Đất không phụ công người

565

[Tin Kon Tum] –


22/01/2019 13:02


​Ngày 14/10/2018, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ban, ngành liên quan tổ chức Lễ tôn vinh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018. Ông Nguyễn Khắc Phương ở thôn 8, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy là đại diện của tỉnh Kon Tum được vinh danh lần này.

Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự tại ngũ, năm 1989, chàng thanh niên 24 tuổi Nguyễn Khắc Phương rời quê hương Thanh Hóa “đất chật, người đông” vào Tây Nguyên lập nghiệp. Cơ duyên đưa chàng trai trẻ đến làm ăn và sinh sống tại thôn 8, thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Plông cũ, nay là huyện Kon Rẫy).

Thôn 8, thị trấn Đăk Rve khi xưa là một vùng đất có nhiều sỏi đá; đổi lại, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi, phù hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày.

Bắt đầu khởi nghiệp, ông Phương ngày đêm bỏ nhiều công sức, mồ hôi khai hoang đất đai để trồng một số loại cây ngắn ngày như lúa, bắp, mì, đậu, đỗ. Sau đó, ông vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vay mượn thêm anh em, bạn bè để mua giống cà phê, tiêu, cao su trồng trên vùng đất mới này.

Từng năm, từng năm một, ông khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác. Ông tỉ mỉ đi nhặt từng viên đá, hòn sỏi chất vào một nơi để công việc làm đất, trồng cây, làm cỏ, bón phân, tưới nước, chăm sóc cho cây trồng dễ dàng hơn. Cần mẫn, ông vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thất bại rồi lại học hỏi, cứ thế vươn lên, không ngại khó, ngại khổ.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, “kiến tha lâu sẽ đầy tổ”, từ 1ha cà phê ban đầu, đến nay, ông đã có 4ha và mở rộng thêm 3ha diện tích cây tiêu. Ngoài ra, ông Phương còn sở hữu hơn 3ha cao su cùng 1ha ruộng lúa nước, ao cá…


Đất không phụ công người
Ông Phương chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: Q.Đ

 

Nắm bắt được xu hướng phát triển ở Tây Nguyên là các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu, cao su, bước đầu, ông Phương đầu tư 1ha cà phê và 1ha tiêu. Để nâng cao kiến thức nông nghiệp, ông Phương đăng ký tham gia nhiều lớp tập huấn khuyến nông do xã, huyện, tỉnh tổ chức. Mặt khác, ông còn hăng hái tham gia các đoàn đi học tập kinh nghiệm các mô hình làm kinh tế giỏi của nông dân trong tỉnh và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Không những thế, ông còn tự thực hiện những chuyến đi học tập kinh nghiệm làm ăn, những cách làm mới; học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây cà phê, hồ tiêu, cao su của nông dân các tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk. Đi đến đâu, thấy các mô hình sản xuất hiệu quả là ông ghi chép tỉ mỉ. Bên cạnh đó, ông còn học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, truyền hình, internet để có thêm kiến thức về nông nghiệp.

Tâm sự với chúng tôi, ông Phương nói: Hiện tại, toàn bộ diện tích cà phê, hồ tiêu của tôi đều được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm như hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tưới béc. Còn phân bón, tôi tiến hành ủ phân vi sinh thay cho phân hóa học để giữ được độ bền của đất, tránh sâu bệnh lây nhiễm. Thật ra, toàn bộ kinh nghiệm này, tôi học được từ những chuyến đi, học ở sách báo, từ truyền hình và internet, được đúc kết từ những bài học thực tế và sau nhiều lần thất bại…

Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, ông không phó mặc công việc cho máy móc mà tiến hành lồng ghép giữa sức người và sức máy. Chính vì quá trình lồng ghép này đã mang lại hiệu quả khá cao. Với 4ha cà phê, mỗi năm, ông thu hoạch trên 27 tấn cà phê nhân, bán ra thu gần 1 tỷ đồng. Với 3ha hồ tiêu (trong đó có 50% diện tích đang cho thu hoạch và 50% diện tích đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản), mỗi năm thu hoạch được 8 tấn tiêu khô, doanh thu gần 500 triệu đồng.

Ngoài ra, nguồn thu nhập từ cao su với sản lượng 32 tấn mủ thô/năm, cây ăn quả, ao cá… mang lại cho gia đình ông một khoản thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Tùy theo sự biến động của giá cả thị trường, có lúc lên lúc xuống, trung bình mỗi năm, ông Phương đã thu về gần 1,8 tỷ đồng.

Qua 30 năm cần cù chịu khó làm ăn, biết cách tính toán, chi tiêu hợp lý, dành tiền để tái đầu tư mở rộng sản xuất, đến nay, ngoài trang trại kinh tế khép kín với 11ha đất trồng cây cao su, hồ tiêu, cà phê, lúa nước, cây ăn quả, ao cá, ông Phương còn xây dựng được nhà cửa khang trang; mua sắm đầy đủ các dụng cụ sinh hoạt, phương tiện đi lại cho các thành viên trong gia đình; mua sắm đầy đủ máy móc và nông cụ phục vụ cho sản xuất; con cái được học hành đến nơi đến chốn…

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Phương còn tạo việc làm thường xuyên từ 5-7 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/tháng/người; giải quyết việc làm mùa vụ cho trên 20 người với mức thu nhập từ 200.000-250.000 đồng/người/ngày.

Ngoài ra, ông còn giúp vốn, kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, chỉ dẫn cách tính toán đầu tư và chi tiêu hợp lý, nhờ đó đã tạo điều kiện, giúp đỡ trên 10 hộ nghèo ở địa phương thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, ông Phương còn đóng góp nhiều khoản kinh phí cho các quỹ xã hội từ thiện, ủng hộ tiền cho địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; gương mẫu đi đầu các phong trào thi đua yêu nước; chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với những thành tích đạt được, ông Phương nhiều lần được các cấp Hội Nông dân khen thưởng. Cụ thể, từ năm 2007-2018, ông Phương liên tục được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương. Nhiều năm liền, ông được UBND thị trấn, UBND huyện tặng giấy khen; được UBND tỉnh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen. Đặc biệt năm 2012, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen Nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương.

Nói về “tấm gương sáng” của ông Nguyễn Khắc Phương, ông A Thi – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kon Rẫy cho rằng, sự sáng tạo, tính cần cù, chịu khó của những người nông dân như ông Phương đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh; đồng thời, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ về “Mẫu hình người nông dân mới” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thảo Nguyên