Sức sống mới trên vùng căn cứ cách mạng

52

baokontum.com.vn

28/04/2024 06:30

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của mỗi người dân, cuộc sống mới của bà con ở vùng căn cứ cách mạng năm xưa trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay khởi sắc.

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi vượt hơn 100km để về làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông). Khu tái định cư thôn Tu Thó được xây dựng cách đây 3 năm, nhằm đưa các hộ dân đồng bào Xơ Đăng ở vùng có nguy cơ sạt lở về định cư. Bây giờ làng Tu Thó có nhiều đổi khác. Hạ tầng được đầu tư khang trang, đường sá rộng rãi, cây xanh bao phủ. Quanh nhà dân là những vườn cà phê xứ lạnh phát triển tốt tươi. Những vạt rừng thông xanh ngắt phủ rợp bầu trời. Khắp các tuyến đường bê tông dẫn vào nhà dân, cờ đỏ bay phấp phới. Đẹp nhất là Tu Thó khi về đêm, cả ngôi làng chìm trong ánh điện, nổi bật giữa cao nguyên rộng lớn.

Tôi gặp anh A Dâm khi anh hối hả chở sâm dây vừa thu hoạch từ rẫy về nhà. Anh phấn khởi kể: Từ lúc chuyển về khu tái định cư, gia đình trồng 3 sào sâm dây, 3ha rừng, 8.000 cây cà phê, đời sống trở nên ấm no. Về nơi ở mới, cuộc sống gia đình mình tốt hơn nhiều so với làng cũ. Cái tốt thứ nhất là ăn ngủ ngon, không còn lo bị núi lấp nhà. Cái tốt nữa là làng mới đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng nên cuộc sống vô cùng thuận tiện. Nhà nước cũng hỗ trợ kỹ thuật để sản xuất nên năng suất cà phê, sâm dây đều tăng.

115005ng%C3%B4i%20nh%C3%A0%20%C4%91%E1%BA%B9p%20%E1%BB%9F%20Tu%20Th%C3%B3%20(1)

Những ngôi nhà đẹp, khang trang ở làng Tu Thó, xã Tê Xăng. Ảnh: H.N

 

Ông A Bù- Trưởng thôn Tu Thó cho biết, thôn có khoảng 100 hộ dân ở làng cũ di dời về khu tái định cư Tu Thó sinh sống. 3 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống người dân đều tốt đẹp, bộ mặt ngôi làng tươi sáng hơn. Bà con an cư, tập trung trồng mì, làm lúa, cây dược liệu, thu nhập không ngừng tăng lên. Trường được xây tại làng nên con em có điều kiện học tập. Bà con đồng bào Xơ Đăng nơi đây luôn tin vào chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước với đồng bào.

Bà Y Hoa- Bí thư Đảng ủy xã Tê Xăng cho biết, khu tái định cư mới Tu Thó có điều kiện tốt nên từ lúc xây dựng, các hộ dân đã di dời về khu tái định cư mới. Bây giờ, bà con đồng bào Xơ Đăng yên tâm sinh sống, tập trung phát triển kinh tế. Đời sống người dân được cải thiện, nâng cao, bộ mặt nông thôn mới nhiều khởi sắc. Hiện nay, xã đang xây dựng làng trở thành làng du lịch cộng đồng.

Cũng theo bà Y Hoa, để Tu Thó trở thành làng du lịch cộng đồng hấp dẫn, một số bà con đã mạnh dạn liên kết xây dựng nhà ở lưu trú; trồng sâm Ngọc Linh để phục vụ du khách tham quan vườn sâm; trồng hoa hồng Bulgaria để làm mỹ phẩm, nước hoa; thành lập các tổ cồng chiêng và sưu tầm các món ẩm thực quý để làm du lịch, phục vụ du khách đến với Tu Thó.

 “Liên kết trồng hoa hồng ngoài phục vụ khách, thì sản phẩm còn được bán để lấy tinh dầu làm nước hoa, mỹ phẩm, qua đó mở ra cơ hội tăng thu nhập cho bà con. Trong mô hình du lịch cộng đồng, đồng bào Xơ Đăng giữ vai trò quan trọng, được địa phương kỳ vọng sẽ làm giàu trên chính mảnh đất, quê hương của mình”- bà Hoa cho hay.

115123C%C3%A1nh%20%C4%91%E1%BB%93ng%20l%C3%BAa%20ru%E1%BB%99ng%20b%E1%BA%ADc%20thang%20ch%C3%ADn%20v%C3%A0ng%20%C3%B3ng%20%E1%BB%9F%20thung%20l%C5%A9ng%20M%C4%83ng%20Ri %20huy%E1%BB%87n%20Tu%20M%C6%A1%20R%C3%B4ng%20l%C3%A0%20%C4%91i%E1%BB%83m%20%C4%91%E1%BA%BFn%20h%E1%BA%A5p%20d%E1%BA%ABn%20cho%20du%20kh%C3%A1ch%20(2)

Cánh đồng lúa ruộng bậc thang chín vàng óng ở thung lũng Măng Ri- huyện Tu Mơ Rông là điểm đến hấp dẫn cho du khách. Ảnh:H.N

 

Trong những năm gần đây, với những chủ trương, định hướng đúng đắn, cụ thể của tỉnh, của huyện, đồng bào dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập trung đầu tư khai thác lợi thế của địa phương là sâm Ngọc Linh và các dược liệu để giảm nghèo, thúc đẩy phát triển. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã phát triển được gần 2.347ha sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, trong năm 2023, bà con trong huyện cũng đã trồng mới hơn 230ha sâm dây, sơn tra, ngũ vị tử, nâng tổng diện tích dược liệu (ngoài sâm Ngọc Linh) toàn huyện lên hơn 1.300ha.

Điều đáng nói, trước đây việc bà con vay vốn để phát triển kinh tế, đầu tư vào sản xuất là chuyện rất hiếm. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, nhờ được tuyên truyền, vận động, đồng bào Xơ Đăng đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Đơn cử như năm 2022, vốn vay đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh của dân bằng 5 năm trước cộng lại. Năm 2023, người dân tiếp tục vay đến 94 tỷ đồng (tăng gấp đôi năm 2022) để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh.

Đến nay, có khoảng 80% hộ đồng bào Xơ Đăng trong huyện đang trồng, phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu. Đặc biệt, ở các xã như Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri có nhiều làng gần như 100% hộ dân đều trồng dược liệu. Nhờ sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác mà nhiều hộ dân ở Tu Mơ Rông không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu. Thậm chí, có hộ chỉ riêng bán hạt sâm Ngọc Linh, có năm thu được 10 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều toàn huyện Tu Mơ Rông giảm 10,50%. Trong đó, giảm 562 hộ nghèo (tỷ lệ giảm 8,48%), hộ nghèo còn lại 2.297/7.050 hộ, chiếm tỷ lệ 32,58% tổng số hộ toàn huyện; giảm 137 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ giảm 2,02%), hộ cận nghèo còn lại là 295/7050 hộ, chiếm tỷ lệ 4,18%.

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, trở lại vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt, nét mặt vui tươi của đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Họ vui mừng và đang thi đua hăng say lao động sản xuất chào mừng sự kiện khánh thành Dự án cải tạo, nâng cấp Khu căn cứ Tỉnh ủy. Phát huy truyền thống cách mạng ấy, nhân dân Tu Mơ Rông đã và đang phát huy thế mạnh, nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung xây dựng huyện ngày càng phát triển và sớm thoát khỏi huyện nghèo.

Cùng với Tu Mơ Rông, trong kháng chiến, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đăk Hà là những căn cứ cách mạng quan trọng của tỉnh như Ngọc Réo, Đăk Ui. Sau 49 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, diện mạo các xã thuộc vùng căn cứ cách mạng nằm trên địa bàn huyện cũng đã có những đổi thay khởi sắc, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

Người dân xã Ngọk Réo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Ảnh: T.H

 

Xã Ngọk Réo được thành lập năm 1981. Tuy nhiên, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, vùng đất Ngọk Réo là vùng căn cứ cách mạng quan trọng thuộc huyện H16 (huyện Kon Rẫy ngày nay). Đây là địa bàn có vị trí quân sự khá quan trọng, giữ vai trò cửa ngõ phía Bắc thị xã Kon Tum, làm bàn đạp để đánh ra các vùng khu vực đường 14,  Đăk Tô- Tân Cảnh, Măng Đen, Măng Bút và thị xã Kon Tum. Với tinh thần yêu nước, người dân Ngọk Réo luôn đoàn kết, chịu đựng mọi gian khổ, đóng góp tích cực cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mặc dù là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Hà, nhưng phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, suốt những năm qua, người dân xã Ngọk Réo không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào Xơ Đăng ở xã Ngọk Réo tích cực cải tạo đồng ruộng, mở rộng diện tích thâm canh lúa nước; từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê vào trồng; mở rộng diện tích rau màu, cây ăn trái; phát triển chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế. Hiện tại, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn xã Ngọk Réo là 3.560ha, trong đó, diện tích gieo trồng cây lâu năm là 2.078ha; tổng đàn gia súc là 2.563 con.

Điều đáng mừng là những năm gần đây, người dân ở xã Ngọk Réo mạnh dạn vay nguồn vốn chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện và khả năng của từng gia đình để nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Đến cuối năm 2023, tổng dư nợ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt gần 65 tỷ đồng  với 957 lượt hộ vay. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn trong năm 2023 đạt 48,6 triệu đồng.

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, người dân xã Ngọk Réo cũng tích cực tham gia chỉnh trang nhà cửa, xóa nhà tạm, cải tạo vườn tạp, hiến đất, góp công xây dựng các thôn, làng ngày càng khang trang. Đến nay, xã Ngọk Réo đạt 19/19 tiêu chí và đang hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị công nhận nông thôn mới.

Người dân xã Đăk Ui tích cực phát triển sản xuất để nâng cao đời sống. Ảnh: T.H

 

Khi nhắc đến truyền thống cách mạng của địa phương, tất cả người dân xã Đăk Ui đều bày tỏ niềm tự hào về lịch sử hào hùng. Bởi, đây là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào Xơ Đăng luôn đoàn kết một lòng theo Đảng, cách mạng, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ quê hương, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chỉ tính riêng từ những năm 1961-1970, nhân dân và du kích xã Đăk Ui đã tham gia đánh 289 trận với địch, bắn rơi 6 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu 885 tên địch. Đăk Ui chính là lá cờ đầu của tỉnh và khu vực Tây Nguyên về xây dựng cơ sở quần chúng vững chắc, đội du kích mạnh. Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, năm 1971, xã Đăk Ui được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau ngày thống nhất đất nước, người dân xã Đăk Ui lại từng bước khắc phục vết thương chiến tranh, bắt tay vào xây dựng đời sống mới. Được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư về điện, đường, trường, trạm, đảng bộ, chính quyền xã Đăk Ui lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiều chương trình phát triển kinh tế như, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng thôn, làng; tranh thủ các nguồn hỗ trợ triển khai có hiệu quả các mô hình kinh tế vườn, đồi, đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc. Từ đó, kinh tế- xã hội của xã Đăk Ui  từng bước phát triển, diện mạo vùng đất anh hùng ngày càng đổi mới.

Chủ tịch UBND xã Đăk Ui Đinh Thư chia sẻ: Toàn bộ đường làng, ngõ xóm đều được thảm nhựa và bê tông hóa khang trang, sạch sẽ; 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; trường học, trạm được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn. Tổng diện tích các loại cây trồng của toàn xã là 2.446,28ha; trong đó, có gần 1.000ha cây lâu năm. Tuy nhiên, điểm mới là không chỉ tập trung đầu tư thâm canh các loại cây trồng truyền thống như mì, lúa, cà phê, những năm gần đây, người dân trên địa bàn còn mạnh dạn thử sức với những loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như mắc ca, cây ăn quả. Đến nay, toàn xã Đăk Ui phát triển được 121,68ha cây ăn quả, 83,5ha cây mắc ca, 53ha cây dược liệu các loại. Đầu năm 2023, xã Đăk Ui được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 48 triệu đồng. Hiện tại, Đăk Ui tiếp tục hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ngày nay, hầu hết những vùng căn cứ cách mạng năm xưa trên địa bàn tỉnh đều đã khoác lên mình “màu áo mới”. Kết quả này bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, anh hùng, tinh thần vượt khó vươn lên của người dân, bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp của Đảng bộ, chính quyền các địa phương và sự quan tâm đầu tư, đồng hành của tỉnh, huyện. Đây là nền tảng vững chắc để những vùng đất anh hùng vững tin bước tiếp trên hành trình phát triển, xây dựng cuộc sống ấm no.

Hà Nam – Thùy Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/suc-song-moi-tren-vung-can-cu-cach-mang-40579.html