Sa Thầy: Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

60

baokontum.com.vn

13/05/2024 13:09

Thời gian qua, huyện Sa Thầy tập trung nguồn lực để đầu tư công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là tại vùng đồng bào DTTS. Qua đó, đem lại nhiều kết quả tích cực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Hàng năm, căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh và các ban, ngành, UBND huyện Sa Thầy tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị chức năng và các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân tham gia thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; đồng thời triển khai hiệu quả việc khảo sát và tư vấn, dự báo nhu cầu học nghề vào cuối mỗi năm để xây dựng kế hoạch triển khai trong năm tiếp theo.

Bám sát kế hoạch của UBND huyện Sa Thầy, các ban, ngành, đoàn thể chính trị- xã hội và chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện Sa Thầy phối hợp triển khai tích cực. Đồng thời, các đơn vị chức năng, các  địa phương chủ động khảo sát, xây dựng kế hoạch dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế của người học, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội; trong đó, ưu tiên dạy nghề cho hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người yếu thế, các đối tượng chính sách.

165319%C4%90%C3%A0o%20t%E1%BA%A1o%20ngh%E1%BB%81%20n%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p%20%C4%91ang%20l%C3%A0%20th%E1%BA%BF%20m%E1%BA%A1nh%20c%E1%BB%A7a%20huy%E1%BB%87n%20%C4%91%E1%BB%83%20n%C3%A2ng%20cao%20thu%20nh%E1%BA%ADp%20cho%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n min

Đào tạo nghề nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: H.T

 

Trong năm 2023, Hội Nông dân huyện Sa Thầy phối hợp với Phòng LĐ,TB&XH huyện Sa Thầy và Trung tâm Giáo dục thường xuyên, dạy nghề huyện Sa Thầy tiến hành tổ chức 16 lớp đào tạo nghề cho 414 học viên, vượt 34% kế hoạch năm; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy  mở 41 lớp tập huấn kỹ thuật về công tác khuyến nông, chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả. Bên cạnh đó, lồng ghép nguồn lực từ các dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng, huyện Sa Thầy tổ chức 17 lớp tập huấn bồi dưỡng cho hơn 600 người dân vùng đồng bào DTTS về kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện.

Ngoài ra, huyện Sa Thầy cũng đã chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo, hỗ trợ lực lượng lao động đã qua đào tạo tìm kiếm việc làm phù hợp nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, huyện Sa Thầy có hàng trăm lao động nông thôn có việc làm thường xuyên tại các doanh nghiệp và đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài.

165345Huy%E1%BB%87n%20Sa%20Th%E1%BA%A7y%20ch%C3%BA%20tr%E1%BB%8Dng%20%C4%91%C3%A0o%20t%E1%BA%A1o%20v%C3%A0%20ph%C3%A1t%20huy%20c%C3%A1c%20ngh%E1%BB%81%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng%20cho%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20%C4%91%E1%BB%83%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20du%20l%E1%BB%8Bch,%20t%C4%83ng%20thu%20nh%E1%BA%ADp

Huyện Sa Thầy chú trọng đào tạo và phát huy các nghề truyền thống cho người dân để phát triển du lịch, tăng thu nhập. Ảnh: HT

 

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của địa phương, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Sa Thầy trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề của người dân sống ở khu vực nông thôn. Các ngành nghề được đào tạo đa dạng ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp: trồng và chăm sóc cà phê vối, cạo mủ cao su, trồng lúa, cây ăn trái, trồng nấm sò, nấm linh chi, chăn nuôi trâu, bò, dê, thỏ, heo; các nghề phi nông nghiệp: vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa điện dân dụng, nghề nề, hàn điện. Bên cạnh đó, phát triển thêm nhiều nghề truyền thống, mang đậm bản sắc địa phương như nấu rượu ghè, dệt thổ cẩm, làm chổi đót để nâng cao thu nhập cho người dân. Theo thống kê, huyện Sa Thầy có hơn 32.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 54%.

Ông Đinh Trọng Lịch- Chủ tịch UBND xã Ya Ly cho biết: “Xã Ya Ly có thế mạnh về trồng trọt, chăn nuôi, người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nên việc đào tạo nghề chủ yếu hướng vào thay đổi tập quán, thói quen canh tác để nâng cao năng suất trên cùng đơn vị diện tích. Khi có kế hoạch triển khai lớp dạy nghề của huyện Sa Thầy, UBND xã Ya Ly chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp với các thôn, làng điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của người lao động. Qua đó có những đề xuất lên cấp trên để triển khai việc dạy nghề được hiệu quả, thiết thực, tạo điều kiện cho người dân được học những kiến thức mới về lĩnh vực của mình, tạo sự phấn khởi và hiệu quả trong học tập”.

Ngoài triển khai đào tạo các ngành nghề chủ lực, truyền thống, huyện Sa Thầy còn triển khai đào tạo nghề gắn với đề án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, xây dựng nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng để phát triển du lịch, phát huy tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, văn hóa truyền thống và môi trường sinh thái tại địa phương.

Thời gian tới, để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Sa Thầy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép nguồn lực để hỗ trợ người dân học nghề, vay vốn đầu tư sau học nghề, giải quyết việc làm. Trong đó, đẩy mạnh đào tạo những ngành nghề mới, nhiều tiềm năng như du lịch cộng đồng, nông thôn, lĩnh vực nông nghiệp chủ lực của huyện như nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân, thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững; phấn đấu trong năm 2024 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 57%.

Hoàng Thanh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/sa-thay-day-manh-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-40788.html