Người dân xã đặc biệt khó khăn xin… thoát nghèo

283

Chú thích ảnhGia đình vợ chồng anh chị A Nuôi và Y Byenh ở làng Kon Tơ Neh là một trong 5 hộ dân ở xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum tự nguyện xin… thoát nghèo. 

Huyện Kon Rẫy là địa phương thuộc diện nghèo của tỉnh Kon Tum. Dân số đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống phụ thuộc vào nông nghiệp thuần túy nên rất khó khăn. Thế nhưng, trong tháng 11/2019, đã có 5 hộ nghèo (trong đó có 4 hộ dân tộc thiểu số) ở xã Đăk Tờ Re – xã đặc biệt khó khăn của huyện đã tự nguyện viết giấy đề nghị chính quyền xã xét duyệt cho thoát nghèo.

Vợ chồng anh A Nuôi và chị Y Byenh, làng Kon Tơ Neh là một trong 5 hộ dân ở xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy tự nguyện viết giấy đề nghị chính quyền xã xét duyệt cho thoát nghèo. Cũng như nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, cái nghèo của gia đình là do sinh nhiều con cùng với việc chưa biết cách sản xuất dù có đất đai.

“Vợ chồng mình có 4 con. Từ năm 2016 đến nay, các con đã lớn, gia đình chăm chỉ làm ăn nên cuộc sống dần ổn định. Hiện tại với hơn 2 ha sắn, trên 200 cây cao su, cây bời lời, chăn nuôi bò, gà vịt, thu nhập của gia đình cũng được vài chục triệu đồng mỗi năm” – chị Y Byenh chia sẻ.

Trong ngôi nhà ngăn nắp, sạch sẽ, chị Y Byenh bộc bạch, cách đây mấy năm, chị được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Với suy nghĩ đã là thôn trưởng thì phải làm gương, gia đình chị giờ đã bớt khó khăn nên muốn nhường sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ khó khăn hơn mình.

Chú thích ảnh Dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc tự nguyện xin thoát nghèo là động lực cho toàn xã vươn lên làm kinh tế.

Xã Đăk Tờ Re thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Kon Rẫy. Toàn xã có 1.300 hộ với 6.500 khẩu và có tới 79% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm trước đây hộ nghèo của xã chiếm tới trên 50%. Việc 5 hộ dân tự nguyện viết giấy đề nghị chính quyền xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy xét duyệt cho thoát nghèo là việc làm đáng trân trọng.

Ông A Đi, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Đăk Tờ Re cho biết: Vui nhất là thấy được hiệu quả của việc gần dân, sát hộ động viên tinh thần, hướng dẫn người dân cách làm ăn, xây dựng ý thức tự vươn lên thoát nghèo mà các ban, ngành, đoàn thể của xã đã kiên trì thực hiện nhiều năm qua.

Ông Võ Duy Ngọc, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Kon Rẫy đánh giá, việc tự nguyện xin thoát nghèo cho thấy người dân không còn sự trông chờ, ỷ lại vào nguồn đầu tư của Nhà nước. Đặc biệt, qua đây cũng thể hiện tinh thần đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo của bà con.

Theo đại diện Đảng ủy và chính quyền xã Đăk Tờ Re, nhờ triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo của địa phương nên tỷ lệ hộ nghèo của xã đang trên đà giảm mạnh. Riêng năm 2019, xã giảm được trên 9% hộ nghèo, cao hơn nhiều so với mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh Kon Tum.

Đi tới nguồn bài viết