Con đường thoát nghèo của A Thiuh

455


26/11/2018 17:00


​Không cam chịu với nghèo khó, ông A Thiuh ở thôn Khúc Na (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn để tăng gia sản xuất và gặt hái thành công ngay trên mảnh đất quê hương. Tháng 10 vừa qua, ông đã vinh dự là 1 trong 2 hộ thoát nghèo tiêu biểu của tỉnh Kon Tum tham dự Hội nghị biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo toàn quốc giai đoạn 2016-2020, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Chúng tôi về xã Sa Bình (huyện Sa Thầy), hỏi thăm đường đến nhà ông A Thiuh ở thôn Khúc Na, bà con ở khu dân cư nhiệt tình chỉ đường với lời giới thiệu: Ông đấy làm kinh tế giỏi lắm, giờ đã được bà con bầu chọn làm trưởng thôn Khúc Na, với nhiều hy vọng giúp các hộ khác biết cách làm ăn, sớm thoát nghèo.

Đón khách trong khuôn viên căn nhà cấp 4 khang trang, sạch sẽ nổi bật ở cuối con đường vào thôn, ông A Thiuh đã kể hành trình vượt nghèo để trở thành hộ khá như hôm nay.

Năm 1994, ông lập gia đình với 3 sào đất ruộng của bố mẹ tặng làm quà cưới. Lúc ấy, vợ chồng ông chọn trồng cây lúa để có cái ăn trước mắt. A Thiuh còn chịu khó đi làm thuê để tăng thu nhập, phụ giúp vợ trang trải cuộc sống. Các năm đầu ở riêng, vợ ông lần lượt sinh 3 người con gái, trai có đủ, nhưng về kinh tế, ông buộc “cày” để có tiền chi phí chăm sóc, lo ăn học cho các con nhỏ, sắm sửa đồ đạc trong nhà. Lúc này, gánh nặng mưu sinh càng dồn về phía ông. “Nhiều năm kế tiếp, có thời điểm giáp mùa, vườn nhà không có cây trái gì, tôi phải đi xuống tận thành phố Kon Tum làm thuê, lúc khác tranh thủ lên rẫy của người quen mót từng củ mì, củ khoai, trái bắp mang về làm lương thực cho cả nhà”, A Thiuh nhớ lại.

Đến năm 2000, thấy hoàn cảnh gia đình ông quá khó khăn, nhà đông nhân khẩu, đất sản xuất quá ít và thiếu nguồn vốn làm ăn, nên UBND xã Sa Bình đã giới thiệu A Thiuh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Có nguồn vốn vay được 20 triệu đồng, ông đã mua bò 1 cặp bò mẹ con với mong ước gây dựng đàn gia súc cho gia đình. Hai vợ chồng vừa đi làm thuê, vừa chăn gia súc tích cực. Riêng đất ruộng, A Thiuh chuyển sang trồng cây bời lời.

Chăm chỉ làm ăn, ông cố gắng dành dụm trả hết nợ ngân hàng trong 3 năm sau (2001-2003). Riêng đàn bò, ông chăm sóc cẩn thận, tiêm phòng đúng định kỳ, chăn thả hàng ngày ở những quả đồi lớn quanh xã Sa Bình. Đến năm 2008, đàn bò gia đình ông tăng lên 7 con, bán được gần 100 triệu đồng. Ông đã dùng số tiền này, mua 1 ha đất đồi của bà con để trồng cây mì cao sản. Miệt mài chăm sóc cây trồng quanh năm, vợ chồng ông còn gửi các con nhỏ cho ông bà nội ngoại để đi làm thuê trong làng, rồi lên thị trấn Sa Thầy, xuống thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum)… Nhờ thế, gia đình không phải thiếu đói như trước, nhưng chưa thoát nghèo.

Tuy nhiên, năm 2009, sau cơn bão số 9, mì chưa kịp thu hoạch gặp bão lũ, nhà cửa bị đổ sụp, cộng thêm cuộc sống khó khăn, các con đang ở tuổi ăn học, gia đình ông lại rơi vào cảnh trắng tay, nghèo khó lại quay về.

Đầu năm 2010, thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Thiuh, các hộ trong thôn Khúc Na lại thống nhất cho ông tham gia mô hình giảm nghèo ở địa phương, với việc ưu tiên được tặng 1 con bò sinh sản và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn  vay Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chuyển đổi 1 ha trồng mì sang trồng cây cao su.

Những ngày tháng gây dựng lại cơ nghiệp, vợ chồng người nông dân này được tham gia các lớp học về truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc vườn cây cao su, chăm sóc gia súc do UBND xã Sa Bình phối hợp với các phòng, ban, đơn vị chuyên môn ở huyện Sa Thầy tổ chức.   


Con đường thoát nghèo của A Thiuh
A Thiuh (đứng bên phải) bên vườn cao su đang cho thu hoạch mủ. Ảnh: M.T

 

Ông tâm sự, may mắn là trời đất không phụ công của người siêng năng, thời điểm chăm trồng mới vườn cao su, tôi quay sang đi làm thuê và đưa vào khai thác 3 sào bời lời sau 7 năm trồng. Vợ cũng siêng năng theo chồng, làm chuồng nuôi heo hướng nạc; chăn thả 30-50 con gà trong vườn nhà và chăm sóc bò giống của dự án rất tích cực. Giai đoạn 2010 – 2015, gia đình tôi trừ chi phí sinh hoạt, cho tích lũy khoảng 80 triệu đồng/năm.

Kinh tế gia đình ngày càng tốt hơn, ông Thiuh sử dụng nguồn tài chính tích lũy được xây dựng lại nhà mới khang trang hơn, chăm lo cho các con ăn học. Năm 2015, từ nguồn tiết kiệm cộng với vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh gần 300 triệu đồng , ông mua thêm 2 ha đất đã trồng cao su (5 tuổi) trong thôn Khúc Na, nâng diện tích cao su và bời lời của gia đình lên 3,3 ha. Đến nay, gia đình ông đưa tất cả diện tích cây trồng này vào khai thác, cho thu nhập ổn định khoảng 350 triệu đồng/năm. Đàn bò của dự án giảm nghèo tặng cho gia đình A Thiuh được chăm sóc, phát triển lên 7 con.

Ông cho biết, năm 2017, gia đình đã quyết định bán hết đàn bò để trả hết nợ vay và thoát khỏi hộ nghèo. Ngoài làm kinh tế cho gia đình, ông còn giáo dục, động viên 3 người con đến trường học khá, thi đỗ cao đẳng, đại học và tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ổn định. A Thiuh còn là hội viên nông dân gương mẫu, tham gia giúp đỡ người dân trong thôn, nhất là việc sẵn sàng đổi công,  hướng dẫn, truyền kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con…Qua đó, giúp 5 hộ khác tạo điều kiện thoát nghèo. Đặc biệt, ông  được bà con tín nhiệm bầu là trưởng thôn Khúc Na vào năm 2017.

Gương sáng phấn đấu thoát nghèo của A Thiuh đã được UBND huyện Sa Thầy, UBND tỉnh tuyên dương. Tháng 10/2018, gia đình ông đã được Sở LĐ-TB&XH chọn là 1 trong 2 hộ thoát nghèo tiêu biểu của tỉnh Kon Tum tham dự Hội nghị biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2016-2020 tại Hà Nội.   

 Mai Trâm

Đi đến nguồn bài viết