Hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

197

baotintuc.vnChú thích ảnh
Người dân xã Đăk Hring (Đăk Hà, Kon Tum) tham gia buổi tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng. 

Đối với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao đất, giao rừng năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã chi trả với 51 tỷ đồng, góp phần đảm bảo ổn định cuộc sống cho 3.333 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và 128 cộng đồng dân cư thôn. Nhờ đó, người dân trên địa bàn đã có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống cũng như tạo dựng sinh kế. Không những vậy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn góp phần quan trọng trong việc giữ rừng, bảo vệ rừng.

Gia đình anh A Thun, thôn Ri A Peng, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà được giao quản lý, bảo vệ hơn 9 ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Vốn là hộ nghèo, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, nên khi được giao rừng anh cũng khá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ của cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, anh A Thun đã bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, thường xuyên kiểm tra mỗi tháng từ 3 – 4 lần. Nhờ đó, năm 2022, anh nhận được 8,3 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Không chỉ tạo ra thu nhập cho các hộ gia đình, cá nhân, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn giúp cho các cộng đồng dân cư thôn có nguồn thu nhập lớn, phục vụ cho các hoạt động chung của thôn, làng, hay giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đơn cử, cộng đồng thôn Kon Pring, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô nhận quản lý, bảo vệ 147,64 ha rừng trong giai đoạn 2021 – 2025. Ông A Nao, Trưởng thôn Kon Pring cho biết, tổng số tiền nhận trong năm 2022 thôn nhận được khoảng 165 triệu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thôn đã chi 60% cho hoạt động tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng, làm đường ranh cản lửa… . Một phần tiền được đưa vào quỹ chung của thôn, phục vụ cho các hoạt động như Ngày hội bánh chưng xanh, Ngày hội Đại đoàn kết, sửa đường điện chiếu sáng… 

“Sau khi tính toán, thôn đã quyết định đưa gần 10 triệu đồng vào quỹ, phục vụ cho việc giúp đỡ, hỗ trợ các hộ dân khó khăn vay vốn, phát triển kinh tế. Vừa qua, thôn đã cho hộ bà Y Thiện, là hộ nghèo của thôn vay để mua bò, giúp bà Thiện phát triển sinh kế”, ông A Nao nói.

Chú thích ảnh
Người dân xã Đăk Hring (Đăk Hà, Kon Tum) thuyết trình về công tác quản lý, bảo vệ rừng. 

Trong khi đó, cộng đồng thôn Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei đang nhận quản lý, bảo vệ hơn 251 ha rừng. Năm 2022, cộng đồng thôn Xốp Dùi đã nhận được trên 192 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum. Sau khi nhận tiền, cộng đồng này đã sử dụng khoảng 60% để chi trả tiền công cho các tổ tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng. Khoảng 30% được sử dụng cho các hoạt động chung của thôn như thắp điện chiếu sáng, sửa chữa nhà Rông hay tổ chức liên hoan vào các ngày lễ lớn. Số tiền còn lại khoảng 20 triệu đồng, cộng đồng thôn Xốp Dùi đã lập Quỹ Phát triển sinh kế cho 4 hộ trong thôn vay với mức lãi suất 1%/năm. Nhờ đó, các hộ khó khăn đã có nguồn tài chính để phát triển kinh tế, còn Quỹ Phát triển sinh kế cũng có được lãi suất tăng thêm theo từng năm.

Nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng là giá trị vật chất, thấy được mà chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tạo ra, song giá trị lớn hơn mà chính sách này mang lại là nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng.

Ông Phan Văn Học, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay toàn xã có 42 hộ gia đình nhận khoán quản lý, bảo vệ 344 ha rừng, 3 cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ 432 ha rừng, 177 ha rừng còn lại do UBND xã quản lý, bảo vệ. Từ khi nhận quản lý, bảo vệ rừng, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Năm 2022, trên địa bàn xã không xảy ra vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Bà con đều hiểu được giá trị mà rừng mang lại nên đồng lòng bảo vệ, không ai bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo tham gia phá rừng.

Ông A Y, thôn phó thôn Đăk Long, xã Đăk Hring cho biết, cộng đồng thôn có khoảng 260 hộ tham gia quản lý vào bảo vệ 162 ha rừng. Năm 2022, thôn nhận được hơn 151 triệu đồng, phục vụ cho các hoạt động của thôn. Vì vậy, mọi người trong thôn đều hiểu được giá trị mà rừng mang lại, nên dù diện tích rừng thôn nhận quản lý và bảo vệ khá xa, cách thôn 30 km, song ai cũng ý thức được trách nhiệm và sẵn sàng tham gia quản lý, bảo vệ.

“Trước đây, tôi và một số hộ dân khác trong thôn vẫn tự ý vào rừng chặt cây lấy gỗ, củi về đun, phá rừng làm nương rẫy. Giờ đây, chúng tôi coi rừng như một tài sản của gia đình, phải bảo vệ, vì không có rừng thì sẽ không có tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và kinh tế gia đình sẽ không có sự đổi thay”, ông A Y chia sẻ.

Chú thích ảnh
Người dân xã Đăk Hring (Đăk Hà, Kon Tum) tham gia buổi tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng. 

Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết, từ năm 2016 đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân. Tại các buổi tuyên truyền, tất cả các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đều được các cán bộ của quỹ hướng dẫn việc sử dụng tiền chi trả chính sách dịch vụ môi trường rừng một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng địa phương. Song song đó, Quỹ cũng nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

“Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình hàng năm tham gia quản lý, bảo vệ rừng khoảng 11,57 triệu đồng; bình quân mỗi cộng đồng dân cư thôn khoảng 97,85 triệu đồng. Việc tuyên truyền đã khuyến khích bà con sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng vào phát triển sinh kế, để từ đó cải thiện cuộc sống, giảm việc tác động vào rừng. Những lợi ích từ rừng đã thay đổi thái độ, hành vi của người dân và củng cố thành tập quán trong việc quản lý, bảo vệ rừng gắn với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”, ông Hồ Thanh Hoàng phân tích.

Theo ông Phạm Ngọc Thuận, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, xã có 4 thôn với khoảng 500 hộ dân tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ trên 600 ha rừng. Người dân rất tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, cho thấy hoạt động này phải rất hiệu quả mới thu hút được người dân như vậy.

Người dân được hưởng lợi trực tiếp từ việc tham gia bảo vệ rừng. Nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng giúp các thôn kéo được đường điện thắp sáng cho cộng đồng dân cư, trả tiền điện, làm quỹ vay vốn, phát triển sản xuất. “Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn cũng giảm, từ trên 25% vào cuối năm 2022 thì đến nay chỉ còn dưới 21%. Rừng cũng được bảo vệ tốt hơn, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã Ngọc Tụ không ghi nhận vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và cháy rừng nào”, ông Thuận cho hay.


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/hieu-qua-chinh-sach-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-20230930071745773.htm