28/09/2021 06:07
Chính hạt cơm nếp dẻo dẻo, hương thơm nhẹ mùi sữa quyện với vị cay nồng từ muối chấm đặc trưng của người Thái buộc tôi phải tìm đến nhà anh Lương Văn Nghiệp (thôn 1, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai) để thưởng thức lại món xôi nếp dẻo thơm.
Vẹn nguyên bản sắc
Tôi cảm thấy vinh dự khi được ngồi chung mâm cơm cùng gia đình anh Lương Văn Nghiệp hai lần. Lần gần đây nhất là bữa cơm trong ngày Tết độc lập. Hai lần gặp gỡ ngắn ngủi, tôi đều được thưởng thức và nghe các thành viên trong gia đình kể chuyện xoay quanh món xôi nếp.
Từ lúc lọt lòng đến khi lớn lên, anh Nghiệp đã gắn liền với hương xôi nếp. Xôi nếp gắn bó với anh trong từng bữa cơm, cùng anh cắp sách đến trường hay những lần theo ba mẹ anh lên rẫy. Và rồi, xôi nếp tiếp tục gắn bó với anh nơi núi rừng đất khách.
Rời tỉnh Thanh Hóa vào tỉnh Kon Tum lập nghiệp năm 2014, chàng thanh niên Lương Văn Nghiệp chọn vùng biên huyện Ia H’Drai là quê hương thứ hai để gắn bó. Thuở mới vào, người thanh niên phải tự thân một mình đem theo nguyên liệu, dụng cụ nấu xôi nếp vì không quen ăn cơm gạo tẻ.
Những nét văn hóa đặc trưng của người Thái, Mường vẫn được giữ gìn ở Ia H’Drai. Ảnh: V.T
“Quê tôi ăn xôi nếp thay cơm, hương vị ấy rất đỗi quen thuộc và không dễ thay đổi. Ba tôi là người Thái, còn mẹ tôi là người Mường. Tuy là hai dân tộc khác nhau nhưng có chung cách nấu xôi nếp. Khi xa gia đình, ngoài những thứ cần thiết, gạo nếp và những dụng cụ nấu xôi cũng được tôi đèo bòng vài trăm cây số để tiếp tục duy trì nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình trên vùng đất khách” – anh Nghiệp tâm sự.
Không lâu sau đó, người cha Lương Văn Tâm và người mẹ Lương Thị Yn cũng vào huyện Ia H’Drai để đoàn tụ với cậu con trai Lương Văn Nghiệp. Họ mang theo những phong tục, bản sắc dân tộc Thái, Mường tô đẹp thêm cho nền văn hóa Kon Tum.
Để duy trì món xôi nếp trong từng mâm cơm, gia đình anh Nghiệp đã mang giống lúa nếp từ quê hương mình gieo trồng trên những thửa ruộng vùng biên khô cằn. Và rồi, từng ngày trôi qua, trong căn nhà vách ván nằm ven bờ hồ ấy lại có khói bốc lên quanh quẩn trên mái nhà và mùi hương xôi nếp vẫn tỏa nồng nàn. Không riêng gia đình anh Nghiệp, hầu hết các gia đình người Mường, Thái nhập cư đến đây đều giữ nguyên thói quen ăn xôi nếp mỗi ngày.
Anh Nghiệp thổ lộ: Lúc mới vào lập nghiệp, tôi có mua gạo nếp ở đây về nấu thử, nhưng ăn không quen, phải nhờ người thân ở quê gửi gạo nếp vào. Sau này có đất canh tác, bắt đầu mang giống lúa nếp ngoài quê vào trồng. Giờ đây, diện tích lúa nếp của gia đình được gần 8 sào, mỗi năm thu hoạch được tầm 50 bao. Số gạo nếp thu được chủ yếu để ăn trong một năm, bởi đối với người Thái, Mường chúng tôi, gạo nếp là nguồn sống, là tinh hoa đất trời.
Vương vấn hương vị
Không phải là một người thích xôi nếp, nhưng mùi hương sữa nhè nhẹ vấn vít khắp căn nhà khiến tôi phải nán lại để thưởng thức.
Biết có khách đến chơi Tết độc lập, gia đình anh Nghiệp đã rộn ràng làm mâm cơm nhỏ với nhiều món đặc sản của dân tộc mình. Dù là người Thái hay Mường, cách đồ xôi, các món ăn trong ngày Tết độc lập đều cùng nguyên liệu và có cách chế biến giống nhau.
Để đồ xôi, bà con cho nếp vào hông gỗ rồi đặt lên niêng chứa nước. Ảnh: V.T
Từ sáng sớm, các thành viên trong gia đình đã rộn ràng chuẩn bị. Ngày thường, xôi nếp nấu ra để nguyên màu trắng, nhưng trong các ngày lễ hội, người dân đồ thành xôi nếp ngũ sắc.
Anh Nghiệp cho biết, xôi nếp ngũ sắc gồm 5 màu là đỏ, đen, vàng, xanh, trắng. Các nguyên liệu làm màu được lấy từ củ nghệ, lá cây rừng… Tùy theo tình hình thực tế tại địa phương sẽ không có một số nguyên liệu làm màu, nên người dân thường chỉ nấu một số màu tượng trưng.
Ngồi chăm chú quan sát cùng lời giới thiệu của chủ nhà, tôi cơ bản hiểu được cách đồ xôi nếp thơm ngon. Để đồ xôi, mỗi gia đình đều có 1 chiếc hông, có hình dáng gần giống chiếc gùi người Ba Na, được làm bằng gỗ, rỗng hai đầu, phần đáy hông gỗ có 1 tấm đan bằng cật tre già hoặc cây mây. Tấm đan này có mắt nhỏ để thông khí nóng và giúp giữ gạo trong hông. Tùy theo số lượng người trong gia đình mà người thợ đục, đẽo một chiếc hông gỗ có kích thước phù hợp.
Trước khi bắt tay vào đồ xôi, muốn cơm dẻo, ngon, người nấu phải ngâm nếp khoảng 5-6 tiếng, rồi cho vào hông gỗ, phủ một lớp lá chuối lên mặt, đậy vung lại, sau đó đặt trên chiếc niêng (thường làm bằng đồng) có đủ nước bên trong để đun chín xôi bằng hơi.
Xôi nếp sau khi được đồ chín, mẹ anh Nghiệp đã đổ xôi ra chiếc mâm, vừa đánh tơi hạt, vừa dùng quạt quạt cho bớt nóng. Xôi nếp thưởng thức ngay sẽ được trải ra lá dong, nằm gọn gàng trong mâm cơm. Phần xôi còn lại được bà Yn gói vào “ép khẩu”. “Ép khẩu” là cách gọi của người Thái dành cho một dụng cụ được làm bằng tre, nứa, cây giang… như một giỏ đựng cơm, xôi có phần nắp đậy. Xôi nếp được đựng trong “ép khẩu” sẽ không bị hấp hơi, giữ được độ dẻo của xôi nguyên cả ngày. Đối với người Mường, Thái, xôi nếp và “ép khẩu” là hai thứ luôn gắn liền với nhau, luôn xuất hiện trong bếp, trong từng bữa ăn hằng ngày.
Xôi nếp được gói trong ép khẩu hoặc lá dong sau khi nấu chín. Ảnh: V.T
Để món xôi nếp thêm phần hấp dẫn, anh Nghiệp đã chuẩn bị thêm một số món ăn kèm như thịt heo quay, cá nướng và các loại muối đặc sản. Người Thái thường ăn xôi nếp với muối vừng, muối “chẳm chéo sả” (loại muối được làm từ hạt tiêu rừng, sả…) hay muối “mắc khén” (được làm từ hạt mắc khén).
Nhón nắm xôi nóng hổi chấm vào chén muối “chẳm chéo sả”, mùi tiêu the the nồng nồng vị cay, thơm thơm của lá sả, có thêm chút chua chua vị chanh, sao mà đậm đà đến thế. Thật tuyệt vời!
Ăn một miếng rồi lại ăn thêm miếng nữa. Chính vị dẻo dẻo, ngọt ngọt xôi nếp quyện với vị muối lạ lạ đầy sức quyến rũ khiến tôi vương vấn mãi món xôi nếp của người Thái. Chỉ mong rằng, sau này, nếu có dịp ghé lại nơi đây, tôi lại được thưởng thức hương vị thân thương này.
Chiều về, nắng hanh hao vùng biên dịu hẳn bởi những ngọn gió Thu. Chúng tôi rời ngôi nhà nhỏ trong tiếng chào tạm biệt của những chủ nhà hiếu khách. Tôi cảm thấy mình may mắn vì được thưởng thức thêm một món ăn đặc trưng của đồng bào Thái, Mường và lòng mừng thầm vì xôi nếp vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với bà con nơi miền biên viễn Ia H’Drai.
VĂN TÙNG
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/deo-thom-xoi-nep-nguoi-thai-mien-bien-vien-20516.html