Cô giáo người Rơ Ngao hết lòng với học trò

39

baokontum.com.vn

20/11/2023 15:13

Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, cô giáo trẻ Y Lầu (33 tuổi) ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Đăk Pne (xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy) luôn yêu nghề, bám làng, trường lớp để mang con chữ đến các em học sinh. Với sự nỗ lực của mình, cô luôn được đồng nghiệp quý trọng, các em học sinh dành nhiều tình cảm yêu thương.

Chúng tôi về thăm điểm trường chính của Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Đăk Pne tại thôn 2 (xã Đăk Pne) trong những tiết học buổi chiều. Từ xa, đã vang vọng tiếng giảng bài, tập đọc của cô và trò, tạo nên một không khí học tập vui vẻ, phấn khởi.

Do có hẹn trước  nên cô Y Lầu tranh thủ dạy cho xong bài học còn dang dở để tiếp chúng tôi. Trò chuyện với cô, chúng tôi có cảm giác thân thiện, nhẹ nhàng, gần gũi. Đặc biệt khi chia sẻ về chuyện trường, lớp, cô càng thêm hào hứng và nụ cười luôn nở trên môi.

171946C%C3%B4%20gi%C3%A1o%20Y%20L%E1%BA%A7u%20lu%C3%B4n%20linh%20ho%E1%BA%A1t,%20s%C3%A1ng%20t%E1%BA%A1o%20trong%20ph%C6%B0%C6%A1ng%20ph%C3%A1p%20d%E1%BA%A1y%20h%E1%BB%8Dc,%20lu%C3%B4n%20l%E1%BA%A5y%20h%E1%BB%8Dc%20sinh%20l%C3%A0m%20trung%20t%C3%A2m

Cô Y Lầu hướng dẫn các em tập đọc. Ảnh: H.T

 

Cô Y Lầu kể rằng, cô là người dân tộc Ba Na (nhánh Rơ Ngao), sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Đăk Bla (thành phố Kon Tum). Ngay từ nhỏ, cô rất thích đi học và ấp ủ ước mơ được đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho con em đồng bào mình. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp xong cấp 3, cô không đắn đo nhiều mà chọn thi vào ngành Giáo dục Tiểu học tại trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum. Tốt nghiệp ra trường vào năm 2013, cô được nhận và phân công về dạy tại điểm trường chính của Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Đăk Pne và gắn bó đến tận bây giờ.

Nhớ lại quãng thời gian mới về trường, cô Y Lầu cho biết rằng, dù khó khăn nhưng cô vẫn không nề hà bất cứ việc gì. Ngoài việc dạy trên lớp, cô còn thường xuyên lội suối, băng rừng, lên rẫy để vận động các em đến lớp. Chính những khó khăn đã tiếp thêm cho cô động lực và niềm tin trên con đường “truyền lửa” cho các em học sinh nghèo.

Cô Y Lầu kể, ngày ấy, người DTTS nơi đây còn nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí thấp nên họ thường không ủng hộ con em tới trường và bắt phải lên rẫy, rừng ở lại nhiều ngày để lao động kiếm sống. Mặt khác, do giao thông đi lại khó khăn, địa bàn cách trở, nhiều em học sinh đam mê học tập cũng thường xuyên  nghỉ học vì lí do thời tiết, mưa gió, phải phụ giúp gia đình khi đến mùa thu hoạch. Đội ngũ giáo viên trong trường phải rất vất vả, kiên trì để đến tận nhà gặp gỡ, vận động các em đến lớp.

“Giờ đây mọi thứ đã ổn định, cơ sở vật chất, hạ tầng giáo dục đã được đầu tư, đồng bộ đáp ứng thuận lợi việc dạy học, khi nhớ về những kỷ niệm một thời gian khó càng cho tôi thêm động lực để gắn bó và yêu nghề hơn”- cô Y Lầu chia sẻ.

172014M%E1%BB%99t%20ti%E1%BA%BFt%20d%E1%BA%A1y%20c%E1%BB%A7a%20c%C3%B4%20gi%C3%A1o%20Y%20L%E1%BA%A7u

Một tiết dạy của cô giáo Y Lầu. Ảnh: HT

 

Quá trình công tác tại trường nhiều năm, cô giáo Y Lầu không ngừng phấn đấu, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, có những phương pháp giảng dạy dễ hiểu, giúp học sinh nắm chắc kiến thức. Cô luôn thiết kế giáo án, bài giảng một cách sáng tạo, lồng ghép các hoạt động để tạo hứng thú, kích thích các em học bài, ôn bài. Ngoài giờ học, cô luôn gần gũi, trò chuyện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từng em trong lớp, qua đó có những chia sẻ và giúp đỡ kịp thời, tránh để các em bị “thụt lùi” so với các bạn khác.

Bên cạnh công việc giảng dạy, cô còn tích cực tham gia các hoạt động, cuộc thi của nhà trường. Từng là Phó Bí thư đoàn trường, cô giáo Y Lầu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động phong trào, tham gia tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, tạo sự gắn kết cho cán bộ, giáo viên của nhà trường và khơi dậy niềm đam mê học tập cho các em học sinh.

Trong hơn 10 năm công tác, cống hiến, cô Y Lầu đã được ngành giáo dục và tập thể nhà trường ghi nhận, tặng nhiều bằng khen, giấy khen trong công tác chuyên môn và các hoạt động khác. Cô Y Lầu là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là chiến sĩ thi đua cơ sở.

Cô Y Lầu chia sẻ: “Tôi rất biết ơn vì luôn nhận được sự quan tâm, yêu mến của đồng nghiệp, phụ huynh và các em học sinh. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục tại vùng khó”.

Cô giáo Nguyễn Thị Đào Diễn – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Đăk Pne cho biết: “Là trường học nằm tại địa bàn vùng sâu vùng xa, phần lớn là các em học sinh DTTS nên gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong các điều kiện học tập, giảng dạy. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, địa phương, các điểm trường giờ đây đã được trang bị cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Có được kết quả này phải kể đến sự nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của cô giáo Y Lầu, là tấm gương sáng cho đồng nghiệp và các em học sinh noi theo”.

Hoàng Thanh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/net-dep-doi-thuong/co-giao-nguoi-ro-ngao-het-long-voi-hoc-tro-33927.html