vietnamnet.vn
Đây là thành phố trùng với tên tỉnh và là thành phố biên giới của nước ta, có phía bắc giáp với Trung Quốc.
1. Nơi nào trùng tên tỉnh, là thành phố biên giới phía Bắc nước ta?
Thành phố Bắc Kạn
Thành phố Lào Cai
Thành phố Cao Bằng
Thành phố Điện Biên Phủ
Chính xác
Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai là thành phố biên giới ở phía Bắc nước ta. Thành phố được thành lập vào năm 2004. Ngoài thành phố tỉnh lỵ, tỉnh Lào Cai hiện có thị xã Sa Pa cùng 7 huyện.
Thành phố Lào Cai có cửa khẩu quốc tế Lào Cai là nơi giao thương quan trọng ở phía Bắc Việt Nam với phía Nam Trung Quốc. Đây là cửa ngõ quan trọng mở cửa thị trường Việt Nam với các tỉnh phía Tây Nam và cả các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc.
2. Cửa khẩu này thông với cửa khẩu nào của Trung Quốc?
Cửa khẩu Đông Hưng
Cửa khẩu Hà Khẩu
Cửa khẩu Mộc Bài
Cửa khẩu Bằng Tường
Chính xác
Cửa khẩu quốc tế Lào Cai thông thương qua cầu Hồ (Hồ Kiều), bắc qua sông biên giới Nậm Thi, tới cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc).
Dự kiến đến năm 2030, tỉnh Lào Cai sẽ có thêm 2 cửa khẩu được mở, nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, bao gồm cửa khẩu Mường Khương (Lào Cai) – Kiều Đầu (Vân Nam) và Bản Vược (Lào Cai) – Pả Sa (Vân Nam). Đây là 2 trong 8 cửa khẩu quốc tế dự kiến được mở, nâng cấp trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
3. Cửa khẩu quốc tế đường bộ nào lớn nhất tỉnh Tây Ninh?
Cửa khẩu Xa Mát
Cửa khẩu Mộc Bài
Cửa khẩu Kà Tum
Cửa khẩu Phước Tân
Chính xác
Tây Ninh có đường biên giới dài khoảng 230km với các tỉnh của Campuchia. Trên địa bàn hiện có các cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam; 3 cửa khẩu chính là Kà Tum, Phước Tân, Chàng Riệc cùng 10 cửa khẩu phụ. Trong đó, Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia.
Trong giai đoạn 2021-2030, cửa khẩu Chàng Riệc của Tây Ninh sẽ được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu Hoà Hiệp sẽ trở thành cửa khẩu phụ.
4. Các tỉnh nào có đường biên giới dài nhất lần lượt với Trung Quốc, Lào và Campuchia?
Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Đăk Lắk
Cao Bằng, Nghệ An, Tây Ninh
Lạng Sơn, Nghệ An, Đăk Lắk
Cao Bằng, Hà Tĩnh, Tây Ninh
Chính xác
Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.400km với Trung Quốc. Trong đó, tỉnh có đường biên giới dài nhất với Trung Quốc là Cao Bằng, khoảng 333km.
Đường biên giới của Việt Nam với Lào đi qua 10 tỉnh, trong đó dài nhất là ở Nghệ An, khoảng 419km.
Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia dài khoảng 1.200km, đi qua 10 tỉnh. Tỉnh có đường biên giới dài nhất là Tây Ninh, khoảng 225km.
5. Tỉnh nào sau đây không có đường biên giới quốc tế?
Gia Lai
Lâm Đồng
Đăk Nông
Kon Tum
Chính xác
Lâm Đồng là tỉnh duy nhất khu vực Tây Nguyên không có đường biên giới với bất kỳ quốc gia nào. Trong khi đó, Kon Tum có biên giới phía Tây giáp với cả hai nước Lào và Campuchia, 3 tỉnh Gia Lai, Đăk Lắk và Đăk Nông có chung đường biên giới với Campuchia.
Tỉnh Lâm Đồng nằm ở độ cao 300 – 1.500m so với mực nước biển. Độ cao này giúp Lâm Đồng có nền nhiệt độ lý tưởng thuận lợi để phát triển rau và hoa.
Nguồn bài viết:
https://vietnamnet.vn/noi-nao-trung-ten-tinh-la-thanh-pho-bien-gioi-phia-bac-nuoc-ta-2236369.html