Chủ động ứng phó hoàn lưu bão số 6 gây mưa lớn kéo dài

2

baotintuc.vn
Chú thích ảnh
Hỗ trợ ngư dân bảo vệ tàu thuyền. Ảnh: TTXVN phát

Từ nay đến hết đêm 28/10, khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150 – 250mm, cục bộ có nơi trên 400mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100mm trong 3 giờ. Khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 70 – 150mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

Lũ một số sông vượt báo động 3; theo dõi sát bão Kong-rey

Tối 27/10, Trưởng phòng Dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết, do có mưa rất lớn ở khu vực Trung Bộ nên nước trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đang dâng lên rất nhanh. Trong chiều 27/10, mực nước trên sông Kiến Giang tại Quảng Bình đã vượt mức báo động 3 là 0,5m; các sông ở Quảng Trị ở mức báo động 2, báo động 3, một số sông vượt báo động 3; các sông ở Thừa Thiên – Huế đã lên mức báo động 2, đặc biệt là sông Hương.

Tình trạng ngập lụt đã xảy ra tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình); các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Một số huyện tại tỉnh Thừa Thiên – Huế diễn ra tình trạng ngập lụt như: Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà, thành phố Huế.

Dự báo, trong 12 giờ, lũ trên các sông ở phía Nam Quảng Bình, đặc biệt là sông Thạch Hãn (Quảng Trị) tiếp tục lên và dao động ở mức báo động 3 và trên báo động 3. Do đó, tình trạng ngập lụt sẽ tiếp tục kéo dài tại các khu vực trên trong 12 – 24 giờ tới, sau đó giảm dần, ông Phùng Tiến Dũng lưu ý.

Thông tin về cơn bão Kong-rey đang xuất hiện ở phía Đông đảo Luzon (Philippines), Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Vũ Anh Tuấn cho biết, lúc 13 giờ ngày 27/10, bão Kong-rey cách bờ khoảng1000 km, cường độ có xu hướng mạnh thêm.

Cùng với đó, bão  tiếp tục di chuyển về phía Tây (lệch về phía phải). Tuy nhiên thông tin thu nhận được gần đây cho thấy, bão Kong-rey có xu hướng lệch trái và có khả năng đi thấp hơn so với dự kiến ban đầu. Do vậy, không loại trừ khả năng bão Kong-rey sẽ tiếp cận vào khu vực Biển Đông. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đang theo dõi sát sao diễn biến cơn bão này.

Chủ động ứng phó với thiên tai 

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, đến 18 giờ ngày 27/10, bão số 6 gây mưa lớn đã gây thiệt hại tại một số địa phương. Trong đó có 1 người mất tích tại Quảng Bình (bị nước cuốn khi làm nhiệm vụ cứu hộ); 2 người thiệt mạng ở Thừa Thiên – Huế (bị nước cuốn trôi); 290 nhà tốc mái, hư hỏng (Thừa Thiên – Huế 210, Quảng Nam 18, Đà Nẵng 62).

Tại Thừa Thiên – Huế, sáng 27/10, sóng biển dữ dội đã đánh mạnh sâu trong đất liền khu vực bãi tắm du lịch Thuận An ở thành phố Huế khiến nước biển tràn ngập những tuyến đường phía trong khu dân cư, gây ngập cục bộ từ 30 – 40cm. Riêng tại xã Hải Dương (thành phố Huế) có những vị trí thấp trũng ngập cục bộ đến 1m. Sạt lở 1.000m bờ biển đoạn giáp ranh xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, thành phố Huế. Gió lớn cũng làm nhiều cây xanh ven biển và ở một số tuyến đường của thành phố Huế gãy đổ.

Lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương di dời khoảng 160 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu ở những vị trí ngập của phường Thuận An đến nơi tránh trú an toàn. Ở các địa phương ven biển khác, chính quyền địa phương đang rà soát để tiếp tục di dời người dân. Đồng thời, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu người dân không được ra đường từ 7 giờ ngày 27/10 (trừ các trường hợp làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt) cho đến khi có thông báo mới, đặt biển cấm đường không cho người dân qua lại khu vực nêu trên. 

Sáng 27/10, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định thành lập Ban chỉ huy tiền phương thành phố Đà Nẵng ứng phó với cơn bão số 6 và mưa lớn do bão do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh làm Trưởng Ban. Các đơn vị chức năng đã di dời 1.677 hộ dân, với 6.205 nhân khẩu ở khu vực nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng điều 4 xe thiết giáp của Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 699 để chuẩn bị làm nhiệm vụ. UBND thành phố Đà Nẵng đã khuyến cáo người dân hạn chế ra đường từ 10 giờ sáng 27/10.

Tại tỉnh Quảng Nam, sáng 27/10, các lực lượng chức năng tập trung rà soát, di dời  người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Toàn tỉnh có hơn 4.400 hộ với hơn 18.000 nhân khẩu của các địa phương: Duy Xuyên, Phước Sơn, Đại Lộc, Hiệp Đức, Tam Kỳ, Tiên Phước, Hội An, Nam Trà My, Phú Ninh được di dời. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp di dời 210 hộ/836 nhân khẩu của các xã Tr’Hy, Ga Ry, Ch’ơm ở huyện Tây Giang có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn… Tỉnh triển khai nhiều đoàn công tác đến các địa phương ven biển, trực tiếp chỉ đảo việc phòng, chống bão, đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. 

Tỉnh Quảng Bình có một số điểm trên QL9B, QL9C, QL15, ĐT 558B bị ngập sâu, lực lượng chức năng đã lập rào chắn cấm xe.

Ở Quảng Trị, mưa lớn đã 6 gây ngập lụt ở một số địa phương. Một số vị trí ngầm tràn trên các tuyến đường như QL15, ĐT 571, ĐT 586, ĐT 587, ĐT 588A bị ngập sâu gây ách tắc giao thông. Huyện Hướng Hóa 3 ngầm bị ngập từ  0,3 – 0,5m gây chia cắt gồm: Thôn Loa, Thôn Hùn thuộc xã Ba Tầng, Húc – Pa Lu thuộc xã Lìa. Tại các điểm ngập sâu bị chia cắt, lực lượng chức năng triển khai canh gác, lập rào chắn không cho người và phương tiện qua lại. Thị xã Quảng Trị xảy ra xói lở, ngập úng ở một số tuyến đường. Nhiều xã tại huyện Vĩnh Linh, bị ngập cục bộ do nước sông lên nhanh khiến gần 18.000 khách hàng bị mất điện. Tại huyện Gio Linh, 4 quán tại bãi tắm ở xã Gio Hải bị sập và đổ hoàn toàn; đoạn kè bờ biển đang thi công bị sạt lở.

Để ứng phó với mưa lớn, tỉnh dự kiến cần sơ tán tránh ngập lũ trên báo động 3 gồm 9.012 hộ với 35.159 nhân khẩu; sơ tán dân tránh lũ quét gồm 2.393 hộ với 9.683 nhân khẩu tại 36 xã thuộc các huyện, thị: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà; sơ tán di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất gồm 1.295 hộ với 5.924 nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh và Vĩnh Linh. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở; nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ. Vận động người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 – 10 ngày để chủ động ứng phó với mưa lũ kéo dài.

Các địa phương ở Quảng Ngãi dã cắt tỉa cây xanh tại khu vực trung tâm; kiểm tra và khoanh vùng, cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực ngầm tràn, điểm công trình có nguy cơ ngã đổ…; giúp nhân dân gia cố, chằng chống nhà cửa. Các địa phương cơ bản đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết…

Trước diễn biến của bão số 6 và hoàn lưu bão, 4 sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên – Huế) , Đồng Hới (Quảng Bình), Chu Lai (Quảng Nam) đã dừng hoạt động.

Để tiếp tục ứng phó với hoàn lưu bão, mưa lớn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, các đài khí tượng thuỷ văn tiếp tục cập nhật lượng mưa, đưa ra cảnh báo cụ thể hơn cho người dân về khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở. Bộ Quốc phòng phối hợp, hỗ trợ các địa phương khẩn trương dùng flycam bay kiểm tra, rà soát, phát hiện các vết nứt lớn, kéo dài tại những vùng có nguy cơ sạt lở do mưa lớn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nắm chắc thông tin lưu lượng nước tại các hồ, bổ sung dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, địa phương để điều tiết kịp thời, “không được để xảy ra tình trạng tất cả các hồ đều phải xả nước để bảo đảm an toàn”.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp điện lực, viễn thông phối hợp chặt chẽ với địa phương để duy trì giao thông liên lạc, kết nối thông tin, chỉ đạo điều hành thông suốt…


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/xa-hoi/chu-dong-ung-pho-hoan-luu-bao-so-6-gay-mua-lon-keo-dai-20241027194453233.htm