Phát triển Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực vào năm 2045

70

baotintuc.vn

Chú thích ảnh
Các tiết mục văn nghệ tại Không gian văn hóa “Thiên Đường Tây Nguyên – Măng Đen” thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

Phát triển du lịch Măng Đen trở thành điểm đến có thương hiệu 

Văn bản nêu rõ: Quan điểm lập quy hoạch nhằm phát triển Khu du lịch Măng Đen đạt các tiêu chí của Khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế. Nơi đây phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh cao, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện Kon Plông nói riêng và của tỉnh Kon Tum nói chung.

Tỉnh phát triển Khu du lịch Măng Đen nhằm thúc đẩy khai thác các lợi thế độc đáo về điều kiện khí hậu, cảnh quan tự nhiên và nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của địa phương; đảm bảo phát triển bền vững, đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Mặt khác, việc phát triển Khu du lịch Măng Đen phải bảo đảm an ninh, quốc phòng; trong đó, cần đặt trọng tâm vào ổn định an ninh chính trị, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, dân trí người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc; đảm bảo môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Tỉnh cẩn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể, không gian văn hóa liên quan.

Phát triển Măng Đen thành một động lực phát triển du lịch cả nước

Trong văn bản nêu: Mục tiêu là xây dựng và phát triển Khu du lịch Măng Đen trở thành một trong những động lực phát triển du lịch cả nước. Phấn đấu đến năm 2045, Khu du lịch Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực, với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Để đạt được những mục tiêu trên, một trong những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu quy hoạch là phải nghiên cứu mô hình phát triển khu du lịch sinh thái, cấu trúc không gian đô thị – du lịch; phân bố hệ thống đô thị – nông thôn trên cơ sở kế thừa đồ án Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen; Quy hoạch chung đô thị Kon Plông… Cùng với đó là việc tổ chức không gian cho các chức năng Khu du lịch Măng Đen. Đó là trung tâm du lịch chính mang tính chất trung tâm tập trung hầu hết các sản phẩm và dịch vụ đặc trưng với quy mô lớn của khu du lịch, điểm du lịch vệ tinh, khu vực đô thị – nông thôn. Bên cạnh đó là  các khu vực bảo vệ cảnh quan – di tích; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên; rừng sản xuất khai thác hoạt động du lịch, tổ chức hệ thống hạ tầng kết nối phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật liên quan và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh cần đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian dành cho trung tâm du lịch chính, điểm du lịch vệ tinh; thị trấn Măng Đen và các xã. Đồng thời địa phương nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ khu vực đặc trưng như trung tâm thị trấn Măng Đen – Măng Cành, nơi tập trung di tích lịch sử và thắng cảnh Măng Đen; làng đồng bào dân tộc thiểu số…


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/phat-trien-mang-den-tro-thanh-trung-tam-du-lich-nghi-duong-tam-co-khu-vuc-vao-nam-2045-20231129185429548.htm