Phát huy nguồn lực tri thức bản địa để phát triển KT-XH bền vững

21

baokontum.com.vn

19/01/2024 07:16

Tri thức địa phương (TTĐP) là những kinh nghiệm sống được một cộng đồng tích lũy trong quá trình lao động sản xuất, tổ chức đời sống gắn với những điều kiện cụ thể của môi trường tự nhiên, xã hội. Đối với tỉnh ta, việc bảo tồn, ứng dụng, phát huy nguồn lực TTĐP trong các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS là vấn đề cần được các cấp chính quyền và các ngành chức năng chú trọng.

Trải qua quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt từ bao đời nay, các DTTS trên địa bàn tỉnh đã tích lũy cho mình được nhiều kinh nghiệm quý báu, đúc kết nó thành những TTĐP truyền thống trong sản xuất, đời sống rất phong phú.

Có thể kể đến trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đồng bào DTTS tại chỗ tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quản lý, khai thác đất đai, canh tác, dự đoán thời tiết… Chẳng hạn, các dân tộc Gia Rai, Gié- Triêng, Xơ Đăng đã định ra được lịch nông nghiệp dựa trên diễn biến của thời tiết, đặc điểm canh tác, sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đồng bào dân tộc Xơ Đăng trước khi trỉa lúa rẫy biết ngâm, gieo thóc giống trên một khoảng đất riêng được rào kỹ để giữ giống thuần chủng; người Rơ Ngao (1 nhánh của dân tộc Ba Na), người Xơ Teng (1 nhánh của dân tộc Xơ Đăng), người Mơ Nâm (1 nhánh của dân tộc Xơ Đăng) bên cạnh canh tác lúa rẫy còn biết canh tác lúa nước.

171104B%C3%A0%20con%20DTTS%20%C4%91%C3%A3%20bi%E1%BA%BFt%20%E1%BB%A9ng%20d%E1%BB%A5ng%20khoa%20h%E1%BB%8Dc%20k%E1%BB%B9%20thu%E1%BA%ADt%20k%E1%BA%BFt%20h%E1%BB%A3p%20v%E1%BB%9Bi%20kinh%20nghi%E1%BB%87m%20s%E1%BA%B5n%20c%C3%B3%20%C4%91%E1%BB%83%20n%C3%A2ng%20cao%20hi%E1%BB%87u%20qu%E1%BA%A3%20trong%20tr%E1%BB%93ng%20tr%E1%BB%8Dt,%20ch%C4%83n%20nu%C3%B4i

Bà con DTTS đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm sẵn có để nâng cao hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi. Ảnh: HT

 

Với nguyên liệu sẵn có từ rừng, đồng bào các DTTS tại chỗ sử dụng để đan lát các dụng cụ phục vụ sinh hoạt, lao động (gùi, giỏ, nia, đơm), chế tác nhạc cụ truyền thống.

Với các ngành nghề thủ công, đồng bào DTTS tại chỗ có nhiều kinh nghiệm quý từ bao đời truyền lại; với bàn tay khéo léo, người dân sử dụng những sản phẩm có trong tự nhiên để làm ra những vật dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt của con người, thân thiện với môi trường. Những sản phẩm thủ công truyền thống này ngày nay rất được du khách gần xa thích thú, ưa chuộng, họ chọn mua làm quà cho người thân hoặc sưu tầm kỷ niệm sau mỗi chuyến du lịch- đây là lợi thế để phát triển kinh tế du lịch.

Đồng bào Ba Na (nhánh Jơlâng) ở làng Kon Xâm Blũ, xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) nổi tiếng với nghề làm gốm. Một số làng của đồng bào Xơ Đăng ở xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) biết làm rượu từ nước và men của vỏ cây rừng; dân tộc Ba Na (nhánh Jơ lâng), dân tộc Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá và nhánh Rơ Ngao), dân tộc Brâu biết làm rượu gào, rượu nếp than với công thức độc đáo từ vỏ và rễ của cây men lấy trong rừng…

Hoặc trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ rừng, từ xa xưa cộng đồng các DTTS tại chỗ có tập quán sinh sống gần gũi với thiên nhiên, dựa vào rừng và có những quy ước về việc khai thác các nguồn lợi từ rừng bắt buộc cộng đồng phải tuân theo. Các luật tục, quy tắc, những điều kiêng kỵ phải thực hành khi khai thác sản phẩm tự nhiên đã trở thành ý thức của cộng đồng, ngoài thể hiện cách ứng xử với thế giới thần linh, ở khía cạnh khác còn là sự đảm bảo cho sự sinh trưởng bền vững của thiên nhiên. Đây cũng là những kinh nghiệm thiết thực, cần được bảo tồn, nhân rộng.

Với lợi thế đi sau, tỉnh ta có điều kiện để học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác, qua đó nghiên cứu, phát huy nguồn lực TTĐP kết hợp với những tri thức hiện đại, gắn với việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào DTTS để đem lại hiệu quả.

171246Nhi%E1%BB%81u%20tri%20th%E1%BB%A9c%20d%C3%A2n%20gian%20v%E1%BB%81%20v%C4%83n%20h%C3%B3a,%20%E1%BA%A9m%20th%E1%BB%B1c%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng%20ph%E1%BB%A5c%20v%E1%BB%A5%20hi%E1%BB%87u%20qu%E1%BA%A3%20trong%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20du%20l%E1%BB%8Bch%20b%E1%BB%81n%20v%E1%BB%AFng

Nhiều tri thức dân gian về văn hóa, ẩm thực truyền thống phục vụ hiệu quả trong phát triển du lịch bền vững. Ảnh: HT

 

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, đồng bào DTTS đã ủng hộ việc dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa, mía, rau, dược liệu theo mô hình liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ.

Người dân đã biết chuyển đổi một số diện tích rẫy trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn; với sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, đồng bào DTTS đã biết lựa chọn các con giống bản địa phù hợp nhất để chăn nuôi. Tại nhiều địa phương, người dân đã tiếp nhận một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao hơn đưa vào gieo cấy (như Đài Thơm, RVT, ST24, ST25) nhưng do tính đặc thù của thổ nhưỡng, của điều kiện canh tác, một số giống lúa nước bản địa có chất lượng tốt vẫn được họ giữ lại. Giống lúa nếp than truyền thống cũng được đồng bào dân tộc Xơ Đăng áp dụng kỹ thuật mới (làm đất, bón phân, thủy lợi, thuốc bảo vệ thực vật…) để cho năng suất cao hơn và chọn đăng ký trở thành sản phẩm OCOP địa phương.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, việc thực hiện giao đất, giao rừng cho cộng đồng DTTS gắn với hỗ trợ sinh kế và phát triển kinh tế rừng hiện nay đang là cách để phát huy kiến thức, kinh nghiệm của cộng đồng, trao quyền cho người dân trong bảo tồn, phát triển tài nguyên rừng trong điều kiện mới. Người dân với kinh nghiệm của mình biết những loại cây địa phương nào phù hợp với môi trường sinh thái, điều kiện thổ nhưỡng, thực hiện kết hợp trồng cây địa phương (dầu rái, sao đen, giổi xanh, xoan đào, gió trầm…) với các loại cây khác (đàn hương, bời lời, keo lai…) để nâng cao hiệu quả kinh tế. Qua đó, khôi phục, phát triển rừng một cách bền vững nhất.

Do vậy, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, thống kê, kiểm kê toàn diện TTĐP, xây dựng hệ thống dữ liệu lưu trữ, quản lý và phục vụ khai thác, tránh bị mai một, thất truyền những TTĐP truyền thống giá trị. Qua đó, đánh giá một cách khách quan, khoa học những giá trị của TTĐP truyền thống có thể kế thừa trong bối cảnh hiện nay, vận động đồng bào DTTS tiếp nhận khoa học kỹ thuật hiện đại đảm bảo được sự gần gũi với người dân và vai trò tự quyết của họ.                            

Hoàng Thanh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/phat-huy-nguon-luc-tri-thuc-ban-dia-de-phat-trien-kt-xh-ben-vung-36942.html