Chế tác đàn guitar ở phố núi

123

“Đến bây giờ, tôi thấm lắm câu nói “nghề chọn người” của tiền nhân, như cái cách mà bản thân tôi đã bén duyên với nghề chế tác đàn guitar này. Năm 18 tuổi, tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh mong tìm kiếm một cái nghề ổn định. Tình cờ, tôi đã gặp được thầy dạy nghề làm đàn guitar. Thoáng chốc 5 năm học nghề trôi qua, tôi quyết định khăn gói trở về Kon Tum” – anh Lê Đại Nam (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) nhớ lại.

Năm 2015, anh Nam chính thức đưa cơ sở sản xuất đàn Guitar Đại Nam vào hoạt động dù lường trước ở thời điểm đó, cơ sở sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi ngay ở những thành phố lớn, nghề chế tác đàn guitar cũng còn lắm long đong. Những tháng năm ban đầu ấy, không chỉ gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, anh Nam còn phải dành thời gian để đào tạo nghề cho thợ, bởi ở địa phương không có sẵn nguồn lao động chuyên môn.

Khó khăn không nản, anh Nam cần mẫn đặt “từng viên gạch”, dần dần đưa cơ sở sản xuất đàn Guitar Đại Nam định hình và đứng vững. Qua 5 năm hoạt động, trung bình mỗi năm cơ sở của anh cho ra lò khoảng 500 – 600 cây đàn guitar. Những cây đàn do cơ sở của anh sản xuất được rất nhiều người yêu thích, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày một vươn xa, đến cả những thị trường lớn như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…

Chế tác đàn guitar ở phố núi
Anh Nam và nghề chế tác đàn. Ảnh: T.T

Trong những ngày cuối của năm Canh Tý, khi không khí tết đang dần len lỏi đến với mọi người, mọi nhà, cũng là lúc anh Nam cùng 4 người thợ càng thêm tất bật tại xưởng chế tác đàn guitar thủ công của mình. Quệt vệt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Nam niềm nở: Mấy ngày nay anh em đều tăng ca, để làm cho kịp đơn hàng khách mới đặt. Cho dù gấp gáp đến mấy, chúng tôi vẫn chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm, bởi đây là yếu tố ưu tiên hàng đầu mà tôi hướng đến. Chế tác đàn guitar khá phức tạp, phải qua nhiều công đoạn kỹ thuật; trong đó, từ các khâu làm nang, đóng phím, thiết kế lỗ thoát âm… tất cả đều phải thật chỉn chu, tỉ mỉ. Tôi luôn tự nhắc, mỗi cây đàn guitar đều mang giá trị tinh thần vô giá đối với người sử dụng, chính vì vậy, người chế tác đàn cần phải thổi được cái hồn của mình vào mỗi tác phẩm.

Theo anh Nam, bên cạnh tay nghề của người thợ chế tác, việc lựa chọn chất liệu gỗ là khâu hết sức quan trọng để tạo nên một cây đàn guitar tốt. Tùy vào từng loại gỗ, sẽ quyết định đến thanh âm, độ ngân, độ vang trong mỗi cây đàn. Vì vậy, người thợ chế tác cần phải biết cách lựa chọn từng loại gỗ cho mỗi loại đàn.

Tùy vào chất lượng của từng loại gỗ, mà những cây đàn guitar tại xưởng anh Nam lại có các giá khác nhau, thường dao động ở mức giá 2 – 10 triệu đồng, và cũng có những cây guitar đặt chế tác riêng, giá lên đến vài chục triệu đồng.

Sau khi chọn được gỗ, người thợ chế tác phải xử lý độ ẩm cho đến khi chắc chắn gỗ khô hoàn toàn mới bắt tay vào việc chế tác. Để làm ra một cây đàn guitar đạt tiêu chuẩn, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao xử lý các bộ phận chuẩn từng milimet, đồng thời phải cảm âm tốt. “Theo mình nghĩ, trong nghề chế tác đàn guitar, điều kiện tiên quyết để trở thành một người thợ, chính là tính nhẫn nại, tỉ mỉ. Để làm ra một cây đàn, người thợ phải thực hiện ít nhất 40 khâu; giữa các khâu luôn có khoảng thời gian trống để chờ gỗ ổn định, tạo hình cho từng bộ phận, nhiều khi phải mất nhiều tháng mới có thể hoàn thành 1 cây đàn. Trong quá trình chế tác, người thợ càng kỹ tính bao nhiêu, thì những cây đàn guitar làm ra sẽ đạt chất lượng đảm bảo bấy nhiêu. Một cây đàn không cho phép sai số, các chỉ số càng chính xác thì âm thanh càng chuẩn” – anh Nam tâm sự

Cùng nhờ sự chỉn chu, nghiêm túc trong công việc, nên các sản phẩm của cơ sở sản xuất đàn Guitar Đại Nam nhận được sự đánh giá cao của những người trong nghề; giới văn nghệ sĩ và những người yêu đàn guitar thường xuyên đến đây đặt mua và sửa chữa đàn. Anh Quý Bảo (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Là một người yêu đàn guitar, đã gắn bó với loại nhạc cụ này nhiều năm, tôi luôn tin tưởng vào tay nghề của Nam. Không chỉ làm ra các mẫu thông thường để xuất bán đến những thành phố lớn, Nam còn có thể thiết kế các cây đàn guitar theo yêu cầu của khách hàng. Điều này rất có ý nghĩa đối với những người chơi đàn guitar, tôi rất thích cảm giác khi cầm trên tay một chiếc đàn thủ công được làm ra cho riêng mình, thay vì chiếc guitar được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp bằng máy móc.

Cùng chung sở thích như anh Quý Bảo, anh Nguyễn Đình Tuấn ở Trung tâm âm nhạc Tuấn Guitar (thành phố Kon Tum) cũng đánh giá: “Tôi dạy đàn và chơi đàn khá lâu rồi, từng tiếp xúc rất nhiều loại guitar. Tôi nhận thấy các cây đàn guitar tại xưởng của Nam có ngoại hình đẹp và tỉ mỉ từng chi tiết, chất lượng âm thanh cũng rất ổn. Đây chính là lý do tôi thường xuyên đến đây mua và sửa chữa những cây guitar của mình.

Luôn nghiêm túc với bản thân chính là cách mà anh Nam thể hiện niềm đam mê của mình trong công việc. Theo nghề, anh luôn tâm niệm “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Dù đã qua 5 năm xây dựng thương hiệu và gắn bó với nghề chế tác đàn guitar ở Kon Tum, đã gặt hái những quả ngọt; tuy nhiên, anh Nam vẫn luôn nỗ lực không ngừng nâng cao tay nghề để tạo ra những cây đàn guitar tốt nhất, đạt tiêu chuẩn và chất lượng cho những người yêu đàn.

Tất Thành

Đi tới nguồn bài viết