Sắc màu thổ cẩm

327

28/07/2020 13:03

Dù cuộc sống hiện đại, nhiều loại vải với sự đa dạng các chất liệu, kiểu cách ra đời nhưng thổ cẩm vẫn luôn hiện diện ở các làng DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum. Sau tất cả, họ vẫn chọn và giữ nghề dệt thổ cẩm như một phần tất yếu của cuộc sống. Và mới đây, Liên hoan “Sắc màu thổ cẩm” do thành phố Kon Tum tổ chức vào đầu tháng 7/2020 một lần nữa làm sống lại không gian thổ cẩm.

“Thổi hồn” vào thổ cẩm

Dưới mái nhà sàn ở làng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), 10 nữ nghệ nhân của làng đang miệt mài làm việc, người se chỉ, người dệt để tạo nên những tấm thổ cẩm mang hoa văn độc đáo, ý nghĩa. Tôi bất ngờ và ấn tượng với cách dệt thổ cẩm của người Ba Na nơi đây. Thay vì sử dụng các loại chỉ có sẵn trên thị trường, họ vẫn duy trì việc trồng bông, se sợi.

Từ kinh nghiệm truyền lại, các bà, các mẹ sử dụng một số loại cây, quả như gấc, mồng tơi, cà ri, và các vật liệu tự nhiên như than, đá, vỏ ốc suối… để tạo màu sắc. “Tự làm sợi, nhuộm màu sợi tốn nhiều thời gian hơn nhưng sẽ làm tấm vải giá trị hơn. Chúng tôi đặt cả tâm huyết, tình yêu vào trong từng sợi chỉ, từng hoa văn trên tấm vải. Hơn thế, vải bằng sợi bông mềm mịn, mặc rất thoải mái” – nghệ nhân Y Din chia sẻ.

20200725161503noi nghe cua me cua ba cac thieu nu kheo leo det tho cam3
Nối nghề của bà, của mẹ, các thiếu nữ khéo léo dệt thổ cẩm. Ảnh: H.T

 

Nếu màu đen tượng trưng cho đất rừng trù phú, màu đỏ thể hiện khát vọng và tình yêu thì màu xanh thể hiện cây cỏ xanh tốt… Chính vì mỗi màu có một tiếng nói riêng nên không dừng lại ở  2 màu đen, đỏ, các nghệ nhân khéo léo dệt những tấm vải với nhiều màu trắng, xanh, vàng, tím, hồng… để tạo nên ấn tượng mạnh mẽ. Bà Y Din nói rằng, ngoài việc tỉ mỉ trong chọn, phối màu, các nghệ nhân trong đội còn dệt họa tiết hình nhà rông, dệt họa tiết đối xứng phản ánh quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương; đưa hình ảnh của thiên nhiên, núi rừng vào trong từng tấm thổ cẩm… Ngoài việc dệt các tấm vải làm váy, áo, các nghệ nhân còn dệt những chiếc khăn choàng, tấm khố…

Tại Liên hoan lần này, xã Ia Chim có 4 nghệ nhân tham gia. Cô Y Jêl – một trong các nghệ nhân cho biết, dù dệt thổ cẩm chỉ là công việc phụ, tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm của người Gia Rai luôn có sức sống bền bỉ ở làng Plei Lay, xã Ia Chim. “Những khung cửi được chúng tôi giữ gìn như báu vật. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi lại lấy ra dệt. Trong các lễ hội, đám cưới, sự kiện quan trọng, cả gia đình lại mặc đồ thổ cẩm. Và hôm nay, chúng tôi có mặt tại đây, dệt nên những sản phẩm bằng tất cả tâm hồn, để thể hiện rằng, tình yêu thổ cẩm không bao giờ phai nhạt” – cô Y Jêl chia sẻ.

Cô Y Jêl cho biết, đội của cô lên ý tưởng làm tấm áo, váy với nhiều hoa văn, như hình thoi, hình cây rau dớn… Để tôn lên vẻ rực rỡ, bắt mắt cho tấm váy, các thành viên trong đội thống nhất kết hợp từng màu sắc và dệt đan xen nhau để màu này tôn lên cho màu kia và đứng cạnh nhưng không bị “chỏi nhau”. Các hoa văn phụ sẽ làm nổi bật hoa văn chính.

Cũng như các đội khác, dưới mái nhà sàn, 3 nghệ nhân đến từ xã Vinh Quang cũng miệt mài bên khung cửi. Với tâm lý thoải mái, các cô, các chị thả hồn vào từng sợi chỉ. Những tấm áo, tấm váy với những hoa văn đặc sắc nhanh chóng được hoàn thành. Em Y Âu phấn khởi cho biết: “Ở nhà em và các mẹ, các chị rất hay dệt thổ cẩm nên tham gia cuộc thi, em rất thoải mái. Em thấy rất vui vì đây là cơ hội để giao lưu, học hỏi và tự hào khi mình giữ được nghề truyền thống của dân tộc”. 

Nối “dòng chảy” thổ cẩm

Từ khi sinh ra, bà Y Din đã được nghe tiếng khung cửi, đã được nhìn thấy những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn độc đáo. 12 tuổi, qua sự truyền dạy của bà ngoại, của mẹ, bà biết dệt. Và 55 năm nay, mỗi ngày, ở nhà bà Y Din vẫn đều đều tiếng dập khung dệt. Bà nói rằng, tình yêu với nghề dệt đã ngấm sâu vào máu thịt, đến khi nào về với Yàng, bà mới buông khung cửi, mới thôi dệt.

Gắn bó với khung cửi, với sợi chỉ, mỗi ngày, với bà Y Din, dệt là niềm vui, niềm hạnh phúc. Và không chỉ “giữ nghề” cho riêng mình, thời gian rảnh rỗi, bà lại cùng chị em trong làng chăm sóc những đám bông, se chỉ từ sợi bông; cùng chia sẻ kinh nghiệm dệt nên những tấm choàng cổ, tấm khăn đẹp, mềm mại. “Ngày trước, thiếu nữ, ai dệt đẹp sẽ được nhiều chàng trai để ý. Bây giờ, chúng tôi già rồi, chúng tôi giữ, lưu truyền nghề dệt để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống” – bà Y Din nhấn mạnh.

Có sự truyền nối nên dòng chảy thổ cẩm vẫn êm đềm chảy trong các gia đình người Ba Na nơi đây. Bên khung cửi, bà Y Sen, thôn Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa chỉ về phía 2 cô con gái, cười, khoe rằng: “Nhà mình có đến 3 thành viên được chọn tham gia lễ hội”. “Tôi biết dệt từ năm 13 tuổi và đam mê với nghề, truyền nối cho 2 người con gái. Các con dệt đẹp, sắc sảo, tôi rất ưng bụng” – bà Y Sen tự hào.

20200725161259noi nghe cua me cua ba cac thieu nu kheo leo det tho cam2
Có sự truyền nối nên dòng chảy thổ cẩm vẫn êm đềm chảy trong các gia đình người Ba Na. Ảnh: HT

 

Cô con gái Y Cher (31 tuổi) “nối nghề” của mẹ từ năm 2019. Và cô con gái Y Xong – 20 tuổi cũng theo sự chỉ dạy của mẹ, học dệt từ năm 16-17 tuổi. “Ngày nay, chúng em có rất nhiều sự lựa chọn về vải vóc lẫn trang phục, nhưng sinh ra từ làng, bản thân em yêu từng tiếng khung dệt, từng sợi chỉ… nên em học dệt vì đam mê. Nghề dệt rất khó, yêu cầu sự tỉ mẩn, cẩn thận… nhưng, nếu ai chịu khó và đam mê sẽ học được. Chúng em còn trẻ, mắt sáng hơn, tay chân linh hoạt hơn, chúng em sẽ cố gắng học những kinh nghiệm của thế hệ đi trước để phát triển nghề dệt truyền thống” – Y Xong chia sẻ.

Ở làng Kon Rờ Bàng có nhiều nghệ nhân được chọn tham gia Liên hoan “Sắc màu thổ cẩm”, trong số có em Y Âu. Không giấu niềm vui, Y Âu thổ lộ: Dưới sự hướng dẫn của mẹ Y Pưih, em sớm biết dệt thổ cẩm. Từ lâu, em được khen dệt nhanh, dệt giỏi nhất làng; dệt được những tấm thổ cẩm với hoa văn sắc sảo của người Ba Na.

“Để dệt được một tấm thổ cẩm không đơn giản, tốn rất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, khi dệt xong, những tấm thổ cẩm mang hồn dân tộc đem lại rất nhiều niềm vui. Hiện tại, ngoài việc dệt để phục vụ cho bản thân và gia đình, chúng em còn hướng đến làm đa dạng các sản phẩm để kết nối, bán ra thị trường. Và em tin rằng, sản phẩm thổ cẩm thủ công sẽ luôn nhận được sự ưu ái của mọi người” – Y Âu bày tỏ.

Cô Linh Nga Niê Kdam – nhà nghiên cứu dân gian, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam bày tỏ sự vui mừng, phấn khích khi được tham gia Liên hoan “Sắc màu thổ cẩm”. Cô chia sẻ rằng, cô rất vui mừng khi người dân vừa giữ nghề dệt, vừa gìn giữ cả nguyên liệu dệt thổ cẩm từ ngày xưa và dòng chảy thổ cẩm vẫn êm đềm lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

“Thổ cẩm không chỉ sử dụng để làm váy áo mà có thể phát triển đa dạng các sản phẩm: túi xách, ví, giày cao gót, khăn choàng… Khi các sản phẩm đa dạng, hoạt động quảng bá, giới thiệu tốt, các sản phẩm thổ cẩm được nhiều người biết đến, người dân sẽ sống được với nghề” – cô Linh Nga Niê Kdam nhấn mạnh.

Hoàng hôn buông dần, các nghệ nhân vẫn miệt mài bên khung cửi. Đi thi nhưng tâm trạng hào hứng, không chút lo lắng, căng thẳng, bởi ai nấy đều vui vì được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và tự hào vì nghề dệt truyền thống luôn chảy qua các thế hệ, được lưu truyền, đón nhận.

HOÀI TIẾN

Đi tới nguồn bài viết