18/07/2019 13:01
“Chịu khó, luôn tìm hướng phát triển kinh tế thích hợp trên vùng đất quê hương, làm giàu cho gia đình và xã hội”- là nhận xét của ông A Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) về anh A Phong ở làng Kon Mong, xã Đăk Hring.
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, đông anh em nên anh A Phong (sinh năm 1984) từng trải qua nỗi khổ của cái đói, cái nghèo, thiếu kiến thức.
Với bản tính siêng năng, cần cù, ham học hỏi, không chịu khuất phục trước đói nghèo, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, vợ chồng anh A Phong ra sức làm kinh tế gia đình.
Năm 2000, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương, với khát vọng vươn lên thoát nghèo, A Phong đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển đổi 1ha đất trồng mì đã bạc màu sang trồng cao su. Là hộ đầu tiên ở làng Kon Mong trồng cao su nên anh A Phong có rất nhiều bỡ ngỡ. Để tránh thất bại, anh chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về kỹ thuật trồng trọt, chọn mua giống cây trồng ở những cửa hàng uy tín, độ tin cậy cao.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, mấy năm đầu khi cao su còn nhỏ, anh trồng mì xen canh để có nguồn thu nhập lo cho gia đình và chăm sóc vườn cao su xanh tốt. Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao nguồn thu nhập.
Nhờ siêng năng làm lụng lại biết cách tính toán, nên đời sống kinh tế gia đình anh A Phong ngày một khấm khá. Đến nay, gia đình anh đã có 3 sào ruộng nước, 2,5ha cà phê, 2ha cao su đang trong thời kỳ khai thác, 3 con bò sinh sản… Hàng năm, gia đình anh thu nhập từ 350-500 triệu đồng.
Số tiền tích góp được mỗi năm, anh đầu tư chăm sóc vườn cây, mua sắm các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăm lo cho cuộc sống của gia đình tốt hơn.
|
Anh A Phong chia sẻ kinh nghiệm: “Nhiều hộ gia đình tuy đất đai nhiều nhưng vẫn nghèo là do phương thức sản xuất còn lạc hậu, chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Chính vì vậy, muốn giảm nghèo thì trước tiên mình phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, phải biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.
Thời điểm hiện tại, tuy mủ cao su đang hạ giá, nhưng hàng ngày anh A Phong vẫn cần mẫn bên vườn cây để chăm bón. Gần 20 năm đi tìm “vàng” trong đất, anh luôn tâm niệm: “Đất chẳng bao giờ phụ công người. Chỉ cần mình có chí, kiên trì thì “sỏi đá cũng thành cơm””.
Ông A Ban- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Hring cho biết: Từ thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của anh A Phong đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân thôn Kon Mong. Học theo anh, nhiều gia đình trong thôn đã mạnh dạn chuyển từ trồng mì sang trồng cao su.
Đáng mừng hơn, anh A Phong vừa xây dựng được ngôi nhà mới khang trang với nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Các con của anh cũng được học hành đàng hoàng.
Không chỉ biết làm giàu một cách chính đáng cho gia đình, anh A Phong luôn sống gắn bó, chan hòa với bà con hàng xóm; tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con cách thức làm ăn; tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động (thu nhập bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/tháng) và 15-20 lao động thời vụ.
L.N