Người Brâu giữ gìn văn hóa truyền thống

163

baokontum.com.vn

03/05/2022 06:06

Già làng Y Pan, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Thao Lợi và người già ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi quyết định ở nhà để kể cho phóng viên nghe những câu chuyện của làng. Trong mỗi câu chuyện, từng cử chỉ, lời nói và ánh mắt của họ đều dấy lên niềm tự hào, vì trải qua bao nhiêu biến chuyển, thăng trầm của cuộc sống, dân tộc rất ít người Brâu vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống tự bao đời.

Gặp tôi, ông Thao La – người làng Đăk Mế hớn hở cười tươi, tay bắt mặt mừng bởi nhận ra người quen. Gặp ông từ 6 năm trước, khi ông tham gia diễn tại Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 năm 2016. Thế mà, giờ đây, ông vẫn nhớ. Không cần giới thiệu nhiều, trong giây lát, ông đi về phía tủ đứng, lấy ra một quyển sách về các dân tộc Việt Nam, tự hào chỉ: Đây, trang này viết về dân tộc Brâu này. Hình này là bà Y An ở làng mình đó.

Trong hình, là làng Brâu những ngày xưa cũ. Thời gian trôi qua, theo nhịp sống, những ngôi nhà bằng gỗ, bằng vách nứa ngày xưa đã được thay thế, kiên cố bằng nhà xây. Thế nhưng, trong mỗi nếp nhà, người dân nơi đây vẫn lưu giữ những nét văn hóa, phong tục truyền thống của dân tộc cũng như nhớ như in ngày dời làng của dân tộc mình.

1925107.4Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20v%E1%BA%ABn%20th%C6%B0%E1%BB%9Dng%20k%E1%BB%83%20cho%20nhau%20nghe%20chuy%E1%BB%87n%20l%E1%BA%ADp%20l%C3%A0ng%20%C4%91%E1%BB%83%20%C4%91%E1%BB%99ng%20vi%C3%AAn%20nhau%20%C4%91o%C3%A0n%20k%E1%BA%BFt
Người dân vẫn thường kể cho nhau nghe chuyện lập làng. Ảnh: H.T

 

Ngồi quây quần bên nhau, mọi người kể rằng, xa xưa, làng ở trong rừng. Đến năm 1976, được chính quyền vận động, làng người Brâu dời về cạnh suối Đăk Mế. Khi ấy, làng chưa đến 100 hộ gia đình. Ngày chuyển về nơi ở mới, khó khăn chồng chất khó khăn. Thế nhưng, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, với sự đoàn kết vươn lên, người dân cũng dần dần ổn định cuộc sống.

Từ ngày dời làng, người Brâu liền dựng nhà rông theo đúng thiết kế nhà rông như kiểu xa xưa ông cha từng dựng. Thời gian trôi qua, có lần nhà rông bị cháy, cũng có lần nhà rông xuống cấp không thể sử dụng nhưng chưa bao giờ, người Brâu có ý nghĩ sẽ thôi, không dựng nhà rông. Bởi với họ, nhà rông mãi là linh hồn của làng. Họ phải gìn giữ, đúng hình dáng, kiểu cách, thiết kế như ngày xưa.

Chính vì thế, khi có chủ trương xây dựng nhà rông, ông Thao Lợi – Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn và cán bộ của Ban Dân tộc tỉnh đã sang tận bên Lào – nơi tổ tiên người Brâu sinh sống để tham khảo thiết kế nhà rông của người Brâu. Và rồi, nhà rông bằng gỗ được dựng lên ở đầu làng, theo đúng thiết kế của người Brâu đã mang lại niềm vui, phấn khởi cho cả làng. Cho đến nay, nhà rông luôn là niềm tự hào, là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của làng, và còn là địa điểm để diễn ra các hoạt động truyền dạy văn hóa: dệt thổ cẩm, cồng chiêng…

Được dân làng tin tưởng, mấy năm nay, ông Thao Lợi nhận nhiệm vụ canh giữ nhà rông. Ông mở khóa cửa nhà rông, dẫn khách vào tham quan. Ngoài việc bày biện, trang trí ảnh Bác Hồ, các hình ảnh thể hiện hoạt động, sự kiện ở làng, chỉ về phía bên trong, ông Lợi bảo: Bộ chiêng Tha của làng được cất giữ cẩn thận. Theo quan niệm của người Brâu, chiêng Tha rất thiêng. Mỗi tiếng chiêng Tha cất lên sẽ được các vị thần sông, thần suối chứng giám, mang lại điều tốt lành, niềm vui, no ấm cho dân làng. Do đó, trước khi lấy đưa vào sử dụng, bà con phải cúng gà, rượu trước chiêng để xin phép đàng hoàng.

Không như cồng chiêng của các dân tộc Ba Na, Gia Rai, chiêng Tha của dân tộc Brâu chỉ có 2 chiếc (chiêng vợ và chiêng chồng). Cả hai đều không có núm. Khi diễn tấu, người dân thường treo chiêng theo hướng úp vào nhau. Người đánh dùi cái thúc âm ở mặt chiêng, còn người đánh dùi đực thúc dùi vào lòng chiêng.

1923317.4Theo%20quan%20ni%E1%BB%87m%20c%E1%BB%A7a%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20Br%C3%A2u,%20chi%C3%AAng%20Tha%20r%E1%BA%A5t%20thi%C3%AAng
Theo quan niệm của người Brâu, chiêng Tha rất thiêng. Ảnh: H.T

 

Ở làng, có nhiều người biết đánh chiêng, nhưng các ông Thao Mưu, Thao La, Thao Lây đánh thành thạo nhất. Ông Thao La tự hào kể chuyện mình được đi diễn cồng chiêng ở nhiều nơi. “Mình đánh những bài chiêng từ ngày xưa cha ông dạy lại. Theo nhịp chiêng, bà con có thể hát những bài hát cổ” – ông Thao La nói.

Nói về chuyện hát bài hát cổ, vợ của Thao La – Nàng Nhốt được xem là người hát hay có tiếng ở làng. Bà có thể hát nhiều bài với nội dung về làm rẫy, mừng mùa bội thu… Và không để âm nhạc truyền thống mai một, bà tập lại cho con gái – Nàng Banh. Trong ngôi nhà nhỏ, Nàng Banh cất lên một đoạn, giọng ca trong trẻo, thánh thót, giai điệu vui tươi càng làm không khí thêm rộn ràng.

Nàng Banh là một trong số ít người có thể hát được những bài hát truyền thống. “Không phải mọi người không tập hát, mà vì người Brâu không có chữ viết riêng, mỗi lần tập hát, chỉ có thể nghe rồi thuộc lòng. Nhiều người muốn học nhưng cũng hơi khó. Sắp tới chúng tôi cũng cố gắng tổ chức các buổi sinh hoạt, để mọi người có thể tập hát, tập đánh cồng chiêng” – ông Thao Lợi chia sẻ.

Từ nhà rông đi dọc vào trong, những ngôi nhà của 174 hộ dân tộc Brâu nằm san sát nhau. Điều đáng chú ý, dù là ngày thường, những người già ở làng vẫn mặc váy áo thổ cẩm.

Chúng tôi ấn tượng khi gặp bà Y An (98 tuổi). Đến nay, bà vẫn giữ được nét truyền thống từ xưa của dân tộc. Bà vẫn căng tai bằng ngà voi; mặc đồ truyền thống, đeo hạt cườm. Bà kể, thời con gái, theo truyền thống của người Brâu, bà căng tai bằng ngà voi, cưa răng cửa để làm đẹp và thể hiện sự giàu có. “Bây giờ, chỉ những người già như mình mới còn căng tai thôi”- bà An nói.

Chuyện căng tai, cưa răng đã lùi vào dĩ vãng nhưng việc đeo vòng cườm và mặc đồ thổ cẩm vẫn luôn hiện hữu trong đời sống. Mỗi thành viên trong nhà đều có những bộ đồ thổ cẩm cho riêng mình. Những người già vẫn thường mặc váy thổ cẩm hàng ngày. Còn vào dịp lễ hội, cả làng xúng xính, rực rỡ sắc màu trong váy, áo thổ cẩm.

Nói đến thổ cẩm, già làng Y Pan rất tự hào khi có 3 người con gái đều biết dệt Trong đó, Y Thanh là một trong những người dệt thuần thục, đẹp ở làng. Bà Pan nói rằng, để dệt được một tấm thổ cẩm may váy, áo cũng tốn thời gian lắm. Nhưng dù tốn thời gian cũng phải duy trì, vì đó là văn hóa, là truyền thống.

1924157.4Gi%C3%A0%20l%C3%A0ng%20Y%20Pan%20khoe%20nh%E1%BB%AFng%20t%E1%BA%A5m%20v%E1%BA%A3i%20th%E1%BB%95%20c%E1%BA%A9m%20do%20con%20g%C3%A1i%20m%C3%ACnh%20d%E1%BB%87t
Già làng Y Pan khoe những tấm vải thổ cẩm do con gái mình dệt. Ảnh: H.T

 

Có cồng chiêng, có đồ thổ cẩm, và những ngày lễ hội, ở làng không thể thiếu món rượu cần men lá. Đây là thức uống đặc biệt với hương vị đặc trưng, khó quên. Tuy vậy, để làm nên men lá, ngoài những công đoạn theo công thức, người phụ nữ trong quá trình làm men phải “kiêng” không được ngủ với chồng. Dù khó khăn trong việc chế biến, nhưng phụ nữ Brâu, nhiều người vẫn duy trì làm men lá để ủ rượu. Nhờ đó, rượu cần men lá của người Brâu đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Mỗi dân tộc có những nét đặc trưng văn hóa riêng. Và thật may mắn khi được được gặp gỡ, được nghe kể, hiểu hơn về văn hóa của dân tộc Brâu.

Trời ngả về chiều, chúng tôi rời làng, trở về phố. Già làng Y Pan, ông Thao Lợi, Thao La tiễn khách ra ngõ, gởi lời cảm ơn vì đã quan tâm, đã tìm hiểu đến văn hóa của dân tộc mình. “Mong sao những câu chuyện về làng sẽ được lưu giữ để con cháu sau này biết được nguồn gốc, văn hóa của dân tộc mình” – ông Thao Lợi nói to, vẫy tay chào khách.  

Hoài Tiến


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/nguoi-brau-giu-gin-van-hoa-truyen-thong-23636.html