Rừng xã Hiếu – vẻ đẹp nguyên sơ mê đắm du khách

503


30/10/2018 07:00


​Xã Hiếu là một trong những xã của huyện Kon Plông dường như còn nguyên vẹn hệ sinh thái rừng đặc hữu nguyên sinh của Đông Trường Sơn. Khi mùa mưa đi qua, trời hửng nắng, du khách nào có mặt nơi đây những ngày tháng 10 sẽ chìm đắm trong sắc màu xanh trong của chồi non, màu vàng ươm của những bông hoa hoang dại.

Đến bây giờ, dẫu rất nhiều lần về xã Hiếu, song mỗi lần về với nơi đây, trong tôi đều trào dâng những cảm xúc mới lạ, đắm say trước cảnh đẹp của thiên nhiên. Bởi, cảnh núi rừng của vùng đất xã Hiếu đã tạo nên bức tranh tuyệt đẹp; nắng trời, sắc mây ở mỗi thời điểm trong ngày góp phần phối nên những gam màu mới, ngập tràn cảm xúc của núi non hùng vĩ, rừng cây hoang sơ, những con suối len lỏi chảy miên man giữa núi rừng.

Và, có lẽ ai đến với xã Hiếu cũng đều trào dâng cảm xúc như tôi.  

Không cưỡng được vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng xã Hiếu, năm nay tôi lại tìm về với nơi đây và một ngày nắng đẹp cuối tháng 10. Tôi thả bộ trên con đường mòn xẻ đôi những con dốc, rồi lại nối dốc len lỏi dưới tán rừng để quên đi cái ồn ào náo nhiệt của phố thị, đắm mình vào cái tĩnh lặng, hoang sơ của thiên nhiên và tôi hít căng lồng ngực, tận hưởng không khí trong lành ở nơi đây.

Dẫu biết tôi từ lâu, nhưng theo thông lệ khi làm việc, một cán bộ địa phương đã giới thiệu với tôi về xã Hiếu những nét khái quát về mảnh đất, con người nơi đây với niềm tự hào của mình.

Xã Hiếu có diện tích tự nhiên 20.150ha, trong đó có đến 2/3 là đất lâm nghiệp và rừng. Năm 2009, cộng đồng thôn Vi Chring xã Hiếu được giao quản lý bảo vệ 808ha rừng theo Dự án Jica. Năm 2012, xã Hiếu có Dự án giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) được giao bảo vệ 3.574,65ha rừng. Gần đây, xã Hiếu lại có Dự án Bảo vệ rừng và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng tỉnh Kon Tum (gọi tắt là dự án KfW10) do Chính phủ cộng hòa Liên bang Đức – Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) tài trợ. Diện tích rừng giao cho cộng đồng quản lý bảo vệ 1.238ha. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến 2019. Việc giữ rừng ở xã Hiếu đang được nhiều tổ chức nước ngoài quan tâm.

Như vậy, tính từ năm 2013 đến nay kể từ khi có Dự án REDD+ và Dự án KfW10, hệ thống tổ chức tuần tra rừng thường xuyên được triển khai trên địa bàn xã Hiếu.

Tình hình mất rừng và suy thoái rừng ở xã Hiếu đã giảm thiểu đáng kể. Người dân đã bước đầu thay đổi hành vi phát rừng làm rẫy tự phát và khai thác gỗ gia dụng bừa bãi sang phát rẫy theo quy hoạch sử dụng đất và khai thác gỗ gia dụng có xin phép. Ban quản lý quỹ Phát triển thôn được hỗ trợ tài chính; mở tài khoản ngân hàng cho cộng đồng, thành lập quỹ bảo vệ rừng cộng đồng và tập huấn quản lý quỹ. Năng lực tổ chức quản lý bảo vệ rừng theo mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng tại xã Hiếu đang được nâng cao. Rừng xã Hiếu mênh mông, rộng lớn che chở cho trên 3.000 đồng bào dân tộc thiểu số M’nâm, H’re sống yên vui dưới tán rừng.

Với tôi xã Hiếu là duyên nợ, là nghĩa tình nồng ấm của nhiều đêm thức trắng sinh hoạt với dân làng bên ghè rượu để được nghe già làng kể về truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân xã Hiếu.


Rừng xã Hiếu vẻ đẹp nguyên sơ mê đắm du khách
Đồng lúa nước của xã Hiếu. Ảnh: D.L

 

Tôi còn nhớ kỷ niệm của lần đến xã Hiếu vào tháng 9/2014. Lúc tôi đến, thời tiết của xã khá thuận lợi không có mưa. Ấy vậy mà đêm xuống, khi ngủ vẫn cần tới đệm và chăn. Đêm đầu tiên tôi ngủ tại một thôn của đồng bào M’nâm, rồi những ngày sau đó là làng người H’re. Đây đều là những thôn, làng vùng căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đêm ấy, bên ánh lửa bập bùng, chúng tôi uống rượu ghè nhà A Dẻo thôn Tu Cần. Vị ngọt rượu, men chua của lá rừng làm cái giá lạnh về đêm ở xã Hiếu cũng khá dịu dàng.

Trẻ con nằm ngủ bên bếp lửa… Người già bắt đầu chậm rãi kể chuyện về rừng, về những thôn, làng của xã Hiếu đưa khách lạ ngược thời gian về lúc xã Hiếu còn hoang sơ. Thời thuộc Pháp, xã Hiếu có tên là Măng La, đến năm 1959 có tên xã Hiếu. Xã Hiếu được đặt theo tên ông Hiếu- người xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) hoạt động cách mạng tại xã Hiếu giai đoạn 1949-1952, bị giặc Pháp sát hại trong một buổi sáng chúng đi càn tại suối Nước Liêu. Ông sống gần gũi, máu thịt ân tình, nên người dân vùng Măng La lấy tên ông đặt cho xã. Rất tiếc, cho đến tận ngày nay, lịch sử Đảng bộ huyện chưa sưu tra được đầy đủ lý lịch ông Hiếu, vẫn còn đó một khoảng lặng để suy tư…

Trong tập hồi ký “Sống giữa lòng dân” của nhiều tác giả do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xuất bản ghi lại có rất nhiều người đã trải qua hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có thời gian dài hoạt động tại địa bàn xã Hiếu, Kon Plông như ông Lê Tiễn, Nguyễn Hùng Vương, Phạm Liễm, Trần Dũng, Đinh Văn Loan, Lê Văn Vinh…

Đọc và nghiền ngẫm tập hồi ký này, chúng tôi mới thấy thấm thía nỗi vất vả, gian lao, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc của thế hệ cha anh. Các bậc cha anh đã dùng máu của mình để góp phần viết nên bản tráng ca bất tử của lòng dũng cảm bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng buổi bình minh tại vùng xa xôi và hiểm trở nhất này. Tại đây, Chi bộ Đảng xã Hiếu ra đời cũng là tiền thân của Đảng bộ huyện Kon Plông…

Theo chân A Lơn và A Lah – hai thanh niên làng Đăk Liêu, chúng tôi băng qua các thôn, làng và lội rừng.

Với sự đa dạng cả về động vật và thực vật của rừng, việc lội rừng xã Hiếu là một cơ hội để chúng tôi trải nghiệm thực tế với thiên nhiên hoang dã. Con đường gập ghềnh, dốc và dốc; dù thế, ai đã một lần đặt chân đến đây sẽ nhanh chóng bị không gian huyền bí của rừng và cảnh sống của người dân nơi đây cuốn hút…

A Lah chỉ tay về phía những ngôi nhà ngói xa xa, qua những ruộng lúa nước đang lên xanh mướt và nói đó là làng Đăk Liêu. Rồi anh thân tình cho biết: Mình sinh ra và lớn lên từ vùng rừng xanh thẳm này. Trước kia làng Đăk Liêu là những chóp nhà lúp xúp, nhưng từ ngày có Chương trình 167, hầu hết các nhà đều lợp ngói, chống chọi được sương muối ai cũng thích.

Theo tập tục của người M’nâm và người H’re ở đây, việc sử dụng sản vật từ rừng phải trong chừng mực cho phép. Trong xây dựng nhà, người M’nâm không bao giờ dùng duy nhất một loại gỗ quý. Khung nhà phải được dựng bằng nhiều loại cây khác nhau. Đó là cách hành xử hợp lòng Yàng. Luật tục này là những lời dạy thiêng liêng của ông bà để lại, mọi thành viên của cộng đồng phải trân trọng giá trị của rừng. Nếu ai có hành vi sai trái với lời dạy của ông bà thì phải bị làng xét xử. Ngày xưa rừng xã Hiếu cứ thế mênh mông.

Tôi không biết đã đi qua bao núi đồi Kon Tum đầy nắng gió, với miên man những rặng cúc quỳ trên những cung đường hay những triền đồi…, nhưng điều khiến tôi nao lòng hơn bao giờ hết, đó là những cánh đồng lúa nước trên rẻo cao đang thì con gái ở xã Hiếu làm điểm nhấn cho vẻ đẹp của núi rừng Đông Trường Sơn.

Xã Hiếu sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai ưa thích du lịch về nguồn, tìm về những địa danh mà thế hệ cha anh chúng ta từng hoạt động. Những hành trình trải nghiệm từ rừng ở xã Hiếu sẽ giúp du khách tiếp tục có những chuyến đi háo hức về phía đại ngàn Kon Plông.

Tôi tin rằng, với vẻ đẹp núi rừng nguyên sơ và những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc tại chỗ cùng truyền thống đấu tranh cách mạng của vùng đất xã Hiếu, nơi đây sẽ là một điểm du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn khi kết nối tour du lịch về với vùng đất Kon Plông- nếu được triển khai trong một dự án về du lịch với cách làm bài bản, khoa học.

Dương Lê

Đi đến nguồn bài viết