Giữ mãi tình yêu với mây tre

45

baokontum.com.vn

23/06/2022 13:05

Dù đã 82 tuổi, nhưng đôi mắt vẫn tinh tường, đôi tay vẫn dẻo dai vót từng chiếc nan, lột từng sợi mây, đan từng chiếc gùi, nia, mẹt, rổ rá… Với đam mê cùng đôi bàn tay khéo léo, mấy chục năm qua, già A Mơ ở làng Kon Jơ Ri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) vẫn miệt mài “dệt” tình yêu với mây tre, giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.

104206D%E1%BB%AB%20l%E1%BB%9Bn%20tu%E1%BB%95i,%20nh%C6%B0ng%20%C4%91%C3%B4i%20b%C3%A0n%20tay%20gi%C3%A0%20A%20M%C6%A1%20v%E1%BA%ABn%20kh%C3%A9o%20l%C3%A9o,%20d%E1%BA%BBo%20dai%20%C4%91%E1%BB%83%20l%C3%A0m%20ra%20nh%E1%BB%AFng%20s%E1%BA%A3n%20ph%E1%BA%A9m%20%C4%91%E1%BB%99c%20%C4%91%C3%A1o%20t%E1%BB%AB%20m%C3%A2y%20tre..
 

104220T%E1%BB%ABng%20v%E1%BA%ADt%20d%E1%BB%A5ng%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20t%E1%BA%A1o%20ra%20t%E1%BB%AB%20%C4%91%C3%B4i%20b%C3%A0n%20tay%20kh%C3%A9o%20l%C3%A9o%20c%E1%BB%A7a%20gi%C3%A0%20A%20M%C6%A1.
Dù lớn tuổi, nhưng đôi bàn tay già A Mơ vẫn khéo léo, dẻo dai để làm ra những sản phẩm độc đáo từ mây tre. Ảnh: TH

 

Đến làng Kon Jơ Ri, hỏi thăm về người đan lát giỏi nhất làng, mọi người đều chỉ già A Mơ. Đám trẻ con trong làng còn nhiệt tình dẫn tôi tới tận nhà già. Khi đến nơi, tôi thấy, bên cạnh hiên nhà, dưới tán cây nhãn mát rượi, một ông già tóc bạc đang tỉ mẩn chuốt từng sợi nan. Thấy có khách hỏi thăm, già A Mơ dừng tay, ngẩng mặt lên cười trìu mến rồi lại tiếp tục chăm chú với công việc của mình.

Già A Mơ cho biết: Ngày xưa, cuộc sống của người dân đa phần là tự túc,  hầu hết mọi vật dụng dùng trong sinh hoạt, lao động đều là phải tự làm. Nếu như việc se sợi, dệt vải, vá may là của phụ nữ thì đan lát lại là của đàn ông. Đan lát không khó lắm nhưng để gắn bó và tạo ra các đồ dụng đẹp, tinh xảo thì không phải ai cũng làm được. Chỉ những người có tình yêu, đam mê thực sự, sáng tạo và không thể thiếu tính cần cù, kiên nhẫn mới làm ra được những sản phẩm độc đáo.

Với già A Mơ, từ khi còn nhỏ, ông đã có niềm đam mê đặc biệt với nghề này, nên thường mày mò theo các bậc cao niên trong làng học hỏi các kỹ năng về đan lát. Thế nên, khi mới 7 – 8 tuổi, còn chưa cao bằng chiếc gùi lớn, ông đã biết đan. Lớn thêm nữa thì biết chẻ nan, vót mây, làm họa tiết trên các sản phẩm đan lát… Rồi cứ thế tình yêu đan lát “ngấm vào máu” lúc nào không hay. Cho đến giờ, già A Mơ vẫn miệt mài gắn bó với nghề đan lát, một phần để phục vụ nhu cầu của gia đình, phần để bán kiếm thêm thu nhập. Nhưng cốt lõi là để thỏa mãn tình yêu với nghề và giữ gìn nét văn hóa của dân tộc Ba Na.

Cô con gái ngồi bên cạnh tiết lộ: Từ trước tới nay, tất cả đồ dùng trong gia đình đều do cha tôi làm. Bất cứ cái gì ông cũng đan được, từ những chiếc gùi thưa để đi rẫy; gùi dày để đựng lúa, đựng áo quần đến cái nia dùng phơi nông sản và cả những chiếc rổ, rá để vo gạo, rửa rau hay những chiếc giỏ dùng khi đi bắt cá, tôm… Không chỉ để dùng trong nhà, bà con trong làng, ngoài xóm cũng đặt làm rất nhiều; khách phương xa, khách du lịch tới hỏi suốt, họ mua để làm quà.

Già A Mơ chia sẻ: Để có được một sản phẩm đan lát hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, sử dụng nhiều loại nguyên vật liệu khác nhau như nứa, tre, lồ ô, mây, gỗ… Đầu tiên là phải kiếm được nguyên liệu. Ngày xưa núi rừng bao la nên người dân chỉ việc vào rừng chặt cây mang về làm, nhưng giờ thì khác, người làm nghề phải tự trồng trên rẫy, trong vườn nhà. Mây, tre, lồ ô chặt xong mang về thì tiến hành chẻ nan. Từng sợi, từng sợi nan được tách ra, chuốt cho nhẵn lì. Mây cũng vậy, sau khi mang về chẻ sợi, lột ruột, rồi đem phơi nắng cho thật khô, bởi nếu làm tươi, khi khô sợi nan, mây sẽ ngót lại, vật dụng làm ra không còn chắc chắn, dày dặn. Tiếp đến, là công đoạn đan các sợi nan vào nhau theo những quy tắc nhất định của từng loại vật dụng. Cuối cùng là vấn cạp, bện vành bằng những sợi mây chắc chắn để trở thành những sản phẩm hoàn chỉnh, bắt mắt, có giá trị sử dụng.

Theo lời kể của già A Mơ thì trong tất cả các vật dụng, đan gùi là khó nhất và mất nhiều công nhất. Gùi được chia thành nhiều loại và dùng vào những công việc khác nhau, đòi hỏi người làm phải khéo léo, có óc thẩm mỹ và sự tỉ mẩn. Đặc biệt, loại gùi dày thường dùng để đựng vải và thóc gạo có kích thước lớn, độ cao trung bình từ 60 – 95cm. Để làm ra một chiếc gùi có khi phải mất cả tuần, thậm chí cả chục ngày mới xong. Ngoài việc chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, người làm còn phải biết tạo hoa văn trên thân gùi. Vì vậy, từ khi làm nan, người đan gùi đã phải lên ý tưởng về họa tiết và tạo cho mỗi thanh nan một màu sắc khác nhau. Khi đan, phải sắp xếp các nan màu cho hợp lý, đúng trật tự để sau khi hoàn thành có sản phẩm đúng dự định ban đầu.

Ngoài ra, để các sản phẩm sử dụng được lâu, bền, khi làm xong, già A Mơ còn cẩn thận gác trên giàn bếp. Một thời gian sau, khói bếp làm cho sản phẩm không bị mốc, mối mọt và có màu vàng nâu chắc chắn. Trước khi đưa vào sử dụng hay bán cho khách, già lấy xuống giặt sạch sẽ rồi hong ra nắng cho khô lại là có thể dùng được rất lâu.

10441621231501%20Ngay%20Tet%20Lang
Ngày hội của làng Kon Jơ Ri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum). Ảnh: DUY TUYÊN

 

Ngày xưa, ngoài những lúc săn bắn, làm rẫy, thời gian rảnh, dân làng thường tập trung nhau để đan lát. Thời gian làm việc cũng là dịp mọi người tâm sự, chia sẻ về cuộc sống gia đình, cách làm ruộng rẫy, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhờ đó, dân làng thêm hiểu nhau, gắn bó để xây dựng và củng cố mối đoàn kết cộng đồng. Không chỉ vậy, làm công việc này còn giúp con người rèn luyện được đức tính cần cù, chịu khó, cẩn thận, chỉn chu. Bởi, chỉ có như vậy, người ta mới có thể tạo ra được những sản phẩm đẹp, có giá trị nghệ thuật và giá trị sử dụng cũng như giá trị kinh tế cao – già A Mơ giãi bày.

Tự hào về nghề truyền thống của dân tộc bao nhiêu, già A Mơ càng thêm trăn trở về việc truyền nghề, nối nghề.

Già A Mơ trải lòng: “Trong làng giờ chỉ còn những người lớn tuổi còn đan lát, chứ đám con cháu không mấy đứa mặn mà, ít ai muốn học và giữ nghề này. Ngay cả mấy đứa con của già, học rồi, biết nghề nhưng không đứa nào muốn làm nghề vì so với các công việc khác, nghề này thu nhập không cao. Cứ thế này, già lo nguy cơ nghề truyền thống của cha ông sẽ bị mai một, khi lớp người già về với tổ tiên”.

Giữ được nghề đã khó, truyền được nghề càng khó hơn. Trước thực trạng nhiều nghề truyền thống của đồng bào DTTS đang bị mai một, nỗi lo của già A Mơ là hoàn toàn có cơ sở.

Thùy Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/giu-mai-tinh-yeu-voi-may-tre-24225.html