Già làng A Bying – “Người thắp lửa” ở làng Jang Roong

430


12/07/2018 13:00


​Làng Jang Roong ẩn mình trong vùng cao nguyên ngát xanh của vùng núi Đăk Cấm – Ngọc Réo có khí hậu trong lành; làng được bao bọc bởi những đồi cà phê, cao su, bời lời bạt ngàn và trảng rừng nguyên sinh mang vẻ đẹp hoang sơ, cuốn hút. Theo tiếng Ba Na, Jang Roong có nghĩa là “Trời nuôi”.

Về Jang Roong, chúng tôi được nghe nhiều chuyện kể về những “người thắp lửa” nhiệt tình để dân làng cùng giữ cho tiếng cồng, tiếng chiêng, điệu xoang cùng những nét văn hóa của người Ba Na (nhánh Rơ Ngao) nơi đây được giữ gìn và lan tỏa. Đó là những già làng uy tín trong cộng đồng có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Rơ Ngao ở làng Jang Roong, trong số đó phải kể đến già làng A Bying với niềm đam mê, nhiệt huyết cống hiến cho cộng đồng luôn cháy bỏng. 

Đầu tháng Bảy năm nay, theo chân một cán bộ văn hóa, chúng tôi về làng Jang Roong – một trong hai làng đồng bào dân tộc thiểu số của xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum).


20180708150949doi cong chieng cua lang anh 1
Đội cồng chiêng của làng. Ảnh: DL

 

Đến làng Jang Roong, hỏi bất kể người dân nào họ cũng đều biết già A Bying. Bởi, già là tấm gương sáng trong phong trào hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và tham gia tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh ngăn chặn những đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây rối an ninh trật tự tại địa phương; vận động thế hệ trẻ cố gắng học hành để góp phần xây dựng địa phương, nâng cao đời sống, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tuy đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe có giảm, nhưng già A Bying vẫn tràn đầy nhiệt huyết với tiếng cồng chiêng của người Rơ Ngao, mỗi khi nghe nhịp cồng chiêng vang lên thì trong ông như nghe được giai điệu thôi thúc của đại ngàn.

 Ông A Bying kể, ông mồ côi cha mẹ từ rất sớm, cuộc sống của ông khá vất vả. Nhưng cả thời tuổi thơ của ông được ru bằng nhịp cồng chiêng, và, những giai điệu đó như “mạch ngầm” vỗ về để ông vượt qua những khó khăn của cuộc đời. Ngày ấy, tiếng cồng, tiếng chiêng cứ âm vang giữa núi rừng mỗi khi làng có lễ hội, làm mê đắm tâm hồn ông. Có lẽ do giai điệu đã “ăn vào máu thịt” nên khi vừa lên 10, 11 tuổi đôi tay của A Bying gõ đúng nhịp cồng chiêng, đôi chân bước nhịp nhàng theo từng điệu xoang.

Ông cho tôi biết, theo người già trước đây kể lại, làng Jang Roong có từ rất lâu đời. Trước năm 1975, Mỹ ngụy bắt dân làng Jang Roong tập trung vào các ấp chiến lược, vì vậy người dân ở đây di tản khắp nơi, nhưng vẫn có những người bám trụ lại với núi rừng.

Sau ngày giải phóng, người dân tụ tập về lại Jang Roong – nơi tổ tiên bao đời của người Rơ Ngao sinh sống để xây dựng lại quê hương. Năm 1976, ông theo vợ về làng Jang Roong, tham gia Chi hội thanh niên và được bầu làm đại biểu HĐND xã Đăk Cấm khóa I. Sau đó nhiều khóa ông được bầu làm đại biểu HĐND xã và giữ cương vị  Phó Chủ tịch HĐND xã Đăk Cấm. Năm 2014, ông nghỉ hưu và được nhân dân trong làng bầu làm già làng.

Tuy tuổi đã cao, nhưng già A Bying còn rất minh mẫn, dường như biết rõ cuộc sống của từng hộ gia đình trong làng và ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Nhờ tích cực “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” nên mọi việc ở đây già làng A Bying  nắm rõ như trong lòng bàn tay. Ông “khoe” với tôi, hiện làng có 95 hộ dân với 103 nhân khẩu; chỉ còn 6 hộ nghèo. Trong làng, gia đình nào cũng có nhà xây, có công trình vệ sinh, có hố rác. Trường học ở ngay đầu làng để trẻ em hằng ngày đến lớp thuận tiện. Trong làng gia đình nào cũng rào vườn, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc đều có chuồng trại. Hiện làng Jang Roong có 120 con bò, 70ha cao su đã cho thu hoạch, 5ha cà phê, 15ha bời lời, 5,2ha ruộng nước. Trong làng xuất hiện nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi như hộ ông A Bương, bà Y Kyit…

Tuy già A Bying không nói ra, nhưng chúng tôi biết ông rất tự hào về những thành tích của làng Jang Roong; bởi trong đó có sự đóng góp không nhỏ của bản thân ông.

Kể từ năm 2014 đến nay, già A Bying vận động nhân dân trong làng phục dựng 4 lễ hội và thêm 1 lễ hội mới, như: lễ hội cồng chiêng, lễ hội cúng máng nước, lễ hội động thổ xây dựng nhà rông, lễ hội khánh thành nhà rông, lễ hội ngày đại đoàn kết toàn dân.

Đầu năm 2016, nhà rông của làng không may bị cháy, chính già làng A Bying là người đóng góp rất lớn trong việc xây dựng lại nhà rông để dân làng có nơi sinh hoạt cộng đồng và giữ gìn nét đẹp văn nhà rông của đồng bào Ba Na. Ông tích cực vận động nhân dân trong làng đóng góp tiền bạc và công sức để xây dựng lại nhà rông mới. UBND xã Đăk Cấm hỗ trợ làng gỗ và tấm lợp.

Hôm khánh thành nhà rông, già A Bying rất mừng, bởi lại được nghe giai điệu cồng chiêng rộn ràng, được nhìn những điệu xoang nhịp nhàng của các chàng trai, cô gái bên nhau trong lễ mừng nhà rông mới…

Già A Bying say sưa kể cho chúng tôi nghe về những nét văn hóa của người Rơ Ngao ở làng Jang Roong còn lưu giữ được. Làng có 2 bộ cồng chiêng; một đội diễn tấu cồng chiêng; một đội múa xoang. Lễ hội thường niên của làng là lễ cúng sửa máng nước. Nguồn nước của làng lấy từ suối Đăk Lah – con suối này nằm ở trảng rừng nguyên sinh được gìn giữ như nguyên vẹn để cho nguồn nước được trong lành nhằm phục vụ sinh hoạt của người dân. Ngày cúng máng nước, dân làng tổ chức vui chơi, ca múa. Mỗi khi đến dịp lễ hội thì dân làng dù đi xa mấy và ở nơi đâu cũng tìm về để tận hưởng không khí sinh hoạt cộng đồng. Làng vẫn còn lưu giữ nhưng phong tục, tín ngưỡng có giá trị văn hóa đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Ba Na…

Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thời gian qua, già làng A Bying cùng những người có uy tín trong làng Jang Roong cùng với cấp ủy đảng, Ban Tự quản vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước của làng. Nhiều hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ, bà con trong làng Jang Roong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện kế hoạch hóa gia đình…

Đối với những vụ việc phức tạp, Hội đồng Già làng – do già làng A Bying đứng đầu, chủ động đến từng gia đình để tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận trong dân làng. Nhờ vậy, Hội đồng Già làng đã góp phần giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Ông Lê Quang Đại – Chủ tịch UBMTTQ xã Đăk Cấm cho biết, việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo “cầu nối” giữa cấp ủy đảng, chính quyền với người dân ở địa phương cơ sở. Thời gian qua, bà con làng Jang Roong đã gắn bó cùng xây dựng khối đại đoàn kết, giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn; thành tích trên có sự đóng góp của già làng A Bying trong công tác tuyên truyền vận động…

Già làng A Bying đã phát huy được vai trò người có uy tín và cũng một tuyên truyền viên đắc lực trong việc chuyển tải hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư; tham gia cùng chính quyền giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương, xây dựng và góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giữ vững bình yên thôn, làng. Ông Lê Quang Đại khẳng định với tôi về vai trò “người thắp lửa” của già làng A Bying ở làng Jang Roong.

Dương Lê

Đi đến nguồn bài viết