattanakiri. Cột mốc cách Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y 10km, đường sá đi lại thuận lợi.

Cột mốc 3 biên – không chỉ đơn thuần là ranh giới chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia mà còn thể hiện tình cảm láng giềng hữu nghị giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia “đời đời bền chặt”.

Được đặt chân đến cột mốc, trong mỗi chúng ta dâng trào những cảm xúc thiêng liêng khó mà diễn tả đến được và được hít thở bầu không khí trong lành, được ngắm cảnh núi non hùng vĩ, phóng tầm mắt ra xa một chút có thể “chạm vào nước bạn”…

Trải nghiệm trên mảnh đất ngã ba biên giới Ngọc Hồi, anh bạn tôi bày tỏ niềm phấn khích vì đã “thỏa lòng mong ước bấy lâu nay”. Bởi vậy, đi đến đâu anh cũng tranh thủ lưu lại những hình ảnh, thước phim làm kỷ niệm cho lần đầu được đặt chân đến vùng ngã ba biên “để về còn khoe với bạn bè”- anh khoái chí nhấn mạnh với tôi, như giải thích cho việc lăng xăng quay quay chụp chụp của mình.

Ngọc Hồi còn có nhiều sự mời gọi hấp dẫn du khách chứ không chỉ là “Cột mốc ba biên”, hàng loạt những điểm đến, những di tích lịch sử đang chờ đợi mọi người trong hành trình du lịch tìm hiểu lịch sử và khám phá vùng đất mới.

Đến với vùng đất Ngọc Hồi du khách còn được trải nghiệm, tham quan Di tích lịch sử Chiến thắng Plei Kần (xếp hạng cấp quốc gia), tham quan khu căn cứ Bến Hét năm xưa; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn và Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y…

Đến với Ngọc Hồi, du khách còn được tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Ngọc Hồi – nơi hội tụ văn hóa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc trong cả nước. Nơi đây 17 dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc được bảo tồn, phát huy, góp phần làm nên “bức tranh văn hóa đa săc màu’ của vùng đất Ngọc Hồi. Trong đó, có 3 dân tộc tại chỗ, đó là Giẻ -Triêng, Xơ Đăng, Brâu.

Anh Hoàng Huy Quyền – cán bộ Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Ngọc Hồi cho biết: Ngọc Hồi có rất nhiều thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn giữ được những nét văn hóa truyền thống, đó là các nhà sàn được gìn giữ qua nhiều thế hệ, các lễ hội rất đặc trưng, độc đáo được tổ chức vào các dịp lễ của làng, như lễ hội mừng nhà rông mới, lễ hội đâm trâu của bà con dân tộc Giẻ -Triêng; lễ hội mừng lúa vào kho của bà con dân tộc Brâu…

Hiện nay, đồng bào các dân tộc tại chỗ vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Các làng văn hóa Đăk Răng (xã Đăk Dục), làng văn hóa Đăk Mế (xã Bờ Y) là những điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Huyện Ngọc Hồi đang có kế hoạch tận dụng lợi thế, những tiềm năng  đó để xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện nói chung và tại hai làng Đăk Răng, Đăk Mế nói riêng.

Đến với Ngọc Hồi để cảm nhận không gian văn hóa rất đậm đà bản sắc, ngắm mái nhà rông sừng sững giữa đại ngàn, được thưởng thức văn hóa ẩm thực như thịt nướng, cơm lam, ngất ngây cùng men rượu cần thơm ngây ngất khó quên và hòa nhịp cùng điệu múa, nhịp xoang cồng chiêng cùng các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống bên ngọn lửa bập bùng rực sáng lung linh… du khách càng cảm nhận được những giá trị rất riêng về miền đất và con người nơi đây.

Và, tất nhiên, với lòng mến khách, tôi cũng đã góp phần “đong đầy cảm xúc” cho bạn tôi khi đến với Ngọc Hồi bằng những tham quan, trải nghiệm những điều mà tôi vừa kể. Anh bạn tôi khi về Hà Nội vẫn còn gọi điện, nhắn tin cảm ơn và chia sẻ những cảm xúc khó quên về chuyến đi.

Điểm đến các nhà đầu tư

Nổi bật trong tiềm năng và thế mạnh của “mảnh đất ngã ba biên giới Ngọc Hồi” này có Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y nối với nước bạn Lào.

Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y có vị trí rất thuận lợi trong việc giao thương phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và các nước trong khu vực Đông Nam Á, ASEAN. Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã chính thức được Chính phủ xác định là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước.


1543277320 350 Sức hấp dẫn của “vùng đất ngã ba biên”
Người Jẻ Triêng ở Ngọc Hồi vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống hấp dẫn du khách. Ảnh: V.P

 

Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y là địa điểm trung chuyển quan trọng nằm trên trục hành lang kinh tế Đông-Tây. Giao thông đi lại được thông suốt và thuận lợi để vận chuyển hàng hóa, hành khách đến các Trung tâm thương mại – dịch vụ lớn như: Đà Nẵng, cảng Dung Quất, cảng Quy Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh, Chămpasặc (Lào); U Bon, Băng Cốc (Thái Lan)…

Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y vừa là trung tâm hội tụ, giao lưu, tiếp cận, hòa nhập văn hóa, vừa là địa bàn hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh thương mại – dịch vụ.

 Từ lợi thế này, tỉnh Kon Tum chọn Ngọc Hồi là 1 trong 3 vùng kinh tế động lực. Đây là lợi thế vô cùng to lớn để Ngọc Hồi thu hút đầu tư.

Trong những năm qua, Ngọc Hồi đẩy mạnh công tác quảng bá, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư tại huyện. Huyện thành lập một tổ tư vấn trực tiếp hướng dẫn giúp về các các thủ tục cho các nhà đầu tư đến đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi mời gọi các nhà đầu tư đến địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất, chế biến nhựa thông, dầu thông của Công ty TNHH nhựa thông SJ với tổng vốn đầu tư 45,4 tỷ đồng; cơ sở tái chế rác thải kim loại màu (nhôm, đồng, chì) Sơn Hùng Phát với tổng vốn đầu tư 11 tỷ đồng; Thủy điện Đăk Piu 2 với tổng vốn đầu tư hơn 142 tỷ đồng…

Đến nay, vùng kinh tế động lực Ngọc Hồi có 57 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.525 tỷ đồng, vốn thực hiện đến nay khoảng 538,2 tỷ đồng…

Theo UBND huyện Ngọc Hồi, đến nay có khoảng 130 doanh nghiệp lớn và nhỏ đang hoạt động trên địa bàn huyện. Những doanh nghiệp này đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo để vùng đất ngã ba biên giới Ngọc Hồi ngày càng tươi đẹp hơn.

Phát huy lợi thế địa chính trị- kinh tế- văn hóa, huyện Ngọc Hồi đang phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển du lịch và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa bàn…

Phúc Nguyên

Đi đến nguồn bài viết