Những người Ba Na ở Kon Tum làm du lịch cộng đồng

172
Là vùng đất còn lưu giữ được những nét văn hóa mang đậm bản sắc của người Ba Na, một số nơi tại thành phố Kon Tum đã được xây dựng thành những điểm du lịch cộng đồng. Những ngôi làng xinh đẹp bên bờ sông Đăk Bla thơ mộng đang ngày càng thu hút du khách.

Anh A Kâm tại Làng Du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa cho biết, việc làm du lịch ở địa phương đã manh nha phát triển từ vài năm trước. Tuy nhiên, trước đây bà con chỉ làm tự phát và chưa chuyên nghiệp. Sau khi có đề án hỗ trợ phát triển làng du lịch cộng đồng của UBND thành phố Kon Tum vào giữa năm 2020, du lịch ở địa phương mới phát triển mạnh.

Từ sự hỗ trợ của UBND thành phố và nguồn vay ưu đãi, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nâng cấp nhà cửa, phòng nghỉ, khuôn viên; đồng thời xây dựng các tour du lịch với các hình thức trải nghiệm như: Diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, đưa khách tham quan trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, chèo thuyền dọc sông Đăk Bla… từ đó đã thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Anh A Kâm cho biết: “Nhà mình giữa năm 2020 vừa rồi đã đầu tư tiền làm hai căn nhà sàn mới rộng 50m2, cho du khách nghỉ lại, trải nghiệm du lịch cộng đồng. Trong các tour du lịch, mình thường chuẩn bị các món cơm lam, rượu cần, thuê bà con diễn tấu cồng chiêng để du khách họ xem, họ thưởng thức; từ đó khách biết và họ tới đông hơn. Đợt tết này, dịch qua đi thì chắc khách tới sẽ còn đông hơn nữa, mình cũng đã chuẩn bị mọi thứ để tiếp đón du khách rồi”.

Một điểm du lịch cộng đồng khác ở thành phố Kon Tum cũng khá nổi tiếng là Homestay A Biu ở làng Plei Klếch, xã Ngọk Bay của nghệ nhân A Biu. Khu du lịch này cách trung tâm thành phố Kon Tum hơn 5km. Tại đây có hai dãy nhà sàn rộng 120m2, khu ẩm thực chuyên phục vụ các món ăn truyền thống của người Ba Na, và đặc biệt có cả sân khấu biểu diễn cồng chiêng ngoài trời, do đích thân nghệ nhân A Biu và một số nghệ nhân người Ba Na khác biểu diễn.

Nghệ nhân A Biu chia sẻ, bản thân làm du lịch homestay ngoài mục đích về lợi ích kinh tế, ông còn mong muốn duy trì, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Nhờ các loại hình dịch vụ hấp dẫn gắn liền với bản sắc văn hóa của người Ba Na tại khu du lịch, trung bình mỗi tháng homestay đón từ 3 – 4 đoàn khách, mỗi đoàn từ 10 – 25 người. Thu nhập bình quân mỗi tháng từ du lịch, trừ các khoản chi phí nhân viên, thực phẩm, cát xê nghệ nhân… gia đình thu lãi 10 – 25 triệu đồng. Nghệ nhân A Biu tâm sự, gia đình đang đầu tư hơn nửa tỷ đồng để xây dựng thêm một khu vui chơi dã ngoại để du khách đến trải nghiệm.

Nghệ nhân A Biu chia sẻ: “Tôi đang đầu tư để xây dựng khu vui chơi, cách homestay khoảng 2,5km. Tại đây đang được xây dựng các hồ câu, vườn hoa, vườn trồng cà phê… để du khách đến trải nghiệm. Ở đó cũng sẽ có các lớp đan lát và dệt thổ cẩm để bà con cùng du khách đến trải nghiệm. Khu vực này thì chỉ qua năm là đưa vào khai thác. Còn dịp gần tết này, dịch vãn nên khách bắt đầu đến đông rồi. Tôi cũng đang khẩn trương chuẩn bị phòng nghỉ, các tour tết để đón các đoàn khách tết”.

Thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng của UBND thành phố Kon Tum giai đoạn 2018 – 2020, thành phố đã xây dựng thành công 03 đề án “Làng du lịch cộng đồng Homestay” tại thôn Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thôn Kon Klor phường Thắng Lợi và Homestay A Biu ở thôn Plei Klếch, xã Ngọk Bay. Bên cạnh đó, thành phố đang đẩy mạnh việc khôi phục, bảo tồn các ngành nghề truyền thống để phục vụ du lịch cộng đồng; duy trì các sản phẩm sẵn có và xây dựng mới các sản phẩm du lịch đặc sắc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của du khách… Hiện các điểm du lịch cộng đồng này mỗi năm đón khoảng 70.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và tham gia trải nghiệm.

Theo bà Phan Thị Thu Hà – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Kon Tum, du khách đến tham quan tại các điểm du lịch cộng đồng được tìm hiểu về kiến trúc nhà rông, nhà sàn; tìm hiểu cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào; cùng chế biến và thưởng thức những món ăn mang đậm phong vị của người địa phương như cơm lam, gà nướng, cá sông nướng trên than củi và trong ống lồ ô, măng le, lá mì, rau rừng; hòa mình vào không gian cồng chiêng Tây Nguyên… Hoạt động du lịch sẽ tạo thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Bà Phan Thị Thu Hà cho biết, năm 2021, đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch, xin chủ trương của thành phố Kon Tum tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và người dân xây dựng thêm một số điểm du lịch cộng đồng nữa để thu hút thêm khách du lịch.

“UBND thành phố Kon Tum đã phê duyệt chủ trương để các ban, ngành, đoàn thể thực hiện việc phát triển mở rộng thêm các điểm du lịch cộng đồng ở thành phố Kon Tum. Cụ thể, chúng tôi đã xây dựng xong đề án phát triển thêm làng du lịch cộng đồng ở thôn Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa; làng Weh xã Ia Chim và thôn Đăk Rđe xã Ngọk Bay. Trong những năm tới, du lịch cộng đồng sẽ là một trong ngành mũi nhọn của thành phố Kon Tum, theo định hướng của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII” – bà Phan Thị Thu Hà nói.

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng ở thành phố Kon Tum đang là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế chung của ngành du lịch thế giới. Thu nhập của người dân không chỉ đến từ những việc làm chuyên nghiệp như đưa đón khách đi tham quan, cho thuê nhà ở, làm hướng dẫn viên cho du khách, mà còn cả từ những hoạt động bên lề như tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp do người dân làm ra, bán các loại đồ lưu niệm từ thổ cẩm, đan lát… Qua đó, góp phần tạo ra động lực để người dân tự giác bảo tồn, gìn giữ và quảng bá những giá trị, sản phẩm văn hoá đặc trưng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung./.