Nghệ nhân A Né say mê nhạc cụ truyền thống

35

baokontum.com.vn

13/09/2022 06:10

Ngồi bên ô cửa sổ, nghệ nhân ưu tú A Né (94 tuổi) say sưa đánh đàn ting ning. Cây đàn do chính tay ông làm ra và đã gắn bó với ông hàng chục năm nay. Âm thanh phát ra từ cây đàn như kể lại những thăng trầm trong cuộc đời của nghệ nhân A Né với nhiều ký ức đẹp, vui vẻ xen lẫn nỗi buồn, nỗi nhớ.

Ngôi nhà sàn của ông A Né ở xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông) nằm bên sườn đồi. Với các thành viên trong gia đình hay hàng xóm xung quanh nhà nghệ nhân A Né, mọi người đều đã quen với việc thường xuyên được nghe tiếng đàn, tiếng cồng chiêng vào mỗi buổi chiều sau giờ đi rẫy về. Có ngày, tiếng đàn, tiếng cồng chiêng du dương đến tận khuya. Mọi người chẳng những không phiền lòng mà còn cảm thấy thân thuộc và gần gũi.

Tuổi già của nghệ nhân A Né là vậy. Ông coi đàn ting ning và những nhạc cụ truyền thống khác của dân tộc Xơ Đăng như đàn t’rưng, cồng chiêng, k’lông pút…là những vật tri kỷ của mình. Ông yêu quý và bầu bạn với các nhạc cụ mỗi ngày. Đánh đàn hay đánh cồng chiêng đều giúp ông thoải mái tinh thần, minh mẫn đầu óc.

Nghệ nhân A Né biết chế tác và sử dụng thành thục các nhạc cụ truyền thống, nổi bật là đàn ting ning, t’rưng và k’lông pút. Dù lớn tuổi nhưng sức khỏe của ông vẫn còn dẻo dai, đôi tay vẫn đánh các nhạc cụ điêu luyện và đôi mắt vẫn còn nhìn rõ từng sợi dây đàn.

163013Ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20%C6%B0u%20t%C3%BA%20A%20N%C3%A9%20c%C3%B3%20th%E1%BB%83%20ch%E1%BA%BF%20t%C3%A1c%20v%C3%A0%20%C4%91%C3%A1nh%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20nhi%E1%BB%81u%20nh%E1%BA%A1c%20c%E1%BB%A5%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng%20c%E1%BB%A7a%20d%C3%A2n%20t%E1%BB%99c%20X%C6%A1%20%C4%90%C4%83ng
Nghệ nhân ưu tú A Né có thể chế tác và đánh được nhiều nhạc cụ truyền thống của dân tộc Xơ Đăng. Ảnh: Đ.T

 

Bà Y Nia vợ của nghệ nhân A Né chia sẻ: “Nếu nói về tình yêu của nghệ nhân với các nhạc cụ truyền thống, có lẽ không thể diễn tả bằng lời. Chỉ cần ngồi hàn huyên, cùng uống chén rượu ghè và xem ông đánh các nhạc cụ sẽ hiểu ông yêu quý chúng như thế nào. Nhiều đêm ông ôm cây đàn ting ning đánh say sưa rồi ngủ gục khi nào không biết”.

Vợ của nghệ nhân A Né biết đánh cả đàn t’rưng và cồng chiêng, nên bà cũng hay cùng ông truyền dạy cách đánh các nhạc cụ truyền thống cho con cháu. Nghệ nhân A Né cho biết, ông rất vui vì các con, cháu và chắt của ông đều đam mê với các nhạc cụ truyền thống. “A Phòng và Y Đoan, 2 đứa con của tôi đánh cồng chiêng rất giỏi”- nghệ nhân A Né tự hào nói.

163103M%E1%BB%97i%20l%E1%BA%A7n%20%C4%91em%20b%E1%BB%99%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%20ra%20s%E1%BB%AD%20d%E1%BB%A5ng,%20ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20A%20N%C3%A9%20l%E1%BA%A1i%20nh%E1%BB%9B%20%C4%91%E1%BA%BFn%20nh%E1%BB%AFng%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20anh%20ru%E1%BB%99t%20%C4%91%C3%A3%20m%E1%BA%A5t%20c%E1%BB%A7a%20%C3%B4ng.
Mỗi lần đem bộ cồng chiêng ra sử dụng, nghệ nhân A Né lại nhớ đến những người anh ruột đã mất của ông. Ảnh: Đ.T

 

Trong nhà của nghệ nhân A Né, ngoài những cây đàn ting ning, t’rưng hay k’lông pút được làm bằng những vật liệu tự nhiên còn có 1 bộ cồng chiêng quý với 14 chiếc. Tất cả các nhạc cụ đều có giá trị rất lớn về mặt lịch sử văn hóa. Như cây đàn ting ning nghệ nhân A Né hay sử dụng làm bằng cây nứa và một loại cây rừng hiện nay hầu như không tìm thấy trong rừng, cây đàn này được nghệ nhân sử dụng rất nhiều lần trong các lễ hội của làng như lễ cúng máng nước, cúng nhà mới. Hay như bộ cồng chiêng trước kia thuộc sở hữu của một hộ người Ba Na ở làng Kon H’ra Chót (thành phố Kon Tum), được người anh ruột của nghệ nhân A Né là A Kem mua về sử dụng, sau để lại cho ông.

Mỗi lần đem bộ cồng chiêng ra sử dụng, nghệ nhân A Né lại nhớ đến những người anh ruột đã mất của ông. Nghệ nhân A Né là em út, ông có 3 người anh ruột là A Naưn, A Klu và A Kem. Nhờ có A Naưn và A Klu truyền cảm hứng, chỉ dạy và A Kem để lại bộ cồng chiêng, nghệ nhân A Né mới say mê và hiểu được văn hóa cồng chiêng của cả dân tộc Ba Na và Xơ Đăng. Ông thậm chí có thể đánh được nhiều chiếc chiêng cùng một lúc và chỉnh được những chiếc chiêng bị lạc âm.

163130Ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20%C6%B0u%20t%C3%BA%20A%20N%C3%A9%20truy%E1%BB%81n%20d%E1%BA%A1y%20%C4%91%C3%A1nh%20%C4%91%C3%A0n%20ting%20ning%20cho%20ch%E1%BA%AFt%20c%E1%BB%A7a%20%C3%B4ng.
Nghệ nhân ưu tú A Né truyền dạy đàn ting ning cho chắt của ông. Ảnh: Đ.T

 

Ting ning, cồng chiêng hay các nhạc cụ khác đều có cách sử dụng khác nhau. Có nhạc cụ chỉ cần một người đánh, có nhạc cụ lại cần nhiều người cùng đánh. Nếu biết cảm âm và đánh được đàn ting ning trước, chắc chắn sẽ biết đánh cồng chiêng, nghệ nhân A Né cho hay.

Nghệ nhân A Né đánh đàn ting ning hay cồng chiêng đều rất thư thái. Những bài nghệ nhân A Né hay đánh bằng các nhạc cụ nhất là bài Bàn tay lấy nước, kể về các thanh niên của làng trong lễ cúng máng nước; bài Ông già lên rừng; bài Tôi muốn lập gia đình, kể về nam, nữ trong làng muốn tìm được người chồng biết làm rẫy, đi rừng như người cha và tìm được người vợ biết lo toan nội trợ, chăm sóc gia đình như người mẹ của mình.

Dù đã nhiều tuổi, đi lại khó khăn, nhưng tình yêu, niềm đam mê đối với các nhạc cụ truyền thống của nghệ nhân A Né vẫn luôn cháy mãi và vẫn thường xuyên biểu diễn cồng chiêng cho làng khi có lễ hội. Được đánh và biểu diễn các nhạc cụ dân tộc giúp ông khỏe mạnh và mang lại nhiều niềm vui cho mọi người, vì vậy, với nghệ nhân A Né chỉ khi “nhắm mắt xuôi tay” thì niềm đam mê ấy mới hết.  

ĐỨC THÀNH


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/nghe-nhan-a-ne-say-me-nhac-cu-truyen-thong-26265.html