Cô giáo hết lòng vì học sinh vùng khó

58
Năm học 2021-2022, cô Lê Thị Thao – giáo viên trường Tiểu học Đăk Tờ Kan (xã Đăk Tờ Kan – huyện Tu Mơ Rông – Kon Tum) dạy và chủ nhiệm lớp 1A, với 27 học sinh. Duy Hà là học sinh mà cô nhớ nhất bởi không ít lần cô phải đến tận nhà vận động em tới trường.
cg

Bố Hà mất sớm, mẹ đi bước nữa tìm hạnh phúc mới. Hà ở nhà cùng ông bà lớn tuổi, ít quan tâm tới việc học của cháu. Hà luôn cảm thấy mặc cảm vì không có bố mẹ, mỗi khi ai nhắc về gia đình, em lại cúi mặt xuống bàn và khóc. Không có ai đưa đón đến trường, bữa ăn Hà cũng phải tự lo. Từ hoàn cảnh gia đình như vậy mà Hà không thường xuyên đến lớp học.

Khoảng thời gian đầu năm học, em phải ở nhà phụ giúp gia đình, theo cậu kiếm miếng ăn. Cô Thao đã đến gia đình vận động em đi học. Tuy nhiên ông bà không hiểu tiếng phổ thông nên việc thuyết phục gặp rất nhiều khó khăn. Là cô giáo từ thị trấn xuống xã Đăk Tờ Can công tác, cô cũng không rành tiếng địa phương. Năm bảy lần xuống thuyết phục gia đình, cô giáo phải nhờ các thầy cô biết tiếng dân tộc để trao đổi với ông bà.

Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của học sinh, cô Thao nắm được tâm lý và mong muốn của Duy Hà. Cô chủ động lấy cặp sách của con em mình, xin thêm của mọi người xung quanh để cho học sinh có động lực đến trường, đến lớp. Những món quà nhỏ của cô đã giúp Hà có niềm tin đến lớp đều đặn, tiếp thu kiến thức. Đến nay em đã đi học vui vẻ cùng các bạn, là một học sinh chăm ngoan, học tốt và không còn tự ti về hoàn cảnh gia đình nữa.

Ngoài thời gian dạy trên lớp, cô Thao luôn dành thời gian đi vận động các em nghỉ học tới trường. Do các gia đình đi làm nương rẫy chiều tối muộn mới về nên cô tranh thủ đến nhà học sinh lúc sáng hoặc tối muộn. Dù cô Thao còn có con nhỏ, mẹ già nhưng những hôm đi vận động về nhà rất muộn, cô đành ở lại điểm trường và hôm sau tiếp tục lên lớp. Dù có khó khăn nhưng cô vẫn vui vẻ chia sẻ: “Là người giáo viên, mong muốn lớp học có đầy đủ học sinh, mang kiến thức truyền tải tới các em, tôi đã tuyên truyền vận động, làm mọi hoạt động để đảm bảo học sinh đến trường, đến lớp. Những món quà nhỏ như cặp sách, quần áo cũ có được, tôi trao tặng như phần quà khích lệ các em chăm chỉ tới lớp hơn”.

Nhiều gia đình đi làm rẫy lâu ngày, thầy cô giáo phải lên tận rẫy, hỏi thăm chỗ phụ huynh làm việc để vận động học sinh. Đặc biệt địa hình đồi núi cao, thầy cô phải đi bộ, leo dốc để tiếp cận phụ huynh vận động học trò đi học lại.

Bỏ quên những vất vả, mỗi ngày cô Thao vẫn không quản đường xá xa xôi, trắc trở để tới trường vì đàn em thân yêu, vì tình yêu với nghề cao quý.

https://phunuvietnam.vn/co-giao-het-long-vi-hoc-sinh-vung-kho-20221116143522995.htm