Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

14

baokontum.com.vn

02/02/2024 06:14

Xác định bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, thời gian qua, tỉnh ta luôn quan tâm tới việc thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy khả năng trong hoạt động quản lý nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhờ vậy, Kon Tum được đánh giá đạt nhiều kết quả nổi bật về công tác cán bộ nữ.

Qua các nhiệm kỳ, đội ngũ cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng về số lượng, chất lượng, Kon Tum luôn có tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt, đại biểu cơ quan dân cử các cấp trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2020 -2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở cấp tỉnh chiếm khoảng 14%, cấp huyện chiếm 21,16%, cấp cơ sở chiếm 26,37%; và đặc biệt Kon Tum thuộc nhóm các đảng bộ tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ trong ban thường vụ trên 10%. Tỷ lệ phụ nữ tham gia cơ quan dân cử các cấp đều trên 30%: nữ đại biểu Quốc hội khóa XV 33,3%; tỷ lệ cán bộ nữ là đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 -2026 ở cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 35,29%, cấp huyện 30,06%, cấp cơ sở 34,05 %. Kết quả này cho thấy tỉnh ta đã dành sự quan tâm sâu sắc, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy khả năng trong hoạt động quản lý nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Phụ nữ tham gia ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ảnh: NP

 

Có thể thấy nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phụ nữ, về những thách thức đối với sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, tỉnh ta đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, Luật Bình đẳng giới (được thể hiện xuyên suốt trong nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các nghị quyết và chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà rõ nhất là Nghị quyết số 11 ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới). Nhờ vậy không chỉ số lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp tăng cao mà có  những vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện đều là cán bộ nữ, các cơ quan chính quyền, sở, ngành có nữ tham gia ban lãnh đạo đạt tỷ lệ cao. Điều đó chứng tỏ các Nghị quyết, Chỉ thị, Luật đã đi vào cuộc sống, là sự nỗ lực và là kết quả bước đầu thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Qua đó có tác động tích cực đến công tác phụ nữ, tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, của xã hội, gia đình và của bản thân người phụ nữ.

Từ những số liệu thống kê cho thấy, phụ nữ trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đóng góp của chị em vào quá trình phát triển đã được khẳng định ngày càng rõ với những kết quả nổi bật. Phụ nữ đã dần tự chủ hơn về kinh tế, trong lĩnh vực chính trị tiếng nói của họ ngày càng được lắng nghe nhiều hơn.

180346Ph%E1%BB%A5%20n%E1%BB%AF%20lu%C3%B4n%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20t%E1%BA%A1o%20%C4%91i%E1%BB%81u%20ki%E1%BB%87n%20%C4%91%E1%BB%83%20ph%C3%A1t%20huy%20kh%E1%BA%A3%20n%C4%83ng

Phụ nữ luôn được tạo điều kiện để phát huy khả năng. Ảnh: NP

 

Tuy nhiên, trên thực tế phụ nữ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi tham gia vào đời sống chính trị chủ yếu do các định kiến và quan niệm văn hóa đã từ lâu đời liên quan đến vai trò của phụ nữ, mà trong đó trách nhiệm gia đình vẫn được coi là yếu tố cản trở nhiều nhất đòi hỏi phụ nữ phải vượt qua. Sự hạn chế này không hẳn do phụ nữ không đủ năng lực mà còn do nhiều yếu tố thuộc về nhận thức giới và các yếu tố tác động khác.

 Bởi vậy, việc các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị  cho thấy sự quan tâm trong công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ, động viên khích lệ phụ nữ vượt qua rào cản, phấn đấu vươn lên.

Phụ nữ chiếm một nửa dân số, nếu tính theo tỷ lệ đại diện thì phụ nữ có thể đạt được một nửa các vị trí quyết sách. Bởi vậy, chú trọng công tác cán bộ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, nhất là các cơ quan dân cử chính là phấn đấu cho mục tiêu bình đẳng. Mặt khác, là đại diện cho giới nữ nên nữ đại biểu thường quan tâm nhiều hơn các hoạt động đảm bảo việc lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật, các chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và sẽ có những tác động tích cực đến những chính sách có ảnh hưởng tới phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới.

Bởi vậy, quan tâm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy khả năng trong lĩnh vực chính trị, đặc biệt là mục tiêu tăng tỷ lệ nữ đại diện trong các cơ quan dân cử nhằm tăng ảnh hưởng của phụ nữ đối với việc hoạch định chính sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nguyên Phúc


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/tang-cuong-su-tham-gia-cua-phu-nu-trong-linh-vuc-chinh-tri-37253.html