Xóa nhà tạm, nhà dột nát

9

baokontum.com.vn

02/08/2024 06:04

“An cư” mới “lạc nghiệp”, khi căn nhà tạm bợ được thay thế bằng mái ấm kiên cố, khang trang sẽ tạo động lực vươn lên cho hộ nghèo.

Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người, mọi nhà được tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, nhất là việc hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở, xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở.

Cùng với các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực cùng nhau chung sức xóa nhà tạm.

Từ năm 2019 – 2023, Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã vận động được trên 53,9 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở, sinh kế, chăm sóc sức khỏe, chăm lo tết cho hộ nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Riêng về nhà ở, toàn tỉnh đã có 967 căn nhà được xây mới và sửa chữa, giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo có nơi ở ổn định.

Giúp hộ nghèo xóa nhà tạm. Ảnh: H.L

 

Đáng chú ý là từ tháng 3/2023, Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Kon Tum thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 (UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 2/3/2023) được triển khai đã đem lại nguồn lực mạnh mẽ cho nỗ lực xóa nhà tạm.

Theo Đề án, có 814 hộ nghèo và 62 hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo là Kon Plông, Tu Mơ Rông và Ia H’Drai được hỗ trợ xóa nhà tạm, trong đó xây dựng mới nhà ở là 606 hộ và hỗ trợ sửa chữa nhà ở là 270 hộ. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 32,604 tỷ đồng.

Đánh giá của UBND tỉnh cho thấy, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm. Việc rà soát, đánh giá thực trạng nhà ở, đất ở của hộ nghèo; quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được thực hiện tốt ngay từ cơ sở.

Việc rà soát, bình xét, lập và phê duyệt danh sách đối tượng hỗ trợ được tiến hành trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng dân cư, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Công tác tuyên truyền, giải thích được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Người dân hiểu rất rõ rằng, không phải Nhà nước xây nhà cho dân mà Nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại là gia đình, dòng họ, cộng đồng giúp đỡ. Vốn hỗ trợ là yếu tố khởi đầu và huy động nội lực là yếu tố quyết định.

Điều đáng ghi nhận là, vượt qua ý nghĩa của sự hỗ trợ, việc triển khai xóa nhà tạm đã hình thành quyết tâm, thúc đẩy ý chí vươn lên, tạo động lực xây nhà mới cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn về nhà ở, cũng như tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở. Ảnh: HL

 

Việc triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở tại địa phương thời gian qua đã đem lại sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về chung tay vì người nghèo, không bỏ người yếu thế ở lại phía sau của cả hệ thống chính trị và nhân dân- báo cáo của UBND tỉnh đánh giá.

Tuy nhiên, cũng theo UBND tỉnh, công cuộc xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh chưa đạt kết quả như mong muốn, khi điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ của Nhà nước, huy động từ các đoàn thể, tổ chức, cá nhân còn hạn hẹp; số lượng nhà tạm cần xóa còn khá lớn.

Theo thống kê mới nhất của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hiện toàn tỉnh vẫn còn 2.046 hộ nghèo đang ở trong các căn nhà tạm bợ, dột nát; 3.538 hộ có nhà ở chưa đảm bảo về diện tích.

Xác định “an cư” mới “lạc nghiệp”, khi căn nhà tạm bợ được thay bằng một mái ấm kiên cố, khang trang sẽ tạo động lực vươn lên cho hộ nghèo, mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2602/KH-UBND ngày 22/7/2024 về triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong năm 2025” (Phong trào thi đua).

Mục đích là tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tập trung mọi nguồn lực để đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều.

Đồng thời thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam; động viên, khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và toàn xã hội cùng chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm.

Tất nhiên, phong trào thi đua chỉ trở nên hiệu quả khi được triển khai với nội dung thiết thực, hình thức phong phú, sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở; đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch các nguồn thu.

Huy động, vận động được các nguồn lực của Nhà nước, của xã hội, doanh nghiệp, của toàn dân. Trong đó, nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng với nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.

Bên cạnh đó, cần vận động, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chủ trương hỗ trợ xóa nhà tạm, từ đó phát huy nội lực và trách nhiệm của hộ  gia đình, cộng đồng dân cư, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân.

Tin rằng, ngày càng có nhiều căn nhà mới thơm mùi vôi vữa được xây dựng, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo an cư; truyền động lực và niềm tin để họ vươn lên xây dựng cuộc sống mới.    

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/xoa-nha-tam-nha-dot-nat-42178.html