21/07/2020 13:01
Đến thôn Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum), chúng tôi được nghe dân làng kể nhiều về một gia đình có nhiều thành viên đã và đang gắn bó với dệt thổ cẩm. Đó là bà Y Chrưt và 6 cô con gái.
Bước sang tuổi 88, sức đã yếu, mắt đã mờ, bà Y Chrưt không còn thường xuyên dệt như ngày xưa, nhưng khi nhớ nghề, ngồi vào khung cửi, đôi tay nhăn nheo vẫn thoăn thoắt vỗ thoi.
Gặp tôi, bà Y Chrưt không giấu được niềm vui sướng, khoe phường Quang Trung xây dựng nhà dệt thổ cẩm ngay tại thôn vào cuối năm ngoái, vừa là nơi để những nghệ nhân và người học nghề đến làm việc, vừa trưng bày hàng hóa, khách có thể dễ tìm, dễ thấy hơn. “Thật cảm động vì Nhà nước luôn quan tâm và phát triển nghề dệt thổ cẩm, vẫn lưu giữ những nét đẹp truyền thống của đồng bào Ba Na” – bà Y Chrưt nói.
Bà Y Chrưt kể rằng, từ khi lên 10 tuổi đã thích xem người già trong làng dệt thổ cẩm. Bà không ngại nắng mưa theo chân họ vào rẫy, lên rừng để tìm cây bông về kéo sợi; tìm các loại củ, rễ cây để chế biến, nhuộm màu.
“Hồi đó sợi bông quý lắm, mỗi lần đi lấy rất vất vả nên khi mới tập dệt, để tiết kiệm sợi bông, tôi dùng bẹ lá chuối phơi héo, rồi tước thành từng sợi, khi người già dệt, tôi nhìn, tập theo. Đến thời các con tôi cũng vậy, tôi cũng cho chúng nó tập dệt bằng dây bẹ lá chuối phơi héo, nhưng chúng nó được tôi tự tay truyền nghề, nên học rất nhanh” – bà Y Chrưt tâm sự.
Có lẽ vì mê các hoa văn độc đáo trên sản phẩm thổ cẩm của bà nên đa số khách du lịch đến đây đều hỏi mua các sản phẩm do bà dệt, nhiều người phải đặt trước cả mấy tháng. Và niềm đam mê, cái tài ấy của bà đã truyền lại cho các con. Mặc dù không còn ở cái thời theo phong tục con gái lớn lên phải biết nghề dệt mới được con trai trong làng để ý, nhưng các cô con gái của bà vẫn luôn ý thức được giữ nghề cũng chính là giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
Sống gần bà là 2 cô con gái Y Thoanh và Y Thoach, đều là 2 nghệ nhân dệt thổ cẩm ở nhà dệt thôn Plei Tơ Nghia. Ngoài thời gian làm việc ở rẫy, thì hầu hết thời gian, hai chị đều lên nhà dệt để dệt thổ cẩm.
Chịu khó, chăm chút, tỉ mỉ, các sản phẩm do hai chị làm ra có chất lượng không thua kém gì bà Y Chrưt, vì thế sản phẩm làm ra đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ của khách.
Chị Y Thoach cho biết: Hồi trước chưa có nhà dệt tập trung, các chị em chỉ dệt ở nhà. Bây giờ có nhà dệt rồi, mọi người tập trung ra đây, người muốn học nghề cũng dễ dàng hơn. Tôi có hai đứa con gái, Y Thơi (19 tuổi) và Y Thâm (11 tuổi), đều theo học nghề. Đến nay, các cháu đã có thể dệt những chi tiết đơn giản, không bao lâu nữa cháu có thể nối nghiệp tôi rồi.
4 người con gái khác của bà Y Chrưt lấy chồng ở xa, nhưng đều duy trì nghề dệt thổ cẩm, mở tiệm dệt riêng ở nhà. Trong đó, chị Y Nguk (52 tuổi), hiện đang mở tiệm dệt ở xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum); chị Y Canh lấy chồng ở huyện Sa Thầy cũng đang sống bằng nghề dệt. Nổi tiếng dệt đẹp là chị Y Thúy, hiện ở thôn Đăk Krăk (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum).
Đến thăm nhà chị Y Thúy, tôi không thể rời mắt khỏi khung dệt, nơi mà đôi tay chị thoăn thoắt dệt từng chi tiết nhỏ. Chị tâm sự: “Tôi và các chị em trong nhà ngay từ bé đã được mẹ truyền dạy nghề, đến 14,15 tuổi là có thể dệt thành thạo các chi tiết cơ bản. Sau này lớn lên, thấy các họa tiết của các dân tộc khác đẹp và độc đáo quá nên tôi tự tìm tòi và học hỏi. Bây giờ con gái tôi là Rơ Manh Minh Thư (14 tuổi) cũng đã dệt khá cứng tay, ngoài giờ học cháu có thể phụ giúp tôi dệt những chi tiết đơn giản.
Em Rơ Manh Minh Thư – cháu ngoại bà Y Chrưt dệt thổ cẩm. Ảnh: VT
Em Minh Thư chia sẻ: Năm 10 tuổi em đã được mẹ dạy nghề dệt, lúc mới làm quen với khung dệt vất vả lắm, em ngồi không quen, nhưng chịu khó ngồi vài ba buổi thì đã quen và nhanh chóng dệt được những chi tiết cơ bản. Bây giờ thì em có thể phụ giúp mẹ được rồi.
Trong 6 cô con gái của bà Y Chrưt, thành công nhất với nghề dệt thổ cẩm có lẽ là chị Y Thoai (43 tuổi), hiện đang là chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm ở đường Bắc Kạn, thôn Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum).
Ghé thăm cửa hàng chị, tôi thấy được sự đa dạng về mẫu mã như váy, áo, khố, khăn, túi xách, ví… với những họa tiết của người Ba Na được dệt rất tỉ mỉ. Chị Y Thoai còn là người kết nối các nghệ nhân dệt thổ cẩm để chủ động nguyên liệu sản xuất, góp phần bổ sung sản phẩm du lịch và tạo việc làm tại chỗ cho 32 phụ nữ Ba Na.
Chị Y Thoai cho biết: Ngoài việc học dệt các chi tiết của người Ba Na, tôi đã mất hơn 10 năm để tìm hiểu và học dệt thành thạo các chi tiết của các dân tộc khác nhau như Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Ê Đê, Gia Rai… Vì mỗi ngày nhu cầu khách hàng càng tăng cao, họ đặt hàng với họa tiết của nhiều dân tộc khác nhau, nên tôi phải học hỏi để đáp ứng nhu cầu khách hàng và truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Cũng qua cửa hàng của chị Y Thoai, các sản phẩm dệt của bà Y Chrưt, cùng các chị em gái trong nhà được quảng bá với khách du lịch nhiều hơn, từ đó tạo được nguồn thu nhập ổn định cho mọi người, góp phần nâng cao cuộc sống.
Văn Tùng