baokontum.com.vn
Đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025 và đã xây dựng kế hoạch, triển khai mọi biện pháp, quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm học.
Như nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, những ngày này, không khí chuẩn bị cho năm học mới tại các trường học trên địa bàn huyện biên giới Đăk Glei cũng khá rộn ràng. Cùng với việc quét dọn vệ sinh trong và ngoài khuôn viên trường, lớp học, chà rửa các đồ dùng, đồ chơi ngoài trời thì các trường cũng đang gấp rút làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, chuẩn bị sách giáo khoa, xây dựng tiểu cảnh trong và ngoài lớp học. Năm học 2024 – 2025, huyện Đăk Glei có 525 lớp, với 14.722 học sinh. Huyện Đăk Glei bám sát kế hoạch năm học của Sở GD&ĐT ban hành và văn bản chỉ đạo của UBND huyện, chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn làm tốt công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới. Các đơn vị trường học cũng đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên tu sửa, dọn dẹp lớp học, bàn ghế, cắt tỉa hoa, cây cảnh, vệ sinh trong khuôn viên nhà trường, sắp xếp đồ dùng giảng dạy và khu vực xung quanh lớp học để sẵn sàng đón học sinh.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei Nguyễn Thị Thương cho biết: Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường học tập trung rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị như đồ dùng dạy học, sách giáo khoa, cùng với đó phối hợp với các đoàn thể địa phương thường xuyên truyên truyền đến các bậc phụ huynh thực hiện đưa học sinh ra lớp đầy đủ.
Cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, công tác vận động học sinh ra lớp được quan tâm. Ảnh: ĐV
Cùng với việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhiều địa phương đã tích cực vận động học sinh ra lớp, hạn chế tình trạng bỏ học sau kỳ nghỉ hè. Ông Vũ Việt Thắng – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi cho biết: Năm học mới 2024 – 2025, đơn vị đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể chăm lo cho học sinh thuộc diện chế độ chính sách, người DTTS, học sinh nghèo để giúp đỡ, động viên các em đi học, thực hiện tốt yêu cầu “3 đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) cho học sinh.
Năm học 2024 – 2025, toàn tỉnh có 349 trường mầm non và phổ thông, có 32 trường PTDTBT và 63 trường phổ thông có học sinh bán trú với khoảng 170.000 học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT. Trong đó, khoảng 97.000 trẻ em và học sinh là người DTTS, chiếm khoảng 57%. Đây cũng là năm học thứ ba tỉnh Kon Tum thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp THPT. Hai năm học trước các trường đã thực hiện tốt theo đúng hướng dẫn, trong đó có việc tổ chức cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn học.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2024 – 2025, ngành GD&ĐT tỉnh đã sắp xếp, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch bổ sung, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Toàn tỉnh hiện có 6.150 phòng, trong đó được đầu tư xây dựng mới bổ sung 151 phòng học; số phòng học được cải tạo, sửa chữa, kiên cố hóa là 290 phòng, đảm bảo bố trí 1 phòng/lớp. Số phòng học bộ môn, thư viện, nhà ở học sinh, nhà vệ sinh được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo là 134 phòng. Khối hành chính quản trị và các hạng mục phu trợ tiếp tục được quan tâm đầu tư. Trang thiết bị dạy học được bổ sung, sách giáo khoa, dụng cụ học tập của học sinh được trang bị từ nhiều nguồn, đảm bảo cho công tác học tập.
Bên cạnh công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục cho các trường, công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cho năm học mới cũng được ngành GD&ĐT tỉnh triển khai thực hiện, tiến tới ổn định công tác tổ chức tại các trường học. Đội ngũ nhà giáo tiếp tục được bổ sung, đáp ứng việc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Toàn tỉnh hiện có 11.963 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang làm việc tại các cơ sở giáo dục, trong đó, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp mầm non, phổ thông công lập được UBND tỉnh giao năm 2024 là 11.631 biên chế. Tỷ lệ trình độ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở các cấp học trên địa bàn tỉnh đều cao hơn mức trung bình chung của cả nước.
“Tuần làm quen” của học sinh vào lớp 1. Ảnh: Đ.V
Để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, ngành GD&ĐT tỉnh cử cán bộ, giáo viên tham gia các cuộc tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy; bồi dưỡng nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; giao lưu, trao đổi kinh nghiệm dạy học, đồng thời bổ sung những kiến thức mới để phục vụ cho công tác giảng dạy trong năm học mới 2024 -2025 đạt hiệu quả cao nhất.
Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Trung cho biết: Bên cạnh việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, bước vào năm học 2024 – 2025, ngành GD&ĐT tỉnh cũng đã phát động phong trào thi đua chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” và xây dựng góc học tập tại nhà cho học sinh khó khăn. Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, mong rằng các học sinh có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu vươn lên, đạt kết quả học tập cao nhất, góp phần cho sự phát triển của ngành giáo dục tỉnh nhà.
Đắc Vinh
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/san-sang-buoc-vao-nam-hoc-moi-42522.html