baokontum.com.vn
Tại Ngày hội kết nối, quảng bá sản phẩm du lịch, văn hóa, ẩm thực nông thôn đặc trưng gắn với Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) lần thứ II, đội nghệ nhân làng Plei Druân đã trình diễn xuất sắc tiết mục cồng chiêng, xoang kết hợp tái hiện lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai. Phần trình diễn của đội đã để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng cho người xem, và đã giành giải Nhất tại Hội thi.
Tại đêm bế mạc Ngày hội, dưới ánh đèn sân khấu lung linh, lửa trại rực cháy huyền ảo, tiết mục của đội nghệ nhân làng Plei Druân được chọn để trình diễn phục vụ khán giả, chung vui cùng bà con trong đêm giã bạn. Đông đảo bà con, du khách từ già đến trẻ đến xem và cổ vũ, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho đêm hội.
Đáp lại sự cổ vũ và niềm yêu thích của khán giả, các nghệ nhân của làng Plei Druân như được tiếp thêm “lửa”, hăng say biểu diễn và cống hiến hết mình. Phần trình diễn gồm biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, các hoạt động tái hiện lễ mừng lúa mới, sinh hoạt hàng ngày như giã gạo, làm lễ cúng, đan lát, uống rượu ghè. Mỗi tiết mục như một “bản hòa ca” rất riêng, khắc họa những nét độc đáo về văn hóa, đời sống xã hội, tâm linh, tôn lên vẻ đẹp truyền thống của bà con dân làng Plei Druân.
Đội chiêng làng Plei Druân biểu diễn. Ảnh: H.T
Đứng sau hậu trường nhìn đoàn nghệ nhân của thôn mình được khán giả đón nhận và hăng say biểu diễn, anh A Thưng – Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn không giấu được niềm vui: “Đội của làng đi dự thi lần này có trên 40 thành viên, trong đó có 14 người đánh chiêng, 1 người đánh trống, 27 người múa xoang cả lớn và nhỏ. Đây cũng là lần đầu tiên toàn đội tham gia một Ngày hội lớn như thế này nên ai cũng hồi hộp và cố gắng tập luyện rất kĩ lưỡng. Được khán giả đón nhận, ai cũng cảm thấy vui và tự hào”.
Theo anh A Thưng, đội nghệ nhân làng Plei Druân chọn tái hiện lễ mừng lúa mới kết hợp với cồng chiêng, xoang vì đây là một trong những lễ quan trọng và đặc sắc nhất của bà con Gia Rai. Qua lễ hội, bà con dân làng được cầu khấn thần lúa phù hộ cho cuộc sống gia đình được ấm no và bình yên, tăng sự đoàn kết, gắn bó, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân làng.
Giữa đêm tối bập bùng ánh lửa trại, những tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên đều đều, nhịp nhàng mang sự huyền bí, sức hấp dẫn đến lạ. Du khách không thể rời mắt bởi những điệu xoang nhịp nhàng, đôi chân trần nhún nhảy theo nhịp tay vung lên, hạ xuống. Ai nấy như được trở về với thiên nhiên, đại ngàn xưa.
Trong đội cồng chiêng, nghệ nhân A Yich (47 tuổi) thu hút khán giả bởi gương mặt đầy “thần thái”. Bên chiêng, anh hăng say biểu diễn, mắt nhắm chặt, đôi chân nhún nhảy theo bản năng nhưng rất đúng điệu, tay cầm chiếc chiêng lớn gõ những âm thanh đều và chắc nụi, thi thoảng miệng nở nụ cười và lẩm nhẩm theo một giai điệu nào đó.
Được biết, A Yich vốn là một nghệ nhân chơi nhạc cụ truyền thống, đặc biệt giỏi đàn bầu. Với sự động viên của dân làng và tình yêu với văn hóa truyền thống, anh đã cố gắng tập thêm chiêng và nhanh chóng trở thành một trong những “trụ cột” của đội chiêng làng.
Nghệ nhân Gia Rai làng Plei Druân nổi tiếng về đan lát và làm gùi. Ảnh: H.T
Anh A Yich chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia cuộc thi này và rất vui vì đội được đánh giá cao. Dù trước đây chơi nhạc cụ, nhưng khi được các già vận động, tôi tập thêm chiêng vì cồng chiêng phổ biến và thường xuyên biểu diễn được nhiều sự kiện lớn, nhỏ. Đánh cồng chiêng cũng là cơ hội để tôi truyền lửa đam mê cho con cháu của mình và lớp trẻ trong làng. Vì đam mê nên từng tiết tấu, giai điệu như ngấm vào máu, cứ thế “tuôn” ra khi biểu diễn, tôi không cảm thấy khó khăn là mấy”.
Anh A Hlik (47 tuổi) – Đội trưởng Đội cồng chiêng làng Plei Druân nói về các thành viên trong đội đầy tự hào: “Để chuẩn bị cho tiết mục hôm nay, chúng tôi đã tập hợp những thành viên giỏi nhất, bàn bạc kĩ lưỡng để tập luyện. Mọi người đều rất ý thức, không ai bảo ai hăng say tập luyện với mong muốn mang đến cho Ngày hội những tiết mục đặc sắc, qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Gia Rai”.
Giữa tiếng cồng chiêng trầm hùng, vang vọng, đôi chân uyển chuyển, linh hoạt của đội xoang nhí đặc biệt thu hút du khách. Khoác trên mình bộ váy thổ cẩm, gùi trên vai hoa lá rực rỡ sắc màu, các em nhỏ được hóa trang thành những thiếu nữ của núi rừng, lung linh, đầy sức hút như những chú chim trên rừng đang tung tăng nhảy nhót giữa đại ngàn.
Chị Y Sương (28 tuổi) – Đội trưởng Đội múa xoang làng Plei Druân là một người đam mê múa hát. Từ nhỏ, vì mê những điệu xoang nên chị thường theo các mẹ, các chị đến nhiều lễ hội để quan sát rồi tự học theo. Lớn lên, chị còn tự học và trau dồi thêm nhiều điệu múa hiện đại. Hiện nay chị phụ trách dạy múa xoang cho các em nhỏ tại làng, thực hiện biên đạo, sáng tạo các điệu múa phục vụ cho mỗi dịp biểu diễn.
Nhìn các em nhỏ trong đội xoang hăng say nhún nhảy với chân trần, vai gầy lắc lư theo nhịp trống, chiêng, chị Y Sương vui vẻ cho biết: “Gần 20 em nhỏ trong đội xoang nhí đều ở độ tuổi thiếu nhi nhưng rất đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là múa xoang. Các em đều lần đầu đi thi nhưng rất tự tin và trình diễn hết mình. Được các già làng tín nhiệm nên tôi sẽ cố gắng truyền đam mê văn hóa truyền thống, đặc biệt là múa xoang cho các em nhỏ”.
Em Y Thy (9 tuổi) – thành viên đội xoang làng Plei Druân, học sinh trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Chim) chia sẻ: “Em tham gia đội chiêng được gần 2 năm và đã thuộc một số bài, động tác khó. Đây là lần đầu tiên đi thi nên em rất hồi hộp, nhưng được mọi người cổ vũ nên em dần lấy lại tự tin và biểu diễn hết mình. Em sẽ cố gắng tập luyện để tham gia biểu diễn ở nhiều lễ hội, cuộc thi hơn nữa”.
Phụ nữ Gia Rai giã gạo mừng lúa mới. Ảnh: H.T
Ở phần trình diễn tái hiện lễ mừng lúa mới, cảnh sinh hoạt đời thường, các già làng, nghệ nhân lớn tuổi của làng Plei Druân tiếp tục tạo ấn tượng cho du khách bởi hình ảnh giản dị, mộc mạc nhưng đậm chất Tây Nguyên. Đó là hình ảnh phụ nữ Gia Rai giã gạo với tiếng chày vang lên đều đều nhịp nhàng đầy duyên dáng, nụ cười trên môi thể hiện niềm vui no ấm, được mùa. Những đôi tay thoăn thoắt đan lát tạo ra những dụng cụ bằng mây tre truyền thống. Tất cả đưa người xem về với không gian làng quê xưa cũ, hiểu thêm về những nét văn hóa độc đáo của người Gia Rai.
Già làng A Hveh (85 tuổi) là nghệ nhân đan lát, làm gùi có tiếng tại làng Plei Druân. Tham gia biểu diễn tại đêm hội, ông A Hveh vui vẻ chia sẻ: “Dù lớn tuổi rồi nhưng khi được vận động, tôi cố gắng tham gia vì mong muốn làm gương cho lớp trẻ trong làng, thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc. Tôi hi vọng sẽ có nhiều cuộc thi như thế này để các nghệ nhân có dịp biểu diễn, giới thiệu đến du khách”.
Phần trình diễn của đội nghệ nhân làng Plei Druân đã đưa khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc. Phần trình diễn kết thúc để lại nhiều sự tiếc nuối cho khán giả. Mọi người cùng vỗ tay chúc mừng, hò reo và nắm chặt tay, chung vòng xoang bên ánh lửa trại, hát vang những điệp khúc truyền thống ngợi ca quê hương, đất nước.
Hoàng Thanh
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/doi-nghe-nhan-lang-plei-druan-gin-giu-van-hoa-truyen-thong-42438.html