Gương sáng vùng biên

100

02/06/2021 06:01

Ở thôn Đăk Răng (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi), già làng A Lào (83 tuổi) là người uy tín, luôn nỗ lực góp sức hướng dẫn, vận động dân làng vượt qua các hủ tục; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh trật tự và chủ quyền vùng biên.

Theo lời già làng A Lào, nhiều năm qua ông cùng đội ngũ cán bộ xã, thôn đã phải rất nỗ lực để tuyên truyền, vận động người dân bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến đời sống của dân làng.

Già A Lào chia sẻ: Ngày trước, người dân trong thôn còn tin vào hủ tục, như ốm đau không đến trạm xá, bệnh viện mà mời thầy cúng về cúng. Đây là một hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức người dân từ xa xưa, vì vậy để giúp người dân bài trừ là một quá trình vận động, tuyên truyền lâu dài. Tôi cùng với những người uy tín trong làng đã đi đến từng nhà giải thích, vận động; đồng thời, kết hợp trong những buổi họp thôn để người dân nâng cao nhận thức và hiểu rõ tầm quan trọng của các thầy thuốc, các cơ sở y tế trong khám, chữa bệnh. Qua tuyên truyền, vận động và thực tế chứng kiến, đến nay người dân trong thôn khi ốm đau đã biết đến bệnh viện để chữa trị.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, già làng A Lào luôn là tấm gương sáng, luôn đi đầu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để người dân thực hiện theo.

160747Gi%C3%A0%20l%C3%A0ng%20A%20L%C3%A0o%20l%C3%A0%20t%E1%BA%A5m%20g%C6%B0%C6%A1ng%20%C4%91i%20%C4%91%E1%BA%A7u%20trong%20m%E1%BB%8Di%20c%C3%B4ng%20t%C3%A1c%20t%E1%BA%A1i%20%C4%91%E1%BB%8Ba%20ph%C6%B0%C6%A1ng
Già làng A Lào là tấm gương đi đầu trong mọi công tác tại địa phương. Ảnh: V.T

 

Khi được các cấp, chính quyền triển khai về công tác xây dựng nông thôn mới, tôi luôn cố gắng đi đầu để người dân học tập theo. Ở trong thôn để được người dân tin tưởng, học hỏi thì phải nói được, làm được. Trong phong trào hiến đất làm đường, tôi chủ động phá bỏ 30 cây cà phê để làm đường dẫn vào khu sản xuất của người dân, tạo điều kiện cho người dân có đường đi lại thuận tiện. Hưởng ứng việc làm ý nghĩa này, trong thôn cũng có nhiều người hiến đất làm đường, tiêu biểu trong số đó có bà Y Nông đã hiến 120m2 đất để làm đường liên thôn- già A Lào kể.

Pờ Y là xã biên giới, giáp với 2 nước bạn Lào và Campuchia nên ông luôn tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, bộ đội biên phòng trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân, đặc biệt là các văn bản luật, quy chế biên giới… để giúp người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ vững hòa bình, an ninh trật tự khu vực biên giới.

“Việc tuyên truyền giữ gìn trật tự vùng biên là một công tác vô cùng quan trọng đối với những xã vùng biên. Đặc biệt hiện nay khi dịch Covid-19 đang có những diễn biến vô cùng phức tạp thì công tác này càng phải được thực hiện quyết liệt và tuyên truyền hằng ngày để người dân nâng cao nhận thức không nghe lời kẻ xấu xúi giục dẫn dắt người vượt biên trái phép và không cho người nhập cư trái phép để chủ động phòng chống dịch bệnh và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới”- già A Lào bộc bạch.

Đặc biệt, ông đã bỏ công sức, tiền bạc để làm đường ống đưa nước giọt về cho dân làng sử dụng. Già A Lào cho biết: “Bến nước là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Ca Dong, vì vậy tôi muốn giữ gìn lại cho dân làng. Tôi tự mua ống nước, gạch để làm đường dẫn nước từ khe suối vào. Đồng thời xin UBND xã hỗ trợ xi măng để xây dựng. Thấy tôi làm việc có ích, người dân trong thôn cũng nhiệt tình hưởng ứng, ai có tiền thì góp tiền, ai có sức thì góp sức để làm công trình nước, đến nay đã đi vào sử dụng.


Già A Lào bỏ công sức, tiền bạc để làm đường ống đưa nước giọt về cho dân làng sử dụng. Ảnh: VT

 

Là già làng, già A Lào am hiểu rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Ca Dong như các bài cúng truyền thống: cúng mừng lúa mới, cúng bến nước… và các bài chiêng truyền thống. Trong thôn, già là một trong những tay chiêng lão luyện có mặt trong tất cả các lễ hội, sự kiện quan trọng của làng.

“Trong thôn ai thích đánh chiêng thì tôi đều dạy cả. Khi có dịp lễ quan trọng tôi sẽ đứng ra kêu gọi đội chiêng tập luyện. Tôi rất thích dạy cho thế hệ thanh, thiếu niên vì chúng học rất nhanh. Đồng thời, tôi cũng rất mong văn hóa truyền thống của đồng bào mình được thế hệ trẻ tiếp nối, tiếp tục lưu truyền đến hàng ngàn đời sau” – già làng A Lào bộc bạch.

Với những đóng góp của mình, già làng A Lào vinh dự được các cấp từ Trung ương đến địa phương trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2017, ông vinh dự được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc; năm 2020, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

VĂN TÙNG


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/net-dep-doi-thuong/guong-sang-vung-bien-18993.html