baokontum.com.vn
Ở thôn Plei Chor (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum), những người yêu âm nhạc, văn hóa truyền thống không ai là không biết nghệ nhân A Glững (41 tuổi) bởi tài năng và niềm đam mê với cồng chiêng. Anh còn là nhân tố tích cực vận động, tuyên truyền dân làng xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.
Chúng tôi tìm đến thôn Plei Chor trong một chiều cuối tuần mát mẻ. Tại nhà của nghệ nhân A Glững, tiếng chiêng vang vọng trong không gian thanh vắng.
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cồng chiêng, nghệ nhân A Glững đã chuẩn bị sẵn các vật dụng liên quan để giới thiệu. Trên nền nhà, từng chiếc chiêng đen bóng màu đồng được bày ra, xung quanh là các dụng cụ chỉnh chiêng như dùi gỗ, búa sắt. Chúng tôi còn đặc biệt chú ý và tò mò về cuốn vở được anh ghi chép dày đặc các lý thuyết về cồng chiêng với sơ đồ, hình vẽ cùng các con số.
Thấy chúng tôi thắc mắc, nghệ nhân A Glững giải thích rằng, những tài liệu chép trong vở là từ lớp học chỉnh chiêng do Sở VH,TT&DL tổ chức vào tháng 6 vừa qua. Qua lớp học đã giúp anh không còn chỉnh chiêng theo bản năng nữa mà có sơ đồ, hệ thống bài bản, giúp việc chỉnh chiêng nhanh và hiệu quả hơn.
Nghệ nhân A Glững luôn cố gắng tập luyện và nghiên cứu kỹ những lý thuyết về chỉnh âm cồng chiêng. Ảnh: H.T
“Trước đây, mỗi lần cồng chiêng trong làng bị hư phải đem xuống tận các vùng lân cận ở Gia Lai để tìm người sửa. Mỗi lần như thế rất tốn kém và mất thời gian, chiêng được chỉnh xong bị hư hại nhiều do kỹ thuật gò chỉnh của các nghệ nhân theo bản năng, chưa được tốt. Giờ tôi đã được học bài bản về lý thuyết và kỹ thuật chỉnh chiêng nên mừng lắm, từ nay sẽ không còn lo tiếng chiêng bị lạc nhịp nữa”- nghệ nhân A Glững phấn khởi.
Cầm trên tay chiếc chiêng con lâu ngày đã bị bám bụi, anh A Glững cẩn thận lau chùi, dùng nắm tay gõ xung quanh mặt chiêng để kiểm tra và đánh một vài nốt để thử. Tương tự như thế, lần lượt tất cả những chiếc cồng, chiêng còn lại, cái nào bị lạc nhịp, chênh phô đều được A Glững đem ra lau chùi, kiểm tra.
Nghệ nhân A Glững kể rằng, ngày xưa Plei Chor nhiều cồng chiêng lắm, nhà nào cũng có một bộ, có nhà còn nhiều hơn. Dân làng lúc ấy bán được con trâu, con bò, hay thu hoạch được vụ lúa thì thường nghĩ ngay đến việc mua chiêng. Vì chiêng đại diện cho quyền lực, sự giàu có và mang lại nhiều may mắn cho gia chủ.
Từ lúc nhỏ, kỷ niệm về những đêm trăng sáng, dưới ánh lửa bập bùng, những điệu chiêng, xoang uyển chuyển đã khắc sâu vào tâm trí làm anh không thể quên. May mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống đánh chiêng, có bố là nghệ nhân A Hin giỏi chiêng có tiếng trong vùng, A Glững được thừa hưởng năng khiếu bẩm sinh và học rất nhanh. Chẳng mấy chốc A Glững thuộc được nhiều bài chiêng hay, tham gia đánh tại các lễ hội quan trọng như lễ mừng lúa mới, cúng giọt nước, cúng cầu may, đám tang tại làng.
Nghệ nhân A Glững giới thiệu những vật dụng để chỉnh chiêng. Ảnh: H.T
Hiện giờ, theo nhịp sống hiện đại, cồng chiêng và phong trào tập luyện dần ít đi. Là thế hệ trẻ, lại rất yêu quê hương và văn hóa truyền thống của cha ông để lại, nghệ nhân A Glững lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm, mong muốn cùng các nghệ nhân, già làng đưa phong trào tập luyện chiêng, nhạc cụ truyền thống phát triển mạnh mẽ như xưa. Vì vậy, thời gian qua, anh luôn tích cực cùng đội nghệ nhân của thôn tập luyện và diễn tấu tại nhiều dịp lễ hội, sự kiện lớn, nhỏ tại địa phương.
Nghệ nhân A Glững cho biết, bộ chiêng quý của làng gồm 24 chiếc được bảo quản cẩn thận tại nơi sinh hoạt chung. Ngoài ra, cả thôn còn có 6 bộ khác của các nghệ nhân, bộ nào cũng từ 20 chiếc trở lên, đều rất quý hiếm. Cồng chiêng được các nghệ nhân đem ra lau chùi và thử âm đều đặn để tránh bị lạc âm và hư hỏng. Hiện cồng chiêng quý càng ngày càng hiếm nên dân làng rất coi trọng và ra sức gìn giữ những bộ cồng chiêng hiện có.
Bên chiêng, nghệ nhân A Glững như một “bác sĩ” lành nghề khám cho các “bệnh nhân”. Anh dùng đôi tay tỉ mỉ, cẩn thận rà trên mặt chiêng để kiểm tra các vết nứt, móp méo, rồi nắm chặt tay vung mạnh vào mặt chiêng để tạo tiếng, ghé sát tai để nghe và “bắt bệnh”, cảm nhận độ chênh, phô của từng thanh âm.
Với niềm đam mê, hăng say học hỏi, những cố gắng của anh đã được đền đáp. Qua việc tham gia lớp tập huấn chỉnh chiêng do Sở VH,TT&DL tổ chức đã giúp nghệ nhân A Glững nâng tầm kỹ năng chỉnh chiêng của mình. Bằng phương pháp hiện đại, khoa học, cộng với đôi tai thẩm âm tinh tế, bàn tay điêu luyện, hiện giờ thang âm cồng chiêng cổ của dân tộc Gia Rai anh đã thuộc lòng trong đầu. Chỉ với một chiếc búa, hoặc chiếc dùi chuyên dụng anh đã có thể “bắt bệnh” và sửa những lỗi cơ bản của cồng chiêng chưa đầy 15 phút/1 chiếc.
Đội chiêng của làng hiện có 10 thành viên nhưng hầu hết đều cao tuổi. Với mong muốn tạo lớp trẻ kế cận, nghệ nhân A Glững còn tích cực “truyền lửa” đam mê cho các em nhỏ tập luyện cồng chiêng. Bên cạnh đó, anh được giao nhiệm vụ quản lý và tập luyện cho đội chiêng trẻ, thường xuyên biểu diễn tại các sự kiện lớn, nhỏ. Dù còn trẻ tuổi nhưng trong đội chiêng của làng, nghệ nhân A Glững rất được tín nhiệm, không thể thiếu vai trò tại các lễ hội hay sự kiện quan trọng.
Nghệ nhân A Glững mong muốn truyền tình yêu đối với cồng chiêng cho các em nhỏ trong làng. Ảnh: H.T
Ông A Nghỉ (76 tuổi) – Bí thư chi bộ thôn Plei Chor, cũng là thành viên lâu năm của đội chiêng cho biết: “Thế hệ trẻ giờ ít người giỏi đánh chiêng. Ở làng có A Glững trẻ và tài năng nên ai cũng quý. A Glững còn có khiếu và đôi tai nhạy cảm nên có thể chỉnh chiêng được, điều này rất ít người làm được. Cả đội chiêng đang tín nhiệm và dự kiến bầu A Glững làm đội trưởng đội cồng chiêng của làng trong tương lai, dẫn dắt phong trào tập luyện cồng chiêng của thôn đi lên”.
Ngoài tích cực với văn hóa truyền thống, say mê đánh cồng chiêng, nghệ nhân A Glững từng là bí thư chi đoàn thôn, Trưởng thôn Plei Chor nhiều năm liền và tích cực vận động, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến nay, anh đã thôi làm trưởng thôn nhưng vẫn tiếp tục phát huy sự năng động, sáng tạo, tiên phong trong mọi hoạt động của thôn, nhất là trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Nghệ nhân A Glững cũng có nhiều trăn trở và dự định trong việc duy trì và phát triển phong trào tập luyện cồng chiêng tại làng. Theo anh, theo phương pháp dạy cồng chiêng truyền thống, nghệ nhân dạy bằng thị phạm và làm theo nên dễ có nhiều thiếu sót trong quá trình tập, gây mất thời gian. Để khắc phục điều ấy, anh dự định sẽ trau dồi thêm kỹ năng về nhạc lý và ký âm để có thể ghi chép từng bản nhạc cồng chiêng ra văn bản, qua đó giúp lưu trữ và việc truyền dạy bằng văn bản hiệu quả hơn.
“Tôi sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa trong các hoạt động tập luyện và dạy chiêng cho các em nhỏ tại làng. Đặc biệt là nghiên cứu thật kỹ những lý thuyết về chỉnh âm cồng chiêng đã được học để phát triển thêm. Từ đó có thể tự chỉnh sửa những chiếc chiêng bị lạc nhịp, mất tiếng, để góp phần giữ gìn thanh âm của cồng, chiêng vang mãi” – nghệ nhân A Glững chia sẻ.
Hoàng Thanh
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/gin-giu-am-vang-cong-chieng-42222.html