baokontum.com.vn
Thời gian qua, tỉnh ta thực hiện có hiệu quả công tác tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng công tác GD&ĐT trên địa bàn.
Toàn tỉnh hiện có 325 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; trong đó có 110 trường mầm non, 82 trường tiểu học, 47 trường THCS, 61 trường TH-THCS, 17 trường THPT, 8 trường THCS-THPT. Ngoài ra, còn có 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Số lượng viên chức được giao hiện nay tuy còn thiếu so với định mức nhưng cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao Theo Quyết định 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị (về giao chỉ tiêu biên chế viên chức tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022-2026); trong đó biên chế giáo viên theo định mức 8.766 người, còn thiếu 915. Năm học 2022-2023, tỉnh bổ sung 391 viên chức; năm học 2023-2024 bổ sung 133 viên chức.
Huyện Kon Plông thực hiện tốt công tác tuyển dụng, sắp xếp hợp lý cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục và đào tạo. Ảnh: C.C
Theo đánh giá của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, chất lượng cán bộ lãnh đạo quản lý có 100% đạt chuẩn và trên chuẩn; giáo viên có trên 96% đạt chuẩn và trên chuẩn; số giáo viên chưa đạt chuẩn chiếm tỷ lệ thấp, dưới 4%. Hiện nay, số giáo viên chưa đạt chuẩn được cử đi đào tạo để nâng chuẩn theo đúng lộ trình.
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3732/UBND-KTTH (ngày 18/10/2021) thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực GD&ĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2 (2021-2025) và giai đoạn 3 (2025-2030).
Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc thẩm quyền quản lý theo lộ trình.
Trong 2 năm 2022-2023, tiến hành sắp xếp được 32 cơ sở trường học. Hiện nay, toàn tỉnh có 325 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 571 điểm trường lẻ.
Ngày 29/3/2024, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Văn bản số 1049/UBND-KGVX chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên.
Hàng năm, các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai việc điều động, luân chuyển, biệt phái, bổ nhiệm viên chức để điều hòa số lượng người làm việc thừa, thiếu giữa các đơn vị trường học, đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp tương ứng giữa các đơn vị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tiết dạy và học nhạc tại Trường Tiểu học Măng Đen, huyện Kon Plông. Ảnh: C.C
Trong 2 năm 2022-2023, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện điều động, luân chuyển 621 lượt viên chức; bổ nhiệm và bổ nhiệm lại 128 lãnh đạo quản lý; biệt phái 19 trường hợp; xem xét điều động một số trường hợp viên chức. Viên chức được điều động, luân chuyển, biệt phái, bổ nhiệm cơ bản đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn, chức danh theo quy định.
Công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động trong ngành GD&ĐT của tỉnh được quan tâm thực hiện.
Theo đó, trong 2 năm 2022-2023, Sở Nội vụ thành lập 4 đoàn thanh tra việc thực hiện quy định tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động tại 4 huyện Ia H’Drai, Kon Rẫy, Đăk Glei, Đăk Tô. Qua thanh tra cho thấy, cơ bản các đơn vị, địa phương thực hiện tốt các quy định trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức; không xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo.
Để nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ viên chức, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT trên địa bàn, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần hành quy định số lượng học sinh/lớp thấp hơn hoặc cao hơn so với mức bình quân theo vùng, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo quy định tại Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức; các chế độ, chính sách đối với người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp GD&ĐT công lập; có chính sách đặc thù (chính sách ưu tiên, chính sách thu hút…) để thu hút nguồn nhân lực phục vụ cho công tác GD&ĐT tại các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; quan tâm bố trí, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, đơn vị để thực hiện ký kết hợp đồng người làm việc theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.
Mặt khác, các đơn vị, địa phương cần xây dựng phương án thống nhất về thời gian, phương thức tổ chức tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục để đảm bảo cân đối nguồn thí sinh đăng ký dự tuyển giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Thực hiện tốt công tác thẩm định kế hoạch tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động của các đơn vị, địa phương đảm bảo kịp thời, hợp lý cho công tác tuyển dụng và theo thẩm quyền được phân cấp.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo theo quy định; cắt giảm số lượng viên chức được giao cho các đơn vị, địa phương có nhiều chỉ tiêu biên chế nhưng không tuyển dụng để phân bổ cho các đơn vị, địa phương có nhu cầu.
Song song với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động của các đơn vị, địa phương; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hoặc đề nghị cấp thẩm quyền xử lý những sai phạm. Đặc biệt, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cấp học; nghiên cứu phương án đặt hàng đào tạo giáo viên tại các trường đại học để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay tại các cơ sở GD&ĐT.
Cao Cường
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/tuyen-dung-sap-xep-hop-ly-hieu-qua-doi-ngu-can-bo-vien-chuc-nganh-giao-duc-42368.html