Với hai đỉnh văn chương Tây Nguyên

63

www.nguoiduatin.vn

Và dẫu sau này nhiều lần lên lại ngọn Ngok Linh luôn mù mây kia, chưa tới đỉnh, mới tới khoảng độ cao 1800 mét, từ cả hai phía, phía tây là Kon Tum và phía đông là Quảng Nam, thì vẫn thấy, cái lần đầu tiên lên Ngok Linh với nhà văn Nguyên Ngọc ấy, nó thú vị nhất, thích nhất, được ồ à nhiều nhất, cảm xúc nhiều nhất…

Kết quả là, không tìm lại được cái làng Xô Man xưa trong tác phẩm “Rừng xà nu” của ông, nhưng lại gặp được rất nhiều nhân vật hay. Có tới mấy người ông gặp lần ấy có tôi chứng kiến, sau này vào tác phẩm của ông, được tập hợp trong cuốn “Các bạn tôi trên ấy”. Sau này tôi còn cùng một đoàn làm phim nữa, cũng đi tìm lại cái làng Xô Man ấy, thì nó đã dời đến một nơi khác, cách làng cũ cả trăm cây số, và… trơ trụi, chả còn cây xà nu nào?

Một chuyến thú vị nữa của tôi hồi cũng mới lên Tây Nguyên là được đi cùng ông và ông Núp, nhân vật của ông, bạn ông thời chiến tranh, về khu căn cứ xưa của chiến khu Gia Lai Kon Tum thời chống Mỹ. Đi mới biết, máu lang thang của hai ông là… như nhau. Tất nhiên là đi bằng xe U oát, bốn người, ngoài ông Nguyên Ngọc và ông Núp, còn tôi và lái xe. Như thế đương nhiên tôi là… trợ lý chuyến đi, cùng lái xe lo việc ăn nghỉ dọc đường. Mà như đã nói, các ông thì cứ lang thang, tới đâu có làng là ghé, và vào làng thì dân làng lại ôm rượu ra. Rượu cần, chỗ nào kịp thì có tí thịt nướng cùng cà đắng, có nắm lá mì, chỗ nào không kịp thì mỗi ghè rượu, cứ thế, di chuyển kiểu… sâu đo.

Phải 8h tối mới tới cái làng kháng chiến cũ, có cái tên rất… xã hội chủ nghĩa, thị trấn Dân chủ, chắc do các cán bộ miền Bắc đặt từ thời cả miền Bắc đang là công trường xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chi viện cán bộ cho miền Nam.Và tất nhiên là dân làng lại ôm rượu ghè ra, lại la đà. À nhưng phải nói luôn là chỉ ông Núp là uống cật lực, nên lúc này ông đã say mềm, còn nhà văn Nguyên Ngọc chỉ cầm cần lên nhấp nhấp nên hết sức tỉnh táo, ông chỉ ngồi gợi và nghe chuyện, và quan sát. Phải gần 10 giờ đêm, một tốp du kích mới khiêng ra một… con chó bị trói bốn chân, béo ú.

Và tôi là người lĩnh việc biến nó thành bữa tối, ăn vào lúc… 12 giờ đêm, đã sang ngày hôm sau, trong hoàn cảnh chỉ có một con dao găm của lái xe, gia vị chỉ có muối, lá lốt hái ngay bên bờ suối, nghe nói của bộ đội trồng từ ngày xưa.Thế mà ngon phết.

Hôm sau chúng tôi về làng S’tơ, tức là Kông Hoa trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”. Ông Núp lại càng như… hổ về rừng.

Vui nhất là gặp một tốp các cô giáo dạy văn từ Thái Nguyên đang tìm vào thăm làng Kông Hoa. Các cô là vợ các sĩ quan quân đoàn 3 vừa chuyển từ Thái Nguyên vào đóng quân ở Gia Lai, vào thăm chồng, tranh thủ thăm làng Kông Hoa để về dạy văn cho thấm. Nghĩ chỉ thăm làng, lại gặp cả tác giả và nguyên mẫu, vui gì bằng.

Tôi chưa có máy ảnh. Ông Nguyên Ngọc giao cho tôi một cái máy ảnh trước khi đi, nói tôi để chế độ đâu vào đấy rồi, cậu cứ đưa lên ngắm và bấm nhé. Gì chứ khoản này thì em làm tốt ạ.

Về tráng phim tại phòng thông tin cổ động của Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum. Gì thế này, trắng xóa. Tức không có cái ảnh nào.

Và “quà” cho tôi sau cuộc đi ấy là cuộc sốt rét đầu đời từ ngày lên Tây Nguyên. Sốt sầm sập, sốt rung giường, chắc hậu quả của đêm ngủ ở rừng Dân chủ ấy. Lúc ấy còn đầy rừng, sân trụ sở Ủy ban mà nhìn lên chỉ thấy tán cây dày đặc, không thấy trăng sao gì. Cũng may có bà vợ ngành y, nên sau khoảng nửa tháng thì tôi dứt. Trước tôi có hẳn một ông bác sĩ tốt nghiệp đại học Y Khoa Huế lên nhận công tác và cũng bị sốt rét ác tính rồi c h ế t. Bây giờ, sốt rét là hãn hữu và đơn giản, một thời nó là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở Tây Nguyên.

Ông Thu Bồn lại là một đỉnh núi khác.

Không nhớ năm, nhưng tôi nhớ gặp ông lần đầu là ở cái trang trại Lồ Ồ của ông, nó nằm ở đất Bình Dương nhưng lại rất sát thành phố Biên Hòa, do nhà văn Nguyễn Đức Thọ đưa đến. Giờ cả hai ông nhà văn này cùng đang ở thế giới bên kia, chắc họ đang kể chuyện tiếu lâm cho nhau nghe như hồi đương sống.

Văn hoá - Với hai đỉnh văn chương Tây Nguyên
Nhà thơ Thu Bồn và tác giả bài viết Văn Công Hùng ở trang trại Lồ Ồ.

Trước đấy, tất nhiên tôi đã biết tiếng Thu Bồn từ rất lâu. Học thì “Bài ca chim chơ rao” lừng lững trường ca. Đời thì sau này tôi thành nhà thơ, ông là tiền bối, nghe hàng vạn giai thoại về ông, vừa đắm say vừa… kinh hãi, nhưng đều thán phục, như bây giờ gọi là idol ấy. Cứ ước một lần gặp ông. Thế mà rồi sau cái lần đầu tiên gặp ông ở chính nhà ông trang trại Lồ Ồ ấy, lần đầu mà được ông xách chai Remy Martin với hạt gắm ra đãi. Lần đầu tiên tôi được ăn hạt gắm là đây dù trước đó nghe về nó, đọc thơ nữa: “ăn trái gắm nhớ trái dừa tha thiết” của chính cái ông đang mời tôi trái gắm hôm nay.

Văn hoá - Với hai đỉnh văn chương Tây Nguyên (Hình 2).

 Nhà văn Nguyên Ngọc và tác giả bài viết Văn Công Hùng.

Có thể nói, toàn bộ tuổi trẻ của ông, tình yêu của ông, sức lực của ông, ông đã dành cho mảnh đất Tây Nguyên mà ông coi như quê hương thứ hai của mình. Tất nhiên, bên cạnh đấy là Hà Nội với ngôi nhà số 4 mà sức trai của ông đã trải qua ở đấy, là quê hương dứt ruột Quảng Nam của ông, rồi Lồ Ồ nơi ông ẩn cư những năm cuối đời. Nhưng những sáng tác quan trọng của đời ông là về Tây Nguyên. Cho đến khi về cõi vĩnh hằng, tình yêu ấy vẫn ngùn ngụt cháy.

Bằng chứng là, ông đột quỵ lần đầu tiên là tại Kon Tum, ở cửa khẩu Bờ Y, nơi ông “chém vè” hàng năm trời với dự định sẽ viết một cuốn sách lớn nhất của đời mình tại đấy. Từ Bờ Y xa lắc, người ta tức tốc chở ông một lèo về bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng vì là “Gấu Tây Nguyên”- chữ của nhà thơ Nguyễn Duy- nên ông bình phục khá nhanh. Và với cái giọng méo phải qua vợ phiên dịch, với bước chân khập khiễng chấm phẩy, tay co tay duỗi, ông lại lên Tây Nguyên lại, về đúng cái cửa khẩu Bờ Y còn vô vàn khó khăn không điện không nước không tiện nghi tối thiểu ấy, tiếp tục “chém vè”. Bằng chứng là, trong nhà của ông ở Lồ Ồ, có cả một thế giới Tây Nguyên mà ông trân trọng giữ chúng chứ không chỉ trương lên như một cách biểu lộ sự sành điệu. Tôi đã ngồi trong ngôi nhà ấy, giữa những đồ vật ấy nghe ông đọc thơ. Phải nói là vô cùng hoành tráng như đang lạc giữa đại ngàn nghe già làng kể khan. Hôm ông đọc thơ tại trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai cũng thế. Tóc râu bạc phơ, giọng Quảng vang rền, phong thái như ông tướng giữa trận tiền… ông khiến hàng ngàn sinh viên nín thở, rồi sau đấy như ong vỡ tổ, ùa lên vây ông cả tiếng đồng hồ không thoát ra ngoài được…

Lúc nãy tôi nói cái trang trại của ông rất bề thế. Thì nó được hình thành từ chính hai bàn tay ông, đôi bàn tay viết nên những câu thơ tài hoa làm bao nhiêu đàn bà con gái phát rồ phát dại lên, bao nhiêu lứa học trò phải học… mất mấy năm một mình hùng hục như cửu vạn, như thợ đấu, vật đất đắp nền, một mình cặm cụi để có cơ ngơi như bây giờ…

Thu Bồn là hiện thân của người yêu nước đến tận cùng, ông từng viết thư cho vợ khi được sang Liên Xô thời chiến tranh như thế này: “Chắc từ nay anh sẽ không bao giờ đi xa Tổ quốc nữa đâu- Anh sẽ làm việc không mệt mỏi cho đất nước mình và sẽ c h ế t ở đó thôi. Em thân yêu. Đừng trách móc anh có những điều gì không phải đối với em. Giúp đỡ anh về mặt tinh thần để anh có thể làm được việc lớn hơn. Sức khỏe anh đã kém nhiều rồi. Thời gian làm việc còn rất ít. Anh có lãng mạn chút ít nhưng còn hơn là người chẳng có tâm hồn. Em đừng bận tâm nhiều”. Ông cũng là người các sáng thứ 2 đều tổ chức chào cờ có hát quốc ca, một mình, ở cái trang trại mà tôi vừa kể. Ở đó có cột cờ và luôn phần phật lá cờ Tổ quốc. Ông cũng là người mà chất thi sĩ luôn át đến tận cùng. Cả cuộc đời phóng khoáng, cho tới lúc đột quỵ vẫn phóng khoáng, sống bát ngát và yêu đời bát ngát. Và trong tình yêu, ông cũng luôn tới tận cùng, kiểu “không để cô gái nào phải buồn”.

Theo như những gì ông kể với tôi những ngày tôi được tháp tùng ông ở Tây Nguyên, nhất là Kon Tum, thì ông viết cái trường ca “Bài ca chim Chơ Rao” là ở một cái làng nào đó mà sau này ông không nhớ ra, mà cái tên ông nói thì tôi tra cũng không có, có thể nó đã mất hút đâu đó trong thăm thẳm rừng già (hồi ấy chứ giờ hết rừng rồi) như cái làng Xô Man của ông Nguyên Ngọc, nhưng hai địa danh lớn hơn thì vẫn còn, là gần Plei Me của huyện Chư Prông. Tôi đã một lần lấy xe máy, con xe ghẻ của tôi hồi ấy, chở ông đi lại con đường ấy, đầy bụi đỏ, đi về hai thầy trò như hai cây bụi. Tất nhiên là đi như thế chứ cũng chả thấy lại được cái gì?

Sau ngày ông mất, nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, người yêu quý ông đến tận cùng nhưng cũng nhiều lần… làm khổ ông (ví dụ Thu Bồn kể: Ổng là cấp trên, là lãnh đạo, là tướng, đi đâu có người tiếp, mình là lính (Khi ra quân Thu Bồn mang hàm Trung tá), thế mà lâu lâu ổng xịch xe đến lôi mình đi, bảo là đi thực tế. Thả mình xuống rồi ông về, không biết là túi mình không có tiền và không quen ai, ăn đâu, ngủ đâu?). Nhưng tôi cũng đã chứng kiến ông Nguyễn Chí Trung khi là trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã vào nhà khách Gia Lai ở mà không ai biết, nhờ tôi dùng xe máy chở ra chỗ đón xe dọc đường để vào Sài Gòn hồi xe khách còn khổ ải ấy, xe đầy khách từ Bắc vào, lơ xe nhét ông lên, tôi kịp quăng cái ba lô lên theo là xe xịt khói đen mù mịt bò đi. Xe đi từ trưa hôm trước, sáng sau ông điện: tôi đến nơi rồi Hùng nhé, tức là tính ông Trung như thế, ông đi đâu cũng chả làm phiền ai bao giờ, dẫu là tướng, là trợ lý Tổng Bí thư) đã đi khắp các tỉnh, nơi Thu Bồn từng qua, mỗi nơi sưu tầm một thứ về bỏ vào hầm mộ Thu Bồn. Huế là cái chén (hình tượng “chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu”). Gia Lai thì tôi xuống một làng của huyện Chư Prông mua một cái nỏ đưa cho ông Trung mang về đặt trong hầm mộ giữa hàng trăm hiện vật.

Văn hoá - Với hai đỉnh văn chương Tây Nguyên (Hình 3).

Nhà văn Nguyên Ngọc trước mộ anh hùng Núp (ảnh Văn Công Hùng).

Tôi nhớ ông nói với tôi rất nhiều lần, đại ý: tại sao thời chiến tranh các nhà văn lại viết được nhiều và hay như thế, ấy là bởi nếu không viết ra lỡ hy sinh thì sao? Viết với tâm trạng đây là trang cuối cùng, dòng cuối cùng, chữ cuối cùng, dấu chấm cuối cùng, dấu phẩy cuối cùng… Viết như sự ký thác, như sự trút bỏ, rút ruột lột da ra mà viết. Viết để hy sinh. Còn bây giờ, thời gian nhiều quá, hôm nay chưa viết, mai viết, mai bận nhậu, mốt viết… thế thì làm sao mà hay được.

Và tôi, kẻ hậu sinh, đã học được rất nhiều từ hai đỉnh của văn chương Tây Nguyên ấy…


Nguồn bài viết:
https://www.nguoiduatin.vn/voi-hai-dinh-van-chuong-tay-nguyen-a644481.html