Hành trình đến trường nhiều niềm vui của cô học trò nhỏ Y Hên

144
Nhờ sự quan tâm và đồng hành của cô giáo Thu Giang (giáo viên Trường mầm non Măng Non, tỉnh Kon Tum) mà cô học trò nhỏ Y Hên, từ một cô bé rụt rè, lo lắng khi ngày đầu đến lớp, nay đã tự tin và hoạt bát hơn, biết cách thể hiện cảm xúc và tham gia tích cực cùng bạn bè trong các hoạt động học tập, vui chơi trên lớp.

Đầu năm học mới, cô giáo Thu Giang được phân công nhiệm vụ phụ trách lớp tại trường mầm non điểm xã Măng Cành, thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Lớp học do cô phụ trách có tổng cộng 33 trẻ, đa phần đều là trẻ đồng bào dân tộc thiểu số.

Y Hên – cô học trò nhỏ đặc biệt

Vốn là đặc thù của rất nhiều lớp học vùng cao, cô giáo nói tiếng Việt phổ thông, còn trẻ nhỏ thì đa phần là nói tiếng người đồng bào là tiếng mẹ đẻ của trẻ trong những ngày đầu đến lớp, và hầu như khi đến trường mầm non thì mới có nhiều tiếp xúc với tiếng Việt phổ thông lần đầu. Y Hên cũng như vậy. Ngày đầu tiên đến lớp, Y Hên hoàn toàn im lặng. Em chỉ lặng lẽ quan sát và gật hoặc lắc đầu khi được hỏi. Y Hên không hiểu những lời cô giáo và các bạn trong lớp nói vì em không biết tiếng Việt.

Suốt một tuần đầu tiên đến lớp, Y Hên hầu như không cười. Các hoạt động vui chơi hay học tập trong lớp Y Hên tham gia một cách bị động, không có hứng thú và không duy trì được lâu. Đôi khi, em chỉ ngồi yên quan sát cô và các bạn mà không thể hiện bất cứ cảm xúc gì.

Hành trình đến trường nhiều niềm vui của cô học trò nhỏ Y Hên
Y Hên – cô học trò nhỏ đặc biệt

“Ngay từ ngày đầu tiên nhận lớp, Y Hên đã khiến tôi rất trăn trở. Ý nghĩ: “phải làm sao để giúp Y Hên năng động hơn, vui vẻ hơn, hòa nhập với các bạn trong lớp tốt hơn?” cứ bám lấy tôi trong nhiều tuần sau đó. Và cuối cùng, tôi quyết định bắt tay vào hành trình cùng Y Hên thay đổi – để mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui.” – cô Thu Giang chia sẻ.

Hành trình cùng Y Hên thay đổi: đến trường nhiều niềm vui

Sau nhiều ngày quan sát Y Hên trong lớp học, việc đầu tiên mà cô giáo Thu Giang làm là sau mỗi giờ học, cô đều dành thời gian để trò chuyện riêng cùng Y Hên để cô trò thêm phần gắn bó. Tuy vốn tiếng Việt còn hạn chế, Y Hên bắt đầu quen dần với việc trò chuyện cùng cô giáo bằng tiếng Việt. Các câu chuyện trò khi bắt đầu cũng thường xoay quanh các vật, chủ đề quen thuộc mà Y Hên vốn đã tiếp xúc hằng ngày, nhờ vậy mà Y Hên cũng thấy thoải mái.

Cô Thu Giang tâm sự: “Sau các cuộc trò chuyện, Y Hên trở nên gần gũi với tôi hơn. Nhờ vậy mà tôi bắt đầu biết được sở thích, tính cách của cô bé. Dần dần, bằng phương pháp “quan sát trẻ theo quá trình” được VVOB tập huấn trong dự án BAMI (*), tôi phát hiện ra các rào cản mà Y Hên đang gặp phải khi đến trường. Mỗi khi phát hiện ra rào cản nào, tôi bắt tay ngay vào việc triển khai các điểm hành động trong khung 8 điểm hành động trong Phương pháp quan sát trẻ theo quá trình để giúp Y Hên từng bước vượt qua các rào cản này.”

Hành trình đến trường nhiều niềm vui của cô học trò nhỏ Y Hên
Giờ học Tiếng Việt trong lớp của Y Hên và các bạn

Để tạo cảm giác quen thuộc khi tham gia các hoạt động trong lớp và vượt qua sự khác biệt về văn hóa, cô Thu Giang đã sử dụng nhiều vật dụng, đồ dùng đồ chơi, nguyên vật liệu trang trí, … được chính gia đình Y Hên mang đến để bổ sung vào các đồ dùng hiện có trong lớp. Ngoài ra, cô còn tự làm các đồ dùng dạy học hoặc sử dụng vật thật để giúp Y Hên và các em khác hứng thú hơn với các hoạt động tìm hiểu, tương tác.

Trong các giờ học tiếng Việt, Y Hên được gọi tên để đọc và trả lời các câu hỏi. Những ngày đầu, em -chưa nói rõ chữ, rõ câu nhưng Y Hên luôn nhận được sự khuyến khích và ghi nhận của cô giáo khiến cho em tự tin và mạnh dạn hơn, không còn ngại ngùng hay lo lắng như trước.

Trong các hoạt động thủ công hay sáng tạo, Y Hên luôn nhận được sự trợ giúp và gợi ý từ cô giáo. Cô Thu Giang cũng khuyến khích các bạn trong lớp hỗ trợ Y Hên khi em gặp khó khăn. Đặc biệt, khi trưng bày các sản phẩm do cả lớp làm ra, sản phẩm của Y Hên luôn được cô giáo khéo léo tuyên dương trước cả lớp. “Mỗi khi được khen, tôi thấy Y Hên mỉm cười, khuôn mặt tươi vui và rất thích thú.” – cô Thu Giang chia sẻ.

Hành trình đến trường nhiều niềm vui của cô học trò nhỏ Y Hên
Y Hên tham gia tích cực cùng các bạn trong các hoạt động và cười nhiều hơn

Sau nhiều cố gắng, Y Hên đã có rất nhiều thay đổi. Cô học trỏ nhỏ hết sức rụt rè ngày nào, sau một học kỳ, đã trở thành niềm vui, niềm tự hào của cô giáo: “Với tôi, đồng hành và chứng kiến sự thay đổi của Y Hên qua từng ngày đến trường là một niềm hạnh phúc. Cô học trò nhỏ của tôi bây giờ đã biết thể hiện cảm xúc, tham gia tích cực trong các hoạt động tập thể, hiểu lời cô giáo và bạn bè nói, nói tiếng Việt cũng rõ ràng hơn, nhanh nhẹn và hoạt bát hơn đầu năm rất nhiều. Đặc biệt, Y Hên cười nhiều hơn và chủ động giúp đỡ bạn bè trong lớp nữa.” – Cô Thu Giang không giấu nổi niềm vui khi kể về Y Hên.

Bây giờ, mỗi ngày đến trường của Y Hên đều là một ngày vui!

BAMI là dự án “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống” được thực hiện bởi VVOB (Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, vương quốc Bỉ) từ năm 2017 đến nay tại 3 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

– VVOB (Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, vương quốc Bỉ) là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1982, tập trung vào lĩnh vực Giáo dục. Mục tiêu chính của VVOB là cải thiện chất lượng, hiệu suất và hiệu quả của giáo dục một cách bền vững tại các nước đang phát triển.

*Ảnh chỉ mang tính minh họa để đảm bảo tính bảo mật

*Tên nhân vật và tên trường trong bài đã được thay đổi để bảo đảm tính bảo mật

https://tienphong.vn/hanh-trinh-den-truong-nhieu-niem-vui-cua-co-hoc-tro-nho-y-hen-post1407156.tpo