Cụ ông 90 tuổi mê làm từ thiện

529

Ở tuổi 90, cụ Lưu Bình (tổ 1, phường Quyết Thắng, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) hàng ngày vẫn đạp xe khắp các con phố để bán đậu phộng. Số tiền kiếm được, cụ mua gạo, bánh mì cho người nghèo, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho những những mảnh đời khó khăn. Công việc này cụ làm hơn 20 năm nay và sẽ tiếp tục duy trì đến khi còn có thể.

Cụ Bình đạp xe đi bán đậu phộng để kiếm tiền làm từ thiện

Cụ Bình đạp xe đi bán đậu phộng để kiếm tiền làm từ thiện

Bán đậu giúp người nghèo

“Căn nhà cụ Bình nằm ngay khúc cua của con phố, phía trước có mấy cây to. Trước hiên nhà có máy rang và chiếc xe đạp cà tàng dựng sẵn”, một người dân tổ 1, phường Quyết Thắng trả lời khi nghe tôi hỏi đường đến nhà cụ Bình. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà cụ. Cụ Bình có gương mặt phúc hậu, giọng nói ấm áp và vẫn mạnh khỏe dù đã 90 tuổi. Cụ đang cho đậu vào túi rồi dán miệng túi lại. “Mẻ đậu này đã được rang và để nguội, tôi cho vào túi để tối mang đi bán”, cụ nói. Chúng tôi thắc mắc sao cụ tuổi cao mà vẫn đi làm khổ cực, cụ cười đáp: “Tôi ở với con trai. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt, chi tiêu con tôi lo cho hết, không cần làm gì cả. Nhưng tôi thích đi vì muốn kiếm thêm ít thu nhập để giúp đỡ cho người khó khăn hơn mình. Tiền bán đậu, tôi dùng hết để giúp người khó, con tôi chẳng bao giờ hỏi tới, thậm chí còn cho thêm”.

Rồi cụ kể về cơ duyên làm từ thiện của mình. Hơn 20 năm trước, cụ Bình làm nông nghiệp. Công việc đòi hỏi nhiều sức khỏe, nhưng vào lúc đó, sức khỏe cụ không tốt nên cụ chuyển qua đi bán đậu phộng dạo. Cứ sáng sáng, cụ mua đậu về rang, chiều lại đạp xe rong ruổi hàng chục kilômét trên các ngả đường, quán nhậu, quán ăn, cà phê ở TP Kon Tum để bán, đến khuya mới về nhà. “Những lúc đi bán, tôi được tiếp xúc với nhiều người và thấy có nhiều mảnh đời còn khó khăn. Chứng kiến những cảnh ấy, tôi rất buồn. Lương tâm tôi cứ thôi thúc phải làm chút gì đó để giúp đỡ những người kém may mắn”. Rồi cụ bắt đầu làm việc từ thiện bằng những hành động âm thầm ít ai biết. Số tiền ngày đêm đội mưa, đội nắng đi bán đậu tích cóp được, cụ nhắm đến ai khó khăn thực sự và tìm đến tận nơi để giúp đỡ. Đó là những người nghèo không may bị tai nạn, hay những người đang cần tiền chữa bệnh, thuốc men…

Cách đây khoảng 7 năm, thấy nhiều người vào bệnh viện có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí không đủ tiền mua thức ăn, cụ Bình nảy sinh ý định làm tủ bánh mì từ thiện để huy động thêm nhiều người tham gia. Cụ bỏ tiền thuê đóng một tủ kính rồi đặt gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Hàng ngày, cụ mua khoảng 100 ổ bánh mì, cho vào tủ để bệnh nhân nghèo sử dụng. “Chứng kiến bệnh nhân và người nhà ăn ngon lành, tôi hạnh phúc vô cùng và duy trì nó 6 năm liền. Mạnh thường quân thấy việc làm có ích nên họ cũng tham gia ủng hộ bánh mì. Một năm trở lại đây, tôi chuyển qua mua gạo cho bếp cơm từ thiện ở gần bệnh viện. Tầm 2-3 ngày, tôi lại ra tiệm mua 10kg gạo rồi chở đến bếp cơm”, cụ Bình chia sẻ.

Chỉ tay vào máy rang đậu tự chế và chiếc xe đạp cũ kỹ đang để trước hiên nhà, cụ Bình bảo đó là “bửu bối” giúp cụ làm ra tiền để duy trì công việc giúp đỡ người khó trong 20 năm qua. “Máy rang giúp tôi rang nhanh và tiết kiệm chi phí, còn xe đạp giúp tôi di chuyển và đỡ mệt hơn so với đi bộ. Tính ra nhờ có chúng mà trung bình mỗi ngày tôi bán được 500.000 đồng, trừ mọi chi phí, lời khoảng 200.000 đồng. Số tiền trên, tôi chi hết cho việc giúp đỡ người nghèo bằng nhiều hình thức khác nhau”, cụ Bình nói thêm.

Còn nhiều người tốt khác

Trong lúc kể chuyện, cụ Bình bảo, cụ phải mang gạo qua ủng hộ bếp cơm từ thiện. Chúng tôi xin đi theo phụ một tay giúp cụ. Đạp xe chừng 5 phút, chúng tôi dừng chân tại tiệm gạo trên đường Phan Đình Phùng, TP Kon Tum. Bà Hà Thị Phúc (chủ tiệm) tươi cười chào hỏi cụ Bình với vẻ gần gũi, thân tình, rồi nói nhân viên chuyển bao gạo 10kg ra cho cụ. Trong lúc cụ Bình nhận gạo, chúng tôi hỏi chuyện bà Phúc, bà nói: “Cụ Bình là người tốt, cũng là khách quen của tiệm nhiều năm qua. Cụ mua gạo để ủng hộ người nghèo, bữa ít 10kg, khi nhiều thì cả tạ. Có bữa cụ tự chở, khi bận thì cụ nhờ tiệm chở qua. Cụ đúng là người có tấm lòng vàng, tôi rất quý mến cụ”.

Tới địa chỉ 370 Bà Triệu, TP Kon Tum, nơi đặt bếp cơm từ thiện (cạnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum), cụ Bình xuống xe. Thấy cụ, bà Hồ Hoàn Như Hảo, quản lý bếp cơm từ thiện bước ra, mở cửa bếp cơm cho cụ Bình mang gạo vào. Công việc có vẻ rất quen thuộc với cả 2 ông bà. “Cụ Bình không xa lạ đâu. Cụ mang gạo đến ủng hộ cho bếp cơm cả năm nay rồi. Trước đây, cụ cũng là người đầu tiên đặt tủ bánh mì từ thiện ở đây, còn tôi trực tiếp phát bánh cho người nghèo. Cụ đã già, nhưng hiếm ai được như cụ”, bà Hảo nói.

20 năm bán đậu, cụ Bình không nhớ số tiền mình ủng hộ là bao nhiêu, không nhớ đã giúp đỡ bao nhiêu người. Cụ chỉ nhớ những người đồng hành cùng cụ trong công việc bán đậu làm từ thiện, cụ gọi họ là “những người tốt khác”. Đó là con trai cụ, thấy cha vất vả rang đậu đã chế cho cha chiếc máy rang; là chủ tiệm bánh mì bớt tiền cho cụ để cùng ủng hộ người bệnh; là các mạnh thường quân tham gia hỗ trợ công việc từ thiện của cụ; là những khách hàng ở các quán nhậu, quán ăn hay tiệm cà phê mua đậu của cụ, sẵn sàng trả gấp 5 lần tiền để cụ có thêm chi phí làm việc thiện. “Tôi đã già, có những lúc đi bán cũng mệt lắm, nhưng nhờ sự chia sẻ, động viên và tin tưởng của những người tốt mà tôi gặp, đã tiếp thêm động lực cho tôi tiếp tục công việc của mình. Tôi cũng thấy mình vui hơn, hạnh phúc hơn khi giúp được ai đó. Tôi sẽ tiếp tục bán đậu làm từ thiện cho đến khi tôi không còn sức nữa”, cụ Bình tâm sự.

Việc làm rất đáng tuyên dương

Bà Phạm Thị Tố Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng, TP Kon Tum, cho biết cụ Bình sống với con trai, kinh tế chỉ ở mức trung bình. Việc cụ bán đậu phộng làm từ thiện thì phường và nhiều người dân đều biết. Nhiều người biết việc làm tốt đẹp của cụ nên gặp cụ là mua ủng hộ.

Ngoài ra, cụ Bình cũng có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội. Hàng năm, vào các dịp lễ, cụ ủng hộ nhiều suất quà để tặng cho hộ nghèo của phường. Việc làm của cụ rất đáng tuyên dương.

HỮU PHÚC