Ấn tượng Lễ mở cửa kho lúa của người Rơ Măm

27

baokontum.com.vn

18/12/2023 06:27

Hàng năm, cứ đến tháng 11, 12 dương lịch, người Rơ Măm ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) lại tích cực chuẩn bị cho Lễ mở cửa kho lúa truyền thống. Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm, là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của người Rơ Măm.

Năm nay, Lễ mở cửa kho lúa của dân làng được chọn tham gia trình diễn tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 tại tỉnh nên bà con rất vui mừng, gấp rút chuẩn bị các công đoạn, phần việc sớm hơn mọi năm. Bên căn nhà rông truyền thống, bà con dân làng hồ hởi, phấn khởi làm việc, cùng nhau chuẩn bị tốt cho việc tổ chức lễ hội tại làng cũng như tái hiện thành công tiết mục tham gia Ngày hội.

Già làng A Ren cho biết: “Chúng tôi họp bàn, phân công các phần việc hợp lí cho từng người. Thanh niên thì vào rừng kiếm nguyên liệu như tranh, tre, nứa, mây… tập trung về sân nhà rông. Những người phụ nữ khéo tay có nhiệm vụ chuẩn bị các vật dụng để trang trí 3 cây nêu truyền thống với kích thước dài, ngắn khác nhau, cùng các vật dụng để tiến hành nghi lễ, lên danh sách các con vật được chọn để hiến sinh”.

161339T%C3%A1i%20hi%E1%BB%87n%20nghi%20th%E1%BB%A9c%20%C4%91%C3%A2m%20tr%C3%A2u%20t%E1%BA%A1i%20L%E1%BB%85%20m%E1%BB%9F%20c%E1%BB%ADa%20kho%20l%C3%BAa

Tái hiện nghi thức đâm trâu tại Lễ mở cửa kho lúa. Ảnh: H.T

 

Với sự chuẩn bị chu đáo, tiết mục tái hiện Lễ mở cửa kho lúa của 30 nghệ nhân Rơ Măm ở làng Le đã để lại ấn tượng sâu sắc với các tỉnh bạn và du khách gần xa. Màn trình diễn đặc sắc, công phu với nhiều nội dung hấp dẫn đã đưa người xem trải qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Mở màn, già làng A Ren đại diện dân làng tổ chức cúng mở cửa kho lúa.  Tiếng khấn của già làng vang lên, bà con tiến hành dâng các lễ vật là một con heo, một ghè rượu và một quả trứng gà, đồng thời, đọc lời khấn thông báo và cầu xin thần linh có được vụ mùa bội thu.

Già làng tiếp tục mang các lễ vật quay trở về và thực hiện những nghi thức tương tự tại nhà. Dân làng tập trung xung quanh, mỗi hộ lấy một miếng tai heo mang lên rẫy để làm lễ vật cúng thần linh rồi tiến hành mang lúa về nhà. Về đến nhà, người phụ nữ giã gạo để nấu cơm, người đàn ông chủ gia đình tiếp tục làm nghi thức cúng.

Nối vòng xoang, chiêng khi già làng thực hiện các nghi thức cúng tế tại Lễ tái hiện. Ảnh: H.T

 

Mọi việc xong xuôi, đến chiều già làng sẽ đánh trống thông báo cho tất cả bà con tập trung tại nhà rông để làm lễ dựng cây nêu. Ông cùng một số người uy tín trong làng làm lễ thông báo với Yàng cho phép dân làng dựng cây nêu, đồng thời, mời các Yàng cùng về dự lễ.

Khi cây nêu đã được các thanh niên sắp xếp theo đúng hướng mặt trời mọc, tất cả dân làng đồng loạt đặt tay vào cây nêu. Trước khi tiến hành dựng cây nêu, già làng đồng loạt thắp sáng các cây nến, đồng thời tưới rượu vào hố. Dưới sự điều khiển của già làng, tiếng hô vang của dân làng, cây nêu được dựng lên cao vút, uy nghi trước nhà rông.

Già làng lần lượt dắt các con vật hiến sinh buộc vào cây nêu, trong đó, con trâu buộc vào cây nêu cao nhất (những năm gần đây con trâu được thay bằng mô hình), con dê buộc vào cây nêu thấp hơn. Sau đó, tiến hành làm lễ rước Thần ngà voi (Yàng Blút) từ trên nhà rông xuống đặt trên cây nêu cột trâu. Tiếng cồng chiêng bắt đầu hòa nhịp với những lời cầu khấn và hô reo của dân làng, tạo nên một không khí linh thiêng, huyền bí. Âm thanh sôi động của bài chiêng Trum (bài chiêng đâm trâu) hòa với nhịp xoang uyển chuyển đầy mê hoặc của các cô gái Rơ Măm càng tăng thêm không khí vui tươi, nhộn nhịp của lễ hội.

Dân làng vừa cầu khấn vừa ném gạo cho các con vật hiến sinh ngụ ý mong con vật hiến sinh sẽ đem hết xui xẻo đi và mang lại may mắn cho gia đình, cộng đồng làng. Qua ngày hôm sau, từ sáng sớm, dân làng tập trung đông đủ tại sân nhà rông để làm lễ đâm trâu. Mở màn buổi lễ, những chàng trai Rơ Măm khỏe mạnh đánh trống, đánh cồng, đánh chiêng tạo không khí trầm hùng, rộn rã khắp cả làng. Già làng bắt đầu làm lễ khấn để tạ ơn các vật hiến sinh, đồng thời, cầu khấn xin thần nhà rông và các thần linh phù hộ, bảo vệ cho dân làng được khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi. Dân làng lắng nghe lời khấn của già làng, vừa ném gạo cho các con vật hiến sinh vừa đọc lời cầu khấn của mình

161445B%C3%A0%20con%20R%C6%A1%20M%C4%83m%20%C4%91%C3%A1nh%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%20quanh%20c%C3%A2y%20n%C3%AAu%20t%E1%BA%A1i%20L%E1%BB%85%20m%E1%BB%9F%20c%E1%BB%ADa%20kho%20l%C3%BAa

Bà con Rơ Măm đánh cồng chiêng quanh cây nêu tại Lễ mở cửa kho lúa. Ảnh: H.T

 

Đội chiêng xoang nối thành vòng tròn lớn, ngược chiều kim đồng hồ di chuyển nhịp nhàng quanh cây nêu. Chủ lễ làm những động tác nghi thức, sau đó, những người thanh niên khỏe mạnh g i ế t vật tế. Các con vật hiến sinh sau khi c h ế t, phần thịt được dân làng chế biến thành các món ăn truyền thống để dân làng dùng khi tổ chức uống rượu mừng, riêng tiết được lấy để rửa Yàng Blút. Yàng Blút vừa vô hình, vừa hữu hình, đó là chiếc ngà voi và những hòn đá thiêng được cộng đồng gìn giữ cẩn thận và đặt nơi linh thiêng nhất.

Trong lúc dân làng chế biến món ăn, chủ lễ tiếp tục tiến hành lễ thức tâm linh rất quan trọng đó là rửa Yàng Blút. Đội hình làm lễ được sắp xếp theo thứ tự, già làng rước Yàng Blút đi trước, đội cồng chiêng theo sau. Khi vào đến nhà rông, chủ lễ đặt Yàng Blút ở giữa nhà. Lễ vật cúng Yàng Blút gồm có 1 ghè rượu, gan và thịt của con vật hiến sinh. Già làng đặt gan và thịt lên tai ghè rượu, sau đó thắp sáng ngọn nến làm bằng sáp ong trên miệng ghè và tiến hành cầu khấn thần linh.

Sau đó, già làng hút rượu hòa với tiết vật hiến sinh và vỏ của cây rừng, tiến hành rửa cho thần Ngà voi, vừa rửa vừa đọc lời khấn cầu xin thần phù hộ, bảo vệ dân làng được khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Sau đó, già làng đặt thần Ngà voi ở vị trí cũ, mang hỗn hợp tiết sau khi rửa thần ngà voi đi đổ ở ranh giới đầu làng – nơi tiếp giáp với làng khác với mục đích trừ đuổi tà ma và ngăn chặn những điều xấu làm ảnh hưởng đến dân làng.

Nghi thức rửa thần đã xong, các món ăn cũng đã sẵn sàng, mỗi gia đình mang tới những ghè rượu ngon xếp thành hàng trong không gian lễ hội. Trong không khí tưng bừng của ngày lễ cùng với hương thơm nồng nàn của men rượu cần, các thành viên trong làng chúc nhau những điều tốt lành, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm sản xuất, những khó nhọc, gian khổ trong cuộc sống, mời nhau cùng uống rượu của nhà mình.

Sáng sớm ngày thứ ba của lễ hội, dân làng tập trung tại nhà rông thực hiện nghi thức cuối cùng đó là nghi thức hạ đầu trâu. Lễ hội kết thúc bằng nghi thức gác xương đầu trâu lên vách nhà rông, già làng ra khỏi nhà Yàng và đóng cửa nhà Yàng để mọi người không làm ô uế, vi phạm đến thần. Qua ngày hôm sau các gia đình đi vào rẫy gùi lúa trong kho đem về nhà, kể từ thời điểm đó họ được lấy lúa về ăn mà không phải kiêng cữ nữa.

Lễ mở cửa kho lúa là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mang nhiều giá trị đặc sắc thể hiện nét văn hóa riêng, độc đáo của người Rơ Măm ở Kon Tum. Lễ hội là dịp người dân vui chơi giải trí sau một vụ mùa vất vả, là dịp để con cháu nhớ về cội nguồn, chứa đựng những khát vọng, ước muốn chinh phục tự nhiên và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Qua tiết mục tái hiện tại Ngày hội văn hóa các dân tộc vừa qua, Lễ mở cửa kho lúa đã để lại ấn tượng với bạn bè, du khách gần xa. Nhờ đó đã góp phần thu hút khách du lịch về tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc tại làng Le cũng như những địa điểm, danh lam thắng cảnh lân cận trên địa bàn huyện Sa Thầy. Qua đó, góp phần phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống đặc sắc trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Thanh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/an-tuong-le-mo-cua-kho-lua-cua-nguoi-ro-mam-35414.html