Kết nối yêu thương

416

[Tin Kon Tum] –


19/03/2019 06:20


Tháng 3 về xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), chúng tôi được cán bộ địa phương giới thiệu những học sinh nghèo hiếu học đang hàng ngày nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn và bệnh hiểm nghèo để đến trường học tập, đó là các em Lê Ngọc Dương, Y Mi, Y Ý. Với các em, mỗi ngày được đi học là niềm vui, là hạnh phúc nuôi hy vọng cho tương lai có cuộc sống tươi đẹp hơn. May mắn thay trên hành trình nuôi ước mơ đến trường, các em đã và đang được các cấp, các ngành và các nhà hảo tâm kết nối, chia sẻ yêu thương…

Cậu bé nghèo bị bệnh tim học giỏi

Ở Trường Trung học cơ sở xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), các thầy cô giáo và bạn bè đều biết đến gương sáng hiếu học Lê Ngọc Dương với hoàn cảnh gia đình nghèo, bản thân còn bị bệnh suy tim bẩm sinh cấp độ 2. Nhưng, vượt lên tất cả, em luôn là lớp trưởng gương mẫu, học giỏi trong 7 năm học qua.

Chị Nguyễn Thị Quyên – mẹ của Dương chia sẻ, 7 năm học từ nhà đến trường của em luôn có người thân đưa đi đón về. Bởi lẽ, em bị bệnh tim, sức khỏe thay đổi thất thường, dễ dàng té ngã và bị ngất bất cứ lúc nào.


Kết nối yêu thương
Cậu bé Lê Ngọc Dương trò chuyện với MC chương trình Cặp lá yêu thương trước giờ ghi hình

 

“Thời khóa biểu mỗi ngày của mẹ phải theo con trai, dậy sớm 4h sáng cùng nhau. Mẹ loay hoay nấu cơm, Dương sẽ thức dậy học bài bên góc học tập gần bếp. Đến 6h sáng, cả nhà cùng ăn sáng, sau đó, mẹ hoặc bố sẽ chở Dương đến lớp. Buổi trưa, mẹ đến đón em về nhà. Dương tự ăn uống, chăm sóc bản thân và chiều sẽ tiếp tục đến trường học. Những hôm trở trời, Dương khó thở, hoặc bị ốm, mẹ phải bỏ việc làm thuê ở nhà trông chừng…” – chị Quyên giãi bày.

Chị Quyên tâm sự, gia đình thuộc diện nghèo, đất canh tác không có. Hai vợ chồng anh chị phải đi làm thuê ở huyện Sa Thầy, nhưng 1 trong 2 người phải cắt cử đi làm gần nhà, để lỡ không may Dương đi học có bị làm sao ở trường, có người thân chạy đến chăm sóc kịp thời. Dương đã được mổ tim miễn phí 1 lần, khi lên 10 tuổi. Chương trình này, do Sở LĐ-TB&XH Kon Tum kết nối, giới thiệu với các đơn vị, nhà hảo tâm tài trợ thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Dù bị bệnh suy tim cấp, nhưng Dương luôn nỗ lực, là lớp trưởng gương mẫu và hàng năm, đều đạt danh hiệu học sinh giỏi ở trường.

Dương bộc bạch: Cháu thích làm thật nhiều bài toán khó để thử thách bản thân, ngoài ra cháu cũng thích đọc thật nhiều sách để có thêm kiến thức, hiểu biết. Nếu không có tiền mua sách mới, cháu sẽ nhờ các cô và các bạn ở trường cho mượn sách trong thư viện, hoặc của mọi người có sẵn.

Nghe con trai nói thế, chị Quyên tiếp lời: Cháu rất ham đọc sách, học tập. Còn nhớ mùa hè năm 2008, ra đến Đà Nẵng mổ tim, trước hôm đưa vào phòng phẫu thuật, Dương vẫn một mực năn nỉ mẹ mua cho bộ sách toán mới lớp 4. Con trai nói, thời gian nằm viện chắc lâu lắm, con sẽ buồn vì nhớ nhà, nên mẹ mua sách cho con đọc sẽ đỡ nhớ hơn…

Tuy nhiên, chị Quyên bộc bạch bệnh tim của Dương đang có chiều hướng xấu đi. Mỗi ngày đi học về, em vẫn nói rất đau, nhất là những lúc em đi lại hơi vội vã. Nhiều lúc bất chợt, Dương bị ngất tại lớp, chị vội đến lớp cùng cô giáo đưa em đến trạm y tế xã. Hiện tại, mong ước của gia đình có nguồn tiền khá để đưa Dương đi khám, chăm sóc chế độ dinh dưỡng tốt hơn cho em. Vì bị bệnh hiểm nghèo, gia đình khó khăn, Dương ở tuổi 14 mà cơ thể nặng chưa đến 25kg.

Ba chị em nghèo nuôi ước mơ học đại học

Ở cùng xã Rờ Kơi với Dương còn có ba chị em nghèo hiếu học Y Nhớ, Y Mi và Y Ý. Các em đều là sinh viên, học sinh học tập tốt, với ước mơ học cao hơn sau này.

Chị lớn Y Nhớ đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Quy Nhơn, trò chuyện với người lạ, Nhớ hơi rụt rè. Em luôn chớp đôi mắt to đen láy cầu cứu mẹ Y Lý, khi khách đến thăm nhà và hỏi thăm tình hình khó khăn của gia đình. Chị Lý tâm sự: Gia đình tôi thuộc diện nghèo, bản thân đã chia tay chồng 7 năm qua. Hiện tại, cuộc sống 4 mẹ con phụ thuộc việc đi làm thuê của một mình tôi được 160 ngàn đồng/ngày vào mùa nắng, còn mùa mưa và khi ốm đau thì không có thu nhập gì. Nhưng hàng tháng, vẫn phải cố gắng vay mượn, gửi cho Y Nhớ vài triệu đồng, đang theo học ở Trường Đại học Quy Nhơn và nuôi 2 con nhỏ Y Mi, Y Ý ở nhà.


1552955700 622 Kết nối yêu thương
Y Nhớ, Y Mi, Y Ý được tặng sổ tiết kiệm của nhà tại trợ tại buổi ghi hình chương trình cặp lá yêu thương

 

Chị Lý còn cho hay, tháng 9/2018, con gái lớn Y Nhớ đi học xa nhà, cuộc sống của các mẹ con càng vất vả hơn. Chị phải bao quát việc nhà hơn trước, tối đến nhắc nhở 2 con nhỏ học bài vở, riêng ban ngày phải đi làm siêng năng hơn, mong có thêm thu nhập, để gửi cho con gái lớn đang học ở ngoài tỉnh.

Thương mẹ vất vả, Y Nhớ nhớ lại: Ngày trước ở nhà đi học phổ thông không có đủ tiền mua sách vở, quần áo, em nói với mẹ cho em nghỉ học đi làm phụ nuôi em. Nhưng mẹ cương quyết bảo em phải đi học, việc khó khăn mẹ lo. Chưa hết, vào các buổi tối, các bạn đã nghỉ học sớm ở làng cứ đến nhà chọc ghẹo, chế nhạo em là con gái cần gì phải học nhiều, mà học nhiều cũng phải đi lấy chồng, đi rẫy, chăm con, làm việc nhà… Rồi một số bạn đã nghỉ học lấy chồng sớm, sinh con ở tuổi 16, 17 rất vất vả. Em không muốn tương lai của mình giống như thế, nên đã cố gắng học. Em đã hứa với mẹ học thật tốt, để tương lai sẽ đưa các em thoát khỏi cuộc sống thiếu thốn, vất vả như hiện tại. Mẹ và 2 em nhỏ là nguồn cổ vũ, động viên em vượt qua giai đoạn khó khăn khi một mình khăn gói về Quy Nhơn nhập học.

“Hiện tại, ngoài thời gian học tập ở trường, em tranh thủ đi làm gia sư, phụ việc ở cửa hàng bán quần áo để có thêm tiền sinh hoạt phí, chia bớt gánh nặng chi phí của mình, giúp mẹ yên tâm chăm sóc 2 em nhỏ ở nhà”- Y Nhớ nói.

Thương chị gái học xa nhà, khi nhắc đến Y Nhớ, đôi mắt em út Y Ý (đang học lớp 1 Trường Tiểu học xã Rờ Kơi), ngân ngấn nước mắt: “Em cũng muốn học giỏi như chị Nhớ, cho mẹ vui. Sau này, em cũng sẽ chọn đi học đại học như chị Nhớ”.

Còn em Y Mi đang học lớp 7 đã tự hào khoe, những ngày chị Nhớ đi học xa nhà, em tập tành giặt quần áo, thử học việc nấu cơm, đi lấy nước dưới suối về cho cả nhà dùng. Tối đến, em vừa học bài, vừa chỉ bài cho Y Ý cùng học. Theo Mi, trước đây, những việc này đều được chị Y Nhớ làm, nay không có chị ở nhà, em đã ý thức hơn phải giúp mẹ, cho mẹ vui và còn nhiều sức khỏe đi làm kiếm tiền nuôi cả nhà.

Chị Bùi Thị Vân – Cán bộ công tác văn hóa – xã hội xã Rờ Kơi cho biết, hiện tại trên địa bàn xã có gần 200 hộ nghèo, chiếm gần 28% tổng số hộ địa phương. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nên việc chăm sóc các em cũng có phần hạn chế.

“Đặc biệt, nhiều trẻ bị bệnh hiểm nghèo như em Dương, hay gia đình đặc biệt khó khăn như  Y Mi, Y Ý khá nhiều, dù các em khao khát được đi học lên cao, nhưng tôi sợ các em sẽ đứt gánh giữa đường” – chị Vân trăn trở. Bởi vậy, chị Vân muốn sẽ có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân quan tâm chia sẻ, kết nối yêu thương các cháu. Qua đó, giúp các cháu vượt lên khó khăn, bệnh tật để học tập tốt hơn.

Bài và ảnh: MAI TRÂM