Nữ quân nhân hết mình với dân

393

[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Male” buttontext=”Nhấn để nghe giọng nam”][responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Nhấn để nghe giọng nữ”]

Trở thành một trong 10 Gương mặt phụ nữ tiêu biểu toàn quốc, từng nhận giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam”, Thượng úy Nguyễn Thị Trinh hai năm liền vinh dự được tuyên dương Điển hình tiên tiến toàn quốc; được Bộ Quốc phòng tuyên dương “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”…

Tôi đặc biệt ấn tượng khi trò chuyện với Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Trinh, đội viên Đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, không phải bởi những bảng thành tích mà chị xứng đáng được nhận, mà bởi cách nói chuyện gần gũi, chân tình và những trăn trở của chị về cuộc sống của bà con nơi chị đóng quân.

anh 1 ch trinh 14 45 23 866Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Trinh. (Ảnh: ĐP)

“3 bám, 4 cùng” với bà con

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum (trực thuộc Quân khu V) nơi chị Trinh công tác vốn là một trong những địa bàn chiến lược trọng điểm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, để củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh tại nơi này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum nói riêng và các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên nói chung vẫn duy trì có hiệu quả hoạt động của các Đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở.

Tham gia công tác của Đội, chị Trinh được đặt chân đến với những bản làng vùng sâu, vùng xa; được tận mắt nhìn thấy cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; có những gia đình “cơm không đủ ăn”, “áo không đủ mặc”, chứng kiến những hoàn cảnh như vậy chị rất thương đồng bào. Chính những điều đó đã khiến chị ngày đêm trăn trở: “Mình là bộ đội thì cũng là con em của dân, mình đi tuyên truyền, vận động người dân thì cũng phải làm được gì đó để dân đỡ khổ”.

Chị Trinh đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức các phong trào quyên góp đồ dùng cho đồng bào nghèo. Tranh thủ ngày nghỉ, chị cùng chị em trong đơn vị đi vận động, thu nhận hàng ngàn bộ quần áo, chăn màn cũ về giặt sạch. Riêng bản thân chị đã quyên góp được 21,5 triệu đồng, hơn 5 tạ gạo, hơn 600 cuốn sách vở, tivi, mì tôm, dầu ăn, bột ngọt… để giúp đỡ đồng bào.

Chị tâm sự, có thời điểm được chỉ huy phân công nhiệm vụ vận động quần chúng tại thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum. Khi ấy, thôn Plei Sar và thôn Lâm Tùng (xã La Chim) đang xảy ra tranh chấp đất đai giữa người dân và Công ty Cao su Kon Tum. Chị rất lo lắng, trăn trở, nhiều đêm không ngủ được với suy nghĩ: Liệu mình có hoàn thành nhiệm vụ được không? Làm thế nào để bà con tin chính quyền, tin bộ đội, không nghe theo kẻ xấu xúi giục?

Để nắm bắt được hết tâm tư, nguyện vọng của bà con, chị Trinh cùng với những người đồng chí, đồng đội của mình không quản khó khăn, thu xếp công việc gia đình để có thể “cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng đồng bào” với bà con. Qua các lần tiếp xúc, chị nhận ra rằng, đồng bào chỉ tin vào những điều mắt thấy, tai nghe; những cán bộ miệng nói thì tay phải làm. Vì vậy, chị đã cùng với anh em thực hiện chủ trương “3 bám, 4 cùng” (Bám vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; Bám vào nhiệm vụ chính trị; Bám sát địa bàn dân cư; Cùng ăn; Cùng ở; Cùng làm; Cùng biết tiếng đồng bào), đến từng nhà kiên trì vận động, thuyết phục bà con yên tâm làm ăn, không gây rối trật tự trị an ninh, tạo cầu nối giữa người dân với Công ty để có phương án đối thoại và cùng nhau giải quyết sự việc; đồng thời trực tiếp giảng hòa thấu tình đạt lý nhiều mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Không những vậy, chị còn hết lòng giúp đỡ bà con những công việc thường ngày, từ trồng lúa, chăm sóc cà phê, đến đào mương, làm nhà, hướng dẫn làm chế độ chính sách; rồi khéo léo vận động, giải thích cho bà con hiểu, biết đề phòng, không tin lời kẻ xấu xúi giục. Cũng vì cùng sống và cảm thông trước những khó khăn, bức xúc với bà con, chị Trinh tiếp tục tham mưu cho các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, xây dựng được 5 nhà đại đoàn kết. Đồng thời, vận động bà con viết đơn xin cấp đất, xin làm công nhân, nhận khoán cao su, vay vốn sản xuất và tham gia đối thoại với chính quyền để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc. Với tấm chân tình của mình, “bộ đội Trinh” giờ đây đã được bà con trong bản tin yêu và coi như con em của bản làng; trở thành cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân địa phương, qua đó làm tỏa sáng hơn những phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng người dân Tây Nguyên.

anh 2 ch trinh 14 45 30 004

Chị Trinh vận hành và thuyết minh sáng kiến Máy hủy giấy đa năng.
(Ảnh: Ngọc Diệp)

Miệt mài cống hiến

Nhắc đến chị Nguyễn Thị Trinh, nhiều người nghĩ ngay đến sáng kiến “Máy hủy giấy đa năng” đã được Tỉnh ủy Kon Tum biểu dương và chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ hoàn thiện, nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh.

Chị Trinh kể, trước đây khi làm nhân viên văn thư, chị nhận thấy lượng tài liệu hư hỏng, dư thừa mỗi ngày từ việc photo các văn bản, dự thảo… khá nhiều, gây lãng phí lớn. Chỉ tính riêng lượng giấy văn bản dự thảo và thải loại của LLVT tỉnh cũng lên tới gần 1 tấn, xấp xỉ 4 triệu đồng. Từ đó, chị Trinh không nguôi trăn trở làm thế nào để thể tận dụng lượng giấy dư thừa đó.

Qua tìm hiểu, chị được biết, nếu sử dụng các loại máy hủy giấy do nước ngoài sản xuất chỉ hủy được mỗi lần từng tập mỏng, lại thường xuyên bị kẹt, hỏng hóc phải sửa chữa tốn thời gian, chi phí. Nếu đốt thì bảo đảm bí mật quân sự nhưng không tái chế được, gây lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao và ô nhiễm môi trường. Chị bỗng nảy ra sáng kiến kỳ lạ: Tự chế máy hủy tài liệu. Nhưng cái khó lớn nhất đối với người nữ quân nhân lúc bấy giờ là không có chút kiến thức nào về điện, về cơ khí chế tạo máy. Nhưng với sự quyết tâm, sau nhiều đêm mày mò tìm đọc tài liệu, chị đã tự nghiên cứu, phác thảo bản vẽ máy hủy giấy; rồi tìm đến các cơ sở thu mua phế liệu, đem đến nơi sửa máy ủi, máy xúc trên địa bàn để gò, hàn, lắp ráp.

Ban đầu, do thiết kế chưa chuẩn, nên cái máy ban đầu mặc dù đã cắt được giấy nhưng kêu to, dao cắt dễ bị hỏng. Không nản chí, chị đã nghiên cứu hoàn thiện thiết kế bằng cách lắp thêm gioăng cao su giảm tiếng ồn, rồi gửi người mua lưỡi cưa gỗ từ huyện miền núi biên giới Sa Thầy mang về rèn lại. Sau khi vận hành đạt hiệu quả tốt, chị tiếp tục hoàn thiện kết cấu, nâng công suất lên; để chỉ trong vài phút có thể hủy được vài trăm tờ giấy mỏng lẫn bìa cứng, bao ni-lông, sách, báo có ghim, kẹp. Với thành công của Máy hủy giấy đa năng, chị Trinh tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm mô hình Thu gom giấy loại ở các đơn vị khác thuộc LLVT tỉnh về xử lý. Kết quả của việc xử lý giấy loại và bán ra thị trường đã thu về gần 70 triệu đồng để xây dựng Quỹ hỗ trợ các gia đình chính sách, hội viên ốm đau, hỗ trợ các cháu học sinh nghèo vượt khó…

Với những thành tích đạt được, năm 2019 này, chị Nguyễn Thị Trinh một lần nữa được tuyên dương Điển hình tiên tiến tại Hội nghị sơ kết và tôn vinh điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2014 – 2019). “Tôi hiểu rằng, những kết quả mà mình đạt được còn rất nhỏ bé. Để có được những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân, còn nhờ vào sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự đoàn kết, chia sẻ của đồng chí, đồng đội và đặc biệt là sự thương yêu, tin tưởng của nhân dân” – chị Trinh khiêm tốn chia sẻ.

Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, chị không ngại trải lòng: “Là phụ nữ ai chẳng muốn được sum vầy cùng gia đình. Với hoàn cảnh của tôi, điều đó là mong ước rất lớn. Chồng công tác xa nhà, nhiều khi bản thân đi công tác địa bàn dài ngày, con nhỏ phải khóa trái cửa để ở nhà. Tôi rất thương các cháu nhưng vì công việc chung nên đành nén tình cảm của mình”.

Kết thúc buổi trò chuyện ngắn ngủi với chị, nhưng mỗi câu nói, mỗi việc làm của chị Nguyễn Thị Trinh đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên. Phải chăng ẩn sau vóc dáng mảnh mai, làn da trắng trẻo và nụ cười duyên dáng ấy là hiện thân một nữ quân nhân trong thời đại mới, luôn không ngừng học và làm theo Bác từ những việc làm nhỏ bé, bình dị nhất trong cuộc sống và công việc; cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Mong rằng, sẽ có thêm nhiều tấm gương điển hình như chị Trinh được tôn vinh và nhân rộng, để tiếp tục lan tỏa những phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ trong thời đại mới, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

ĐP

[/responsivevoice][/responsivevoice]