Phòng tránh tai nạn đuối nước

90

baokontum.com.vn

15/04/2024 13:07

Gần vào Hè, thời tiết trở nên oi bức, nhiều em nhỏ thích tụ tập ra sông, suối, ao, hồ để tắm, chơi đùa nên dễ dẫn đến tình trạng đuối nước. Để hạn chế những vụ việc đáng tiếc xảy ra, cần sự quan tâm, sâu sát của các bậc phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương.

Sau giờ học chiều, em L.T.T (12 tuổi) cùng 2 bạn trong xóm đến Công viên 2-9, đường Phan Chu Trinh (thành phố Kon Tum) chơi đùa. Dạo quanh công viên, T thấy một đoạn thành hồ nước không có rào chắn nên đã rủ 2 bạn cùng xuống chơi mặc cho có biển “cảnh báo nước sâu, nguy hiểm” của chính quyền địa phương.

Theo quan sát, khu vực bờ hồ không có rào chắn được xây dựng các phần bậc thang dẫn thẳng xuống hồ. Trong tích tắc, T và 2 bạn đã đi xuống, chân chạm mặt nước. Thấy nguy hiểm, tôi đến nhắc nhở các cháu, T đáp: “Dạ không sao đâu chú, bọn cháu hay đến đây chơi mà”.

Nghe T đáp, tôi đành bất lực trước sự chủ quan của cô bé. Bởi thực tế cho thấy, các em còn quá nhỏ để nhận thấy được những nguy hiểm đang rình rập dưới hồ nước kia, hơn nữa là còn thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Chỉ cần một cú sẩy chân, nếu các em không biết bơi rất dễ dẫn đến đuối nước.

172101A

Các em nhỏ vô tư nghịch nước tại Công viên 2/9, thành phố Kon Tum. Ảnh: VT

 

Cũng như trẻ em thành phố, trẻ em các vùng nông thôn cũng rất thích tụ tập đến ao, hồ, sông, suối để nô đùa, tắm mát. Em A.M.T (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) chia sẻ: Những lúc nghỉ học, em hay cùng các bạn trong làng ra con suối nhỏ gần nhà để nô đùa. Ở con suối này có chỗ nước cạn, chỗ nước sâu. Em chưa biết bơi nên chơi chỗ cạn, các bạn biết bơi ra chỗ nước sâu tắm. Ở trường, các cô có dặn dò chúng em không nên ra các ao, hồ, sông, suối tắm vì dễ dẫn đến đuối nước, chỉ nên đi khi có người lớn đi theo. Thế nhưng, vì bố mẹ hay đi làm nên chúng em tự đi tắm, tự bảo ban nhau khi thấy nguy hiểm.

Ở khu vực nông thôn, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, phần lớn thời gian gắn bó với ruộng rẫy nên hay buông lỏng quản lý con cái. Do vậy, để các em có kỹ năng bơi, thời gian qua ngành Giáo dục đã tổ chức dạy và học bơi trong trường học thực hiện theo Chỉ thị số 17/TC-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em” và Quyết định số 4458/QĐ-BGDĐT, ngày 22/8/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông.

Ông Thái Khắc Hòa – Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum cho biết: Hằng năm, Phòng GD&ĐT thành phố xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh trong ngành Giáo dục; chỉ đạo các trường tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về tăng cường cho học sinh học bơi ở những nơi có điều kiện góp phần giảm thiểu tối đa hiện tượng đuối nước; triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Hồ bơi 0 đồng” dạy học miễn phí cho học sinh các trường, các địa phương, nhất là các trường vùng ven, vùng xa không có điều kiện để học bơi.

Cùng với đó, Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum đã chỉ đạo các trường cử giáo viên tham gia tập huấn dạy học và phòng chống đuối nước; tổ chức các hoạt động ngoại khoá, tuyên truyền phòng chống đuối nước, lồng ghép giảng dạy các bộ môn liên quan; các trường có hồ dạy bơi, tổ chức dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước; trang bị kiến thức, kỹ năng bơi cơ bản, kỹ năng sơ cấp cứu, cách xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm dưới nước và kỹ thuật bơi lội. Trong thời gian học sinh nghỉ hè, Phòng GD&ĐT thành phố phối hợp Ban chỉ đạo xã, phường tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí trong hè theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo hè thành phố.

172246Ng%C3%A0nh%20gi%C3%A1o%20d%E1%BB%A5c%20th%C3%A0nh%20ph%E1%BB%91%20Kon%20Tum%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20hi%E1%BB%87u%20qu%E1%BA%A3%20m%C3%B4%20h%C3%ACnh%20 H%E1%BB%93%20b%C6%A1i%200%20%C4%91%E1%BB%93ng . min

Ngành Giáo dục thành phố Kon Tum thực hiện hiệu quả mô hình “Hồ bơi 0 đồng”. Ảnh: V.T

 

Cùng với các trường học, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) cũng tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức, kỹ năng CNCH cho người dân, học sinh, giáo viên tại các trường học. Qua đó, giúp các em nhận thức cao hơn về đuối nước, những kiến thức, kỹ năng sơ cứu người đuối nước và cách phòng tránh.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ đuối nước (giảm 1 vụ so với năm 2022); từ đầu năm 2024 đến nay xảy 2 vụ. Để hạn chế mức thấp nhất các vụ tai nạn đuối nước, nhất là trẻ em, chính quyền địa phương, nhà trường và phụ huynh học sinh cần chung tay, nhắc nhở các con, các cháu không nên tắm hoặc chơi gần tại các khu vực đập thủy lợi, ao, hồ, sông, suối. Nhà trường cần tổ chức các lớp học bơi an toàn, hướng dẫn các kỹ năng cơ bản để phòng ngừa tai nạn đuối nước. Các địa phương cần lắp đặt rào chắn, biển báo cấm, cảnh báo nguy hiểm ở các địa điểm sông, suối, hồ sâu để những em nhỏ, thanh thiếu niên không đến câu cá, tắm, bơi lội.

Văn Tùng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/phong-tranh-tai-nan-duoi-nuoc-40301.html