Nghệ nhân đam mê sáng tác nhạc truyền thống

231

baokontum.com.vn

06/12/2022 13:01

Nhắc đến nghệ nhân A Lêr (67 tuổi, thôn Kon Hngo Ktu, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum), người dân nơi đây ai cũng yêu mến, khâm phục, bởi ông vừa là người có uy tín, vừa tích cực tham gia truyền dạy, bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đặc biệt là niềm đam mê ký âm, sáng tác để lưu giữ các giai điệu truyền thống của dân tộc mình.

Gặp và trò chuyện với nghệ nhân A Lêr, chúng tôi được ông bày tỏ nhiều dự định với âm nhạc truyền thống. Ông A Lêr cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại làng Kon Hngo Ktu. Nơi đây vốn được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh sắc nên là niềm cảm hứng cho các nghệ nhân sáng tác, cho ra đời nhiều bài hát, giai điệu hay của dân tộc Ba Na.

Từ nhỏ, được theo cha, ông đi khắp các lễ hội lớn, nhỏ đã cho nghệ nhân A Lêr học hỏi được nhiều điều hay. Bên cạnh học cách đánh chiêng, đan gùi, về lễ hội thì ông có thói quen và sở thích ghi nhớ lại các tiết tấu, giai điệu hay mà mình nghe được.

161330Ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20A%20L%C3%AAr%20t%C3%ADch%20c%E1%BB%B1c%20truy%E1%BB%81n%20d%E1%BA%A1y%20v%C3%A0%20b%E1%BA%A3o%20t%E1%BB%93n%20v%C4%83n%20h%C3%B3a%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%20t%E1%BA%A1i%20%C4%91%E1%BB%8Ba%20ph%C6%B0%C6%A1ng

Nghệ nhân A Lêr tích cực truyền dạy và bảo tồn văn hóa cồng chiêng tại địa phương. Ảnh: H.T

 

Nghệ nhân A Lêr chia sẻ: Khi nghe mỗi bài chiêng nào đó, tôi thường có thói quen ghi nhớ những đoạn giai điệu ngắn trong bài làm cho tôi ấn tượng nhất. Những lần như thế, tôi thường cố gắng ghi nhớ bằng cách ngâm nga lại hoặc tự chơi bằng chiêng khi rảnh rỗi, lặp đi lặp lại thật nhiều để không quên.

Trải qua thời gian, nghệ nhân A Lêr đã thuộc rất nhiều bài chiêng hay. Lúc này ông có một mong ước là có thể lưu giữ và ghi nhớ chúng một cách chính xác, để có thể tập luyện và truyền dạy lại cho thế hệ sau. Nhưng bằng trí nhớ thông thường, việc ghi nhớ đầy đủ các giai điệu mà ông nghe được rất khó để thực hiện.

Mong ước của nghệ nhân A Lêr cũng dần trở thành hiện thực khi vào năm 1996, ông được theo học lớp nhạc lý. Dù chỉ học cấp tốc vài tháng nhưng đã đánh thức năng khiếu và đam mê âm nhạc trong ông. Bằng những kiến thức cơ bản được học, nghệ nhân A Lêr tự trau dồi thêm cho thành thạo và bắt đầu ghi chép lại những giai điệu chiêng hay bằng giấy mực thay vì trí nhớ thông thường.

161355Ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20A%20L%C3%AAr%20mi%E1%BB%87t%20m%C3%A0i%20ch%C3%A9p%20nh%E1%BA%A1c%20b%C3%AAn%20hi%C3%AAn%20nh%C3%A0%20s%C3%A0n

Nghệ nhân A Lêr miệt mài chép nhạc bên hiên nhà sàn. Ảnh: H.T

 

Được học nhạc lý, am hiểu về nốt nhạc, tiết tấu, nghệ nhân A Lêr còn tự tập sáng tác những bài nhạc cho riêng mình, với chủ đề ca ngợi về vẻ đẹp của quê hương, làng quê, những kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời, lao động, tình yêu… Các bài hát được ông viết với giai điệu và ca từ tuy giản dị, mộc mạc nhưng lại rất gần gũi và có sức hút đối với  người nghe. Mỗi khi tập bài nào cho các em nhỏ, ông sẽ dựa vào bản nhạc đó để xướng âm cho chuẩn và đầy đủ nhất.

Kể về kỷ niệm khi tự sáng tác bài chiêng đầu tiên, nghệ nhân A Lêr cho biết, ông lấy kỷ niệm về lần đầu hẹn hò với vợ mình để viết và đặt tên bài là “Tình yêu hai vợ chồng mắc cạn” kể về buổi hẹn hò gặp nhiều trắc trở, không được như ý.

Theo ông kể, ngày ấy ông và vợ mình ở cách xa nên khi muốn gặp mặt, ông và vợ hẹn nhau chèo thuyền ra bãi cát ven sông Đăk Bla vào ban đêm. Khi ấy, ông A Lêr đến từ sớm và chờ mãi nhưng không thấy vợ mình tới, ông buồn bã và thất vọng ra về. Đến sáng hôm sau tìm hiểu ra mới hay rằng, đêm ấy vợ của ông khi chèo thuyền ra sông thì gặp vũng cát dày giữa sông nên thuyền bị mắc lại không đi tiếp được, đành phải quay về. Khi hiểu chuyện rồi thì nghệ nhân A Lêr rất vui vì không phải vợ mình thất hứa. Ông xem đó là một kỷ niệm không thể nào quên. Bài hát này được ông sáng tác có giai điệu rất hay và thường xuyên được các em nhỏ trong làng tập luyện.

Chia sẻ về đam mê viết nhạc, nghệ nhân A Lêr cho biết: Để viết được những đoạn nhạc thì bên cạnh biết nhạc lý, người viết phải có đam mê và cảm xúc. Bên cạnh đó, phải có trải nghiệm, chất liệu cuộc sống để tạo nên ca từ một cách chân thật, dễ hiểu và đi vào lòng người. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để có thể ghi chép và tự sáng tác thêm nhiều giai điệu hay.

Hiện tại, ngoài đam mê chép nhạc, nghệ nhân A Lêr còn đánh chiêng thành thạo, biết chỉnh chiêng, đan gùi, am hiểu lễ hội truyền thống. Ông được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Ông cùng với những nghệ nhân trong làng thường xuyên mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng tại nhà rông của làng, duy trì tập luyện cho 1 đội chiêng thanh thiếu niên và 2 đội chiêng người lớn.

161425%C3%94ng%20A%20L%C3%AAr%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20Nh%C3%A0%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20c%C3%B4ng%20nh%E1%BA%ADn%20l%C3%A0%20Ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20%C6%B0u%20t%C3%BA%20trong%20l%C4%A9nh%20v%E1%BB%B1c%20tr%C3%ACnh%20di%E1%BB%85n%20v%C4%83n%20h%C3%B3a%20d%C3%A2n%20gian

Ông A Lêr được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực trình diễn văn hóa dân gian. Ảnh: H.T

 

Với tài năng của mình, ông còn được mời tham gia truyền dạy kỹ thuật đánh cồng chiêng cho học sinh Trường THCS Trần Khánh Dư (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) và giúp cho đội cồng chiêng của trường dành được nhiều thành tích trong các cuộc thi lớn, nhỏ trên địa bàn.

Em A Khát (học sinh lớp 10) là một thành viên giỏi và tích cực trong đội chiêng thanh thiếu niên do ông A Lêr đảm nhận chia sẻ: Em thích tập chiêng và đánh chiêng giỏi là nhờ thầy A Lêr và các thầy khác trong đội đã truyền cảm hứng. Em tập chiêng được gần 3 năm và rất muốn gắn bó với môn này vì được tham gia nhiều hoạt động, lễ hội, cuộc thi, đem lại cho em nhiều niềm vui.

Ngoài cống hiến cho văn hóa truyền thống tại địa phương, nghệ nhân A Lêr còn là một cán bộ mặt trận rất gương mẫu, uy tín, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng ban công tác mặt trận thôn từ năm 2006. Từ đó đến nay, ông luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế nâng cao đời sống, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Thôn Kon Hngo Ktu hiện có 420 hộ với 1.776 khẩu và chỉ còn 17 hộ nghèo (trên 4%), có trên 40 hộ làm kinh tế giỏi; thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm. Ông còn tích cực, gương mẫu trong lao động sản xuất, xây dựng nếp sống văn minh, nuôi dạy con cái nên người.

Tiễn chúng tôi ra về, nghệ nhân A Lêr tâm tình, thời gian gần đây, với nhiều lễ hội, cuộc thi về cồng chiêng, múa xoang, văn hóa dân gian đã giúp cho nhiều nghệ nhân và lớp trẻ trong làng tích cực hơn với việc tập luyện, duy trì bản sắc văn hóa truyền thống. Điều này làm tôi có thêm động lực tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, góp phần vào gìn giữ, phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình được bền lâu.

HOÀNG THANH


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/nghe-nhan-dam-me-sang-tac-nhac-truyen-thong-27361.html