Triển khai hiệu quả Chương trình GDPT năm 2018

7

baokontum.com.vn

Năm mới 2024-2025 đã bắt đầu. Đây là năm học đầu tiên Kon Tum cùng với cả nước đồng loạt triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 ở tất cả các khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 12) và thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh vào lớp 10, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phù hợp với Chương trình GDPT năm 2018. Với đặc thù của một tỉnh miền núi, sẽ có những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện đòi hỏi các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục tỉnh phải không ngừng nỗ lực,nêu cao quyết tâm phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ năm học đã đề ra.

Thực tế cho thấy, Chương trình GDPT năm 2018 được ngành Giáo dục tỉnh triển khai đồng bộ cả về phương pháp và hình thức giáo dục/dạy học trong những năm qua đã mang lại những chuyển biến tích cực. Qua các năm, Kon Tum liên tục đạt thành tích cao so với các tỉnh trong vùng về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và đạt nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, các cuộc thi sáng kiến khoa học kỹ thuật. Và gần đây nhất, tỷ lệ xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh đạt 99,33%, tăng 0,55% so với năm 2023 và điểm trung bình các môn thi đạt 6,533 điểm, tăng 0,189 điểm so với năm 2023.

Những kết quả đạt được đã khẳng định hướng đi đúng đắn và tạo động lực để ngành Giáo dục tỉnh để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 trong năm học mới 2024-2025 và những năm học tiếp theo.

071306C%C3%A1c%20th%E1%BA%A7y%20c%C3%B4%20gi%C3%A1o%20tham%20gia%20c%C3%A1c%20l%E1%BB%9Bp%20b%E1%BB%93i%20d%C6%B0%E1%BB%A1ng,%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%20d%E1%BA%ABn%20ph%C6%B0%C6%A1ng%20ph%C3%A1p%20d%E1%BA%A1y%20h%E1%BB%8Dc%20theo%20s%C3%A1ch%20gi%C3%A1o%20khoa%20m%E1%BB%9Bi

Các thầy cô giáo tham gia các lớp bồi dưỡng, hướng dẫn phương pháp dạy học theo sách giáo khoa mới. Ảnh: N.P

 

Với đặc thù của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, hơn 53% dân số là đồng bào DTTS, trình độ dân trí thấp, so với trên bình diện chung cả nước, Kon Tum gặp phải nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện những đổi mới trong giáo dục nói chung và triển khai thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 nói riêng. Bởi, cùng với chương trình, sách giáo khoa và những đổi mới trong kiểm tra, thi cử, thì đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trường lớp chính là những yếu tố cấu thành chất lượng giáo dục.

Trong khi đó, thời gian qua, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng những vấn đề mấu chốt này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Rõ nhất là về đội ngũ nhà giáo. Không chỉ thiếu cục bộ giáo viên ở một số bộ môn và ở các xã vùng sâu, vùng xa, mà một số giáo viên còn chưa bắt kịp yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, chưa vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh nên tạo áp lực, khó khăn cho việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục nói chung và việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018, dạy và học theo sách giáo khoa mới đối với các khối lớp cuối cấp (khối lớp 5, 9,12) nói riêng.

Cùng với đó, điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục ở các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới giáo dục. Các trường học ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu phòng học để dạy 2 buổi/ngày, thiếu phòng thí nghiệm, thực hành, thiếu nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập – đây là những điều kiện quan trọng để phục vụ cho các môn học, chủ đề tự chọn. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa mặc dù đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng học sinh đi học thiếu chuyên cần, nhất là vào những dịp đầu năm học mới, lễ, tết, sẽ khó tạo được sự đồng bộ, hiệu quả khi tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang dồn lực cho 3 lớp cuối cấp dạy và học theo sách giáo khoa mới.

071345H%E1%BB%8Dc%20sinh%20l%E1%BB%9Bp%201%20%E1%BB%9F%20Tu%20M%C6%A1%20R%C3%B4ng%20trong%20ti%E1%BA%BFt%20h%E1%BB%8Dc%20c%E1%BB%A7a%20Tu%E1%BA%A7n%20l%C3%A0m%20quen

Học sinh lớp 1 ở Tu Mơ Rông trong tiết học của Tuần làm quen. Ảnh: NP

 

Năm học 2024 -2025, toàn tỉnh có 349 trường mầm non và phổ thông, có 32 trường phổ thông dân tộc bán trú, 63 trường phổ thông có học sinh bán trú với khoảng 170 nghìn học sinh ở các cấp học, trong đó có khoảng 97 nghìn em là người DTTS, chiếm tỷ lệ 57%.  Với việc áp dụng Chương trình GDPT năm 2018 ở tất cả các khối lớp và đi cùng với đó là những thay đổi về mục tiêu, nội dung, phương pháp và cách thức kiểm tra, đánh giá, thi cử sẽ có tác động đến không chỉ đội ngũ giáo viên, học sinh, các nhà quản lý giáo dục mà còn tác động trực tiếp đến hàng triệu gia đình và toàn thể xã hội.

Nhiệm vụ căn cơ, cốt lõi của năm học mới 2024-2025 này là tập trung triển khai hiệu quả Chương trình GDPT năm 2018 ở tất cả các bậc học, các khối lớp. Để tạo tâm thế cho năm học mới và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần triển khai thực hiện tốt các định hướng chỉ đạo, nhất là giải quyết những vấn đề lớn như thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và kịp thời hỗ trợ cho học sinh khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số…  mà văn bản số 2996/UBND-KGVX, ngày 25/8 của UBND tỉnh đã đề ra. Bên cạnh đó, cùng với kế thừa và phát huy thành quả của các năm học trước, đặc biệt là những kết quả đạt được trong triển khai Chương trình GDPT năm 2018 ở các bậc học, các khối lớp trong những năm học gần đây, các cơ sở giáo dục cần tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, giáo viên, nâng cao hiệu quả dạy và học,  hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ của năm học mới 2024-2025.      

Nguyên Phúc


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/trien-khai-hieu-qua-chuong-trinh-gdpt-nam-2018-42736.html