20/04/2020 13:05
Với tôi và nhiều người ở Kon Tum thì Lê Hát Sơn là một người đa tài. Bởi, anh là người tài hoa ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, cả ở thơ, hội họa, thư pháp… anh đều “chen chân” vào với niềm đam mê vô hạn và đều gặt hái những thành công nhất định ở mỗi lĩnh vực, đều để lại “chất riêng” của Lê Hát Sơn.
Điều đặc biệt là, Lê Hát Sơn đem cả “chất thơ”, “chất thiền” đến với hội họa. Ngắm tranh của anh, người xem không chỉ nhìn thấy cõi thực, mà ở đó có cả cõi mộng huyền ảo, lung linh và khiến cho chúng ta có cảm giác lạc vào không gian tĩnh lặng đến lạ thường. Phần lớn những tác phẩm của anh “tìm về” những miền ký ức, những khoảnh khắc trăn trở và tích tụ những yêu thương, ẩn mình trong gỗ, đá. Và, chính tình yêu đá cuội đã níu chân Lê Hát Sơn ở lại với Kon Tum.
Tôi gặp Lê Hát Sơn lần đầu vào cuối tháng 12/2017. Sau đó, có nhiều lần tôi về thăm nhà anh – nơi anh đặt “đại bản doanh” gốc rễ, đá cuội. Qua chuyện trò, tôi biết anh Lê Hát Sơn sinh năm 1955 ở quê ngoại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi (cha anh người Tam Kỳ, Quảng Nam). Anh tự nhận mình là người lưỡng Quảng. Năm 1958, anh theo gia đình lên xây dựng kinh tế mới ở khu Dinh Điền, tỉnh Gia Lai.
Một góc gỗ, đá của Lê Hát Sơn. Ảnh: LS
Sau giải phóng, Lê Hát Sơn theo học ngành khí tượng thủy văn. Năm 1979, anh được điều động lên làm trưởng trạm thủy văn ở xã Kroong, thị xã Kon Tum. Và, chính cái nghề “đo mưa, đếm nắng” đã đưa anh đi qua bao đèo, bao suối. Vốn sẵn có tâm hồn nghệ sĩ, anh hòa mình vào thiên nhiên, vào cỏ cây, sông suối và “thế giới đá cuội” với những đam mê khám phá bất tận.
Đất níu chân người. Thế là, Lê Hát Sơn bén duyên rồi lập gia đình với cô gái trẻ thanh niên xung phong Đội 10/75 xã Kroong, thị xã Kon Tum và lập nghiệp ở vùng đất ven sông Krông Pô Kô. Năm 1998, sau khi đập thủy điện Ya Ly được ngăn dòng, một phần lớn vùng đất xã Kroong trở thành vùng ngập lòng hồ, Trạm thủy văn giải thể, anh trở về với công việc đồng áng và lao vào lĩnh vực sáng tạo mà tâm hồn anh đã đắm say khám phá và tích lũy từ bao năm nay, dành nửa đời còn lại để “vui với núi hẹn hò cùng đá cuội”.
Họa sĩ Lê Hát Sơn say sưa phân tích cho tôi về đá cuội bằng góc nhìn trải nghiệm, bằng thứ “triết lý nhân sinh” của mình: Cuội là những hòn đá tròn cạnh, được thiên nhiên mài mòn. Khác với đá dăm có cạnh sắc. Nhưng để trở thành những viên cuội với độ bóng tuyệt đẹp thì cần phải có nước. Nước mài mòn, nước vận chuyển, nước phân loại, tuyển chọn và lắng đọng lại. Cuội là đá nhưng đá không phải là cuội. Đá sẽ chỉ là cuội khi được nước luân chuyển, nhào nặn, mài giũa. Và nước như một người thợ kim hoàn cần mẫn, chăm chỉ không quản ngày công mài giũa cuội vậy. Khi ta nhìn những viên cuội ta có cảm giác nó không hề biến đổi nhưng thực ra nó đang biến đổi không ngừng. Nó không thực sự không tồn tại dưới một hình dạng, một kích thước hay một thành phần cố định. Hình ảnh viên cuội bạn nhìn thấy nó chỉ là một thời điểm trong một chuỗi liên tục của cuộc đời phiêu lãng của nó.
Hoạ sĩ Lê Hát Sơn lý giải về đá cuội. Ảnh: LS
Đời cuội là một bản trường ca vô tận về lãng du. Về lý thuyết của vô thường, vô sở cầu, cơ duyên, gồ ghề và bất toàn… Câu chuyện của cuội không khác gì câu chuyện cuộc đời một con người. Mỗi hòn cuội là thành viên của một dòng suối. Mỗi con người xem ra cũng là một hòn cuội trong dòng suối cuộc đời của mình.
Mỗi một viên đá mang một hình dạng riêng, độc đáo và không hề trùng lặp và chúng cũng mang một vẻ đẹp rất lạ. Và dưới ánh nhìn của họa sĩ Lê Hát Sơn thì những viên đá cuội lại có hồn và sinh động hơn. Anh tạo hình, sắp đặt, tô vẽ biến những viên đá cuội thành những hình tượng đặc biệt và có bố cục độc đáo, sáng tạo mang lại một không gian nhỏ hài hòa, người ngắm có cảm giác gần gũi, giản dị và bình an.
Với con mắt nhà báo, tôi “xấu hổ” thú nhận với anh rằng, thoạt nhìn qua, tôi chỉ biết đó là những viên đá với hình khối méo mó, thô mộc. Nhưng khi nghe anh lý giải những cảm xúc trong từng nét họa, từng cách nhìn sâu sắc, tôi nhận ra ở anh đằm sâu những trải nghiệm suy lý, sự lạc quan trong cách nhìn cuộc đời thấm đẫm triết lý phương Đông và cả về tình yêu thiên nhiên bất tận và phần nào tôi “ngộ” được vẻ đẹp của đá cuội.
Ngoài biệt tài về họa và thư pháp, Lê Hát Sơn còn viết những lời thơ chân tình, mộc mạc của mình bằng thư pháp để gửi gắm tâm tình, “neo” về một chốn quê xa xăm nào ấy, chứa đựng những suy nghĩ trăn trở của anh về một thế giới với đủ đầy hương vị và màu sắc, đủ đầy vui buồn, đậm nhạt, sáng tối.
Chia tay họa sĩ Lê Hát Sơn, trên đường về, tôi còn nghe vọng đâu đây những vần thơ mang đậm triết lý nhân sinh của anh: Lệ đá mang hồn đá/về trú ẩn trong người/giữa bộn bề hối hả/bên đá lòng thảnh thơi…
Dương Lê