Cậu bé 11 tuổi mơ… mở mái ấm tình thương

43

Chẳng thể nhìn thấy ánh sáng như bạn bè, thế nhưng Phan Khương Nghị luôn nỗ lực, lạc quan trong cuộc sống.

Chị Vũ Thị Tố Lan luôn đồng hành, hỗ trợ con.

Chị Vũ Thị Tố Lan luôn đồng hành, hỗ trợ con.

Cậu bé 11 tuổi ước mơ lớn lên có thể mở một mái ấm tình thương để dạy đàn, máy tính cho những hoàn cảnh bất hạnh.

Kỉ niệm ngày “mù mắt”

7 tháng trong bụng mẹ, Phan Khương Nghị (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) chào đời chỉ vỏn vẹn 1,2kg. Sức khỏe yếu nên Nghị phải nằm trong lồng kính suốt 32 ngày. Về vòng tay mẹ chẳng được bao lâu, qua kiểm tra các bác sĩ phát hiện Nghị bị bong võng mạc độ 4, độ 5. Như những đứa trẻ khác có thể tự bú mẹ, còn Nghị mỗi lần ăn sữa như nuốt từng giọt sương.

Lo rằng con có thể rời bỏ cuộc sống này bất cứ lúc nào, mỗi ngày chị Vũ Thị Tố Lan (53 tuổi, mẹ Nghị) chỉ chợp mắt được khoảng 3 tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại người mẹ ôm con vào lòng sưởi ấm hoặc dùng máy sấy giúp con tăng nhiệt độ cơ thể. Có những lúc tim Nghị ngừng đập, các y bác sĩ phải cấp cứu khẩn cấp mới có thể giữ lại mạng sống cho cậu bé.

“Ban đầu các bác sĩ nói mổ mắt cho con, nhưng cơ hội chỉ là 50 – 50. Khi đó, tôi nghĩ rằng 50% giữa cái sáng và tối. Nhưng đến khi làm cam kết tôi mới biết để giữ lại khuôn mắt cho con thì phải chọn giữa cái sống và cái chết. Chẳng cần suy nghĩ, tôi quyết định không thực hiện ca phẫu thuật. Bởi nếu ca mổ may mắn thành công thì Nghị cũng không thể nhìn thấy ánh sáng, còn nếu trường hợp xấu nhất xảy ra thì cái giá phải trả là quá lớn”, chị Lan tâm sự.

Mong con có thể lớn lên khỏe mạnh và nhìn thấy những điều tốt đẹp trên cuộc đời, cha mẹ Nghị đề cập với bác sĩ để mỗi người hiến tặng một bên mắt. Thế nhưng căn bệnh quái ác của cậu bé chỉ có thể sống trong bóng tối mãi mãi.

Ngồi cạnh bên, Khương Nghị tò mò hỏi mẹ thời điểm đôi mắt cậu chìm vào bóng tối. Chị Lan ân cần trả lời: “Mẹ nhớ, hôm đó là ngày 30/4/2011 mẹ đưa con đi khám thì phát hiện con bị như thế”.

Ngắt lời mẹ, cậu bé 11 tuổi ngây thơ nói “Thế thì mình lấy 30/4 là ngày kỉ niệm mù mắt”. Mẹ Nghị trầm giọng an ủi cậu con trai “Sau này còn nhiều ngày quan trọng và đáng nhớ hơn để con lấy làm ngày kỉ niệm. Con phải cố gắng và lạc quan lên chứ”.

Sức khỏe của Nghị yếu nên để chăm sóc con chu đáo gia đình chị Lan phải vất vả hơn gấp bội. Sinh non nên hệ tiêu hóa, hô hấp của Nghị cũng không được khỏe mạnh. Có những hôm Nghị đi vệ sinh không được, bụng đau quằn quại. Thấy nước mắt con, chị Lan chỉ ước cơn đau ấy truyền sang người mình.

“Những lúc thấy Nghị đau, ngằn ngặt khóc, mình là một người mẹ nhưng chẳng thể giúp được nên rất buồn và xót xa. Mình chỉ biết ôm con vào lòng an ủi với hy vọng sẽ xoa dịu bớt nỗi đau”, chị Lan bộc bạch.

Người mẹ lạc giọng nói, chứng kiến nhiều trường hợp sinh non nhưng chưa bao giờ chị nghĩ bất hạnh lại rơi vào con mình. Thế nhưng, thay vì ủ dột, buồn bã thì vợ chồng chị giành nhiều tình thương và sự chăm sóc để bù đắp thiệt thòi cho con.

Thế nhưng, từ khi con chào đời cho đến nay vợ chồng chị Lan không xem Nghị như những đứa trẻ khiếm khuyết. Người mẹ U50 luôn muốn con được lớn lên và phát triển như chúng bạn đồng trang lứa để Nghị không thấy tự ti, mặc cảm với cuộc đời.

Chị Vũ Thị Tố Lan là người quay clip đăng tải lên YouTube để đưa lời ca, tiếng hát của con đến gần hơn với mọi người.

Chị Vũ Thị Tố Lan là người quay clip đăng tải lên YouTube để đưa lời ca, tiếng hát của con đến gần hơn với mọi người.

Cảm nhận cuộc sống bằng khứu, thính giác

Không muốn Nghị ỉ lại cha mẹ, chị Lan dạy con tính tự lập từ những ngày còn nhỏ. Khi lên 5 tuổi, Nghị đã có thể đọc, viết chữ Braille (chữ nổi cho người khiếm thị). Thấy con thích âm nhạc nên mẹ Nghị đã mua cho cậu một cây đàn nhỏ. Dù chỉ là đồ chơi nhưng Nghị có thể ngồi hàng giờ bên cây đàn.

Chị Lan cũng tìm hiểu và đưa con đến cô giáo dạy nhạc, nhưng Nghị học được thời gian ngắn thì nghỉ vì cô không có phương pháp dạy cho người khiếm thị. Tuy không được học đàn nhưng cậu bé luôn tự mày mò, nghe nhạc trên mạng rồi đánh theo. Những lúc rảnh rỗi, mẹ chính là người mở các bản nhạc cho Nghị nghe và đồng hành cùng với em.

“Tuy bất hạnh hơn chúng bạn, nhưng bù lại Nghị có một trí nhớ rất tốt. Con có một chiếc USB với hàng chục, trăm bài hát. Mỗi khi giai điệu cất lên Nghị đều nhớ tên bài, lời ca. Để thỏa mãn đam mê của con, mình lập cho Nghị một kênh YouTube với tên là “Khương Nghị”. Mỗi ngày Nghị đánh đàn organ và hát, còn mình quay clip đăng tải lên để đưa lời ca, tiếng hát của con đến gần hơn với mọi người”, chị Lan chia sẻ.

Tiếp lời, Nghị với gương mặt ngây thơ nói: Ngoài ca hát, em còn rất thích đi du lịch, khám phá và thưởng thức những món ăn ngon ở khắp các tỉnh thành trên đất nước.

Nghị khoe: Em đã được đi đến tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… Thay vì nhờ cha mẹ tả lại cảnh vật ở những nơi đặt chân đến, Nghị chọn cách cảm nhận bằng thính giác, khứu giác của mình.

“Với những gì con cảm nhận được thì Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là nơi đông đúc, nhộn nhịp và nhiều khói bụi. Còn Bình Định thì nóng nực, có rất nhiều cát, đường sá quanh co uốn lượn nhưng bù lại không khí trong lành và mùi cây xanh rất dễ chịu…”, Nghị rạng ngời nói.

Cách đây mấy năm, chương trình Điều ước thứ 7 đã đến với cậu bé Phan Khương Nghị. Trước những cố gắng, nỗ lực của bản thân, Nghị được tạo điều kiện để học tập tại một ngôi trường đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh.

Thế nhưng do trường chưa có chỗ ở nội trú, chị Lan cũng không có điều kiện để thuê nhà nên gia đình quyết định gửi Nghị vào Mái ấm Thiên Ân (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Ở nơi này, Nghị được học văn hóa, phát triển năng khiếu… hoàn toàn miễn phí.

“Các Sơ ở mái ấm quan tâm, chăm sóc và chỉ dạy cho con rất tận tình, chu đáo. Nhưng cũng như bao đứa trẻ khác, khi sống xa cha mẹ con rất nhớ nhà. Không muốn mọi người phiền lòng nên có hôm con trốn vào một góc rồi òa khóc. Một năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên con học online tại nhà. Xa mái ấm và các bạn con lại thấy nhớ mọi người”, Nghị tâm sự.

Ước mơ của Nghị

Phan Khương Nghị liên tục ôm, hôn mẹ để quay trở lại Mái ấm Thiên Ân học tập.

Phan Khương Nghị liên tục ôm, hôn mẹ để quay trở lại Mái ấm Thiên Ân học tập.

Chỉ vài ngày nữa thôi, Nghị phải xa vòng tay cha mẹ để trở lại mái ấm Thiên Ân học chữ. Cậu bé thường ngày mạnh mẽ nay liên tục ôm, hôn vào trán và má mẹ rồi nói “Ít bữa nữa con đi rồi, con sẽ nhớ nhà và cha mẹ lắm”.

Chị Lan ôm con vào lòng rồi vỗ về: “Con phải mạnh mẽ và cố gắng học chữ để lớn lên làm một người thành đạt và thực hiện ước mơ của mình. Khi đó, con sẽ được đi đến nhiều nơi và cảm nhận những điều thú vị quanh cuộc sống này”.

Với đôi tay nhỏ nhắn đặt lên 2 má của mẹ, cậu bé 11 tuổi tựa đầu vào vai thầm thì: “Mẹ đợi con lớn nhé, con sẽ mua nhà, xe để cha mẹ không phải vất vả như bây giờ nữa. Khi đó con có tiền rồi con cũng sẽ đưa cha mẹ đi du lịch khắp Việt Nam rồi ra nước ngoài”.

Như bao đứa trẻ khác, Nghị cũng có ước mơ của mình. Thế nhưng cậu bé khiếm thị không mong ước cho riêng bản thân mà muốn những người bất hạnh, khiếm khuyết có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Con sẽ cố gắng học tập chăm chỉ để có thể sử dụng thành thạo máy vi tính. Sau này nếu có điều kiện hoặc kiếm ra tiền bằng tiếng đàn, giọng ca của mình con sẽ mở một mái ấm tình thương. Khi đó, con sẽ dạy vi tính, đàn… cho những hoàn cảnh bất hạnh. Con cũng muốn đưa lời ca, tiếng hát của mình để mang đến niềm vui cho mọi người”, Nghị tâm sự.

Cô Mai Thị Dung, Hiệu trưởng điểm trường Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Kon Tum – Trường Tiểu học Quang Trung (TP Kon Tum) nhận xét, tuy bất hạnh so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng Phan Khương Nghị luôn lạc quan, vui vẻ, tự tin trong cuộc sống và có một trí nhớ rất tốt. Đặc biệt, ngay từ nhỏ Nghị đã có năng khiếu, say mê với đàn và ca hát.

Thế nhưng, tại Kon Tum không có thầy, cô để Nghị theo học âm nhạc. May mắn Nghị được chương trình Điều ước thứ 7 biết đến và hỗ trợ để em có thể học tập tại TP Hồ Chí Minh. Tại ngôi trường đặc biệt này, bên cạnh việc học văn hóa Nghị còn được học đàn, máy tính.

“Trong quá trình học tập tại trường tôi thấy Nghị rất cố gắng, nỗ lực vượt khó. Chính vì vậy mọi người luôn tạo điều kiện, hỗ trợ và kết nối để em phát huy được hết khả năng của mình. Nghị được học tập tại Mái ấm Thiên Ân như một món quà mà cuộc sống này ban tặng, bù đắp lại những thiệt thòi của em. Tại đây em có thể sống với đam mê của mình”, cô Dung bộc bạch.

Dung Nguyễn

https://giaoducthoidai.vn/cau-be-11-tuoi-mo-mo-mai-am-tinh-thuong-post606843.html