baokontum.com.vn
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với một đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo tỉnh (đã nghỉ hưu) sáng nay về ứng xử của một phóng viên trẻ công tác ở một tờ báo bạn làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Rõ ràng là vẫn cần nỗ lực hơn nữa trong xây dựng văn hóa người làm báo.
Tớ vừa bực vừa buồn- anh kể, vẫn với cách nói chuyện bỗ bã, thân tình của mình. Chiều qua, có số điện thoại lạ gọi cho tớ. Vừa bắt máy thì bên kia có một giọng nam còn trẻ “bắn” một tràng dài: Chú X phải không. Cháu là phóng viên của báo Y, muốn gặp chú để làm rõ một số thông tin liên quan đến chú. Khoảng 30 phút nữa cháu tới gặp nhé.
Tớ hơi giật mình, nhưng phép lịch sự, tớ vẫn nói: “Hôm nay chú có việc bận rồi. Cháu có thể cho chú hẹn lại vào thời gian khác được không? Ai dè bên kia nói: Cháu đã đăng ký trả bài cho tòa soạn. Nếu chú không gặp thì cháu sẽ viết theo những gì cháu có, lúc ấy chú không trách được cháu đâu đấy”. Rồi tắt máy.
Ơ, vậy là sao nhỉ? Chưa kể đến chuyện ăn nói chưa được lịch sự cho lắm, kiểu như ra lệnh, thì ít nhất cũng phải cho tớ cái hẹn để chuẩn bị chứ. Đằng này nói như ra lệnh, lại còn mang vẻ dọa dẫm nữa- anh phàn nàn.
Quá trình tác nghiệp của người làm báo là một hoạt động văn hóa. Ảnh: H.L
Nghe anh kể mà tôi cũng thấy… nhột, chủ yếu là vì “đụng chạm nghề nghiệp” chút, chứ tôi không quen biết bạn phóng viên nọ.
Có thể thấy được nhiều vấn đề từ câu chuyện trên, rõ ràng hơn cả là xây dựng văn hóa người làm báo. Nhất là trong bối cảnh chúng ta đã trải qua hai năm triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam”.
Ngày 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân dân phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.
Đồng thời, Hội Nhà báo Việt Nam cũng ban hành “12 tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam”, gồm 6 tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và 6 tiêu chí xây dựng văn hóa của người làm báo.
Trở lại với câu chuyện trên, dù không muốn nhưng tôi cũng phải thừa nhận với đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo tỉnh rằng, bên cạnh đa số người làm báo không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ứng xử có văn hóa, thì vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Họ không chỉ hạn chế trong ứng xử mà còn bị chi phối bởi những cám dỗ mà “bẻ cong ngòi bút”.
Trên thực tế có một bộ phận người làm báo đã có những hành vi thiếu chuẩn mực trong hoạt động báo chí. Hậu quả của việc này là thái độ, cách nhìn nhận tiêu cực của xã hội đối với nhà báo. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của những người làm báo chân chính.
Bên cạnh đó, gần đây cũng có hiện tượng cơ quan báo, tạp chí buông lỏng quản lý để các phóng viên tự tung tự tác, có hành vi vòi vĩnh, làm khó, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Phản ánh trung thực, khách quan, kiên quyết đấu tranh với các hành vi sai trái. Ảnh: HL
Ở Báo Kon Tum, từ trước đây, và nhất là hai năm hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam”, Báo Kon Tum đã đặc biệt quan tâm đến xây dựng môi trường văn hóa và văn hóa người làm báo.
Để xây dựng cơ quan văn hóa, Báo Kon Tum thực hiện nghiêm túc văn hóa công vụ, xây dựng nét đẹp văn hóa công sở. Công tác quản lý đội ngũ cán bộ, phóng viên, người lao động thực hiện chặt chẽ, đúng quy chế.
Về xây dựng văn hóa người làm báo, Báo Kon Tum quan tâm rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, người lao động.
Văn hóa ứng xử với nhân dân, doanh nghiệp và độc giả trong quá trình tác nghiệp và trong các tác phẩm báo chí cũng là yêu cầu cần tuân thủ nghiêm đối với mỗi người.
Đội ngũ người làm báo ở Báo Kon Tum luôn xác định rõ quá trình tác nghiệp là một hoạt động văn hóa. Điều đó thể hiện từ lời ăn, tiếng nói, tiếp xúc với cơ sở, người dân: Tuyệt đối không gây phiền hà, sách nhiễu cơ sở, doanh nghiệp; không để bị lợi dụng, bị tha hóa, biến chất trước những cám dỗ của lợi ích vật chất.
Quá trình tác nghiệp và thể hiện tác phẩm luôn tuân thủ tôn chỉ, mục đích của báo đảng; không đặt tít giật gân, sử dụng câu từ, nội dung gây sốc, không đúng sự thật để thu hút bạn đọc. Phản ánh chân thực, kịp thời đời sống xã hội, thành tựu phát triển của tỉnh.
Cần phải khẳng định rằng, nhà báo, bên cạnh nhiệm vụ chính là phản ánh, đưa tin, còn phải là người góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa; bảo vệ, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.
Nói về văn hóa của người làm báo, nhà báo Hồ Quang Lợi- nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam từng chia sẻ: Văn hóa của người làm báo còn nằm ở chỗ, họ phải luôn quan tâm đến giá trị con người, biết cảm thông và bao dung cho những hoàn cảnh khốn khó.
Vì vậy, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo là yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, cần phải xác định đây là một việc làm dài hơi chứ không chỉ là phong trào trong thời gian ngắn.
Trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan báo chí và mỗi người làm báo phải tự nguyện và tích cực, quyết tâm hơn nữa.
Hồng Lam
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/van-hoa-nguoi-lam-bao-42489.html