Nỗ lực vượt khó, bứt phá vươn lên, xứng danh Anh hùng Lao động

25

baokontum.com.vn

24/03/2024 13:07

Từ những khó khăn ban đầu, qua 3 thập kỷ với những nỗ lực không ngừng, huyện Đăk Hà đã bứt phá, tạo những bước phát triển vượt bậc, được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện, phóng viên Báo Kon Tum có cuộc phỏng vấn với đồng chí Nguyễn Thị Liên – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy về quá trình tháo gỡ khó khăn, bứt phá vươn lên của huyện nhà.

PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết, trong suốt 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đăk Hà đã tháo gỡ những khó khăn như thế nào để tạo đà cho huyện tăng tốc, phát triển?

Đồng chí Nguyễn Thị Liên: Vạn sự khởi đầu nan, năm 1994, khi mới thành lập, huyện có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ đói, nghèo của toàn huyện chiếm 53,54% dân số; thu ngân sách trên địa bàn huyện chỉ có 526 triệu đồng.

Bởi vậy, tháo gỡ khó khăn, giải quyết tình trạng đói nghèo luôn là nhiệm vụ hàng đầu được huyện đặt ra. Dựa vào tình hình thực tế, Đảng bộ huyện đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, trong đó Nghị quyết về thâm canh cây lúa nước là bước đột phá đầu tiên.

Cùng với đó, huyện triển khai nhiều giải pháp thiết thực như: thực hiện lồng ghép chặt chẽ các chương trình mục tiêu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giảm nghèo đồng bộ, hiệu quả.

Đặc biệt, ngay từ khi mới thành lập, huyện đã phối hợp xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tương đối đồng bộ. Đồng thời, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, phá thế tự cung tự cấp; xây dựng Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý làm cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững ở huyện Đăk Hà”, khai thác có hiệu quả nội lực, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, hình thành nên các vùng chuyên canh cây cà phê, cao su, cây lúa nước, cây rau, hoa.

162116%C4%90%E1%BA%A7u%20t%C6%B0%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20c%C6%A1%20s%E1%BB%9F%20h%E1%BA%A1%20t%E1%BA%A7ng

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh: HT

 

Xác định cây cà phê, cao su là cây công nghiệp chủ lực của huyện. Từ năm 1997, Đảng bộ huyện đã có chủ trương “Liên doanh liên kết với các nông trường quốc doanh để phát triển cây công nghiệp” phát huy vai trò “bà đỡ” của các doanh nghiệp, phát triển diện tích cà phê, cao su; đồng thời, ban hành chủ trương xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”; “dồn điền đổi thửa”, chuyển đổi diện tích mì bạc màu để phát triển cao su hộ gia đình.

Những việc làm thiết thực cùng với các biện pháp tích cực khác đã từng bước tháo gỡ khó khăn, trên địa bàn huyện không còn hộ đói và hàng năm giảm được hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,28% năm 2023.

PV: Qua 30 năm, những khó khăn đã và đang được tháo gỡ, hiện nay huyện đã tận dụng cơ hội bứt phá và đạt được những kết quả nổi bật như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Liên: Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ cộng thêm những quyết sách đúng đắn, sáng tạo; sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ của cấp uỷ, các ngành của tỉnh; sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực, cần cù, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, qua 30 năm xây dựng và phát triển, huyện Đăk Hà đã có những bước đột phá toàn diện, đổi mới mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế của huyện tăng trưởng liên tục với tốc độ cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, thương mại – dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người từ 2,02 triệu đồng năm 1995 lên 52,44 triệu đồng năm 2023; thu ngân sách tại địa bàn tăng từ 526 triệu đồng năm 1994 lên 168.570 triệu đồng năm 2023.

Biến khó khăn thành động lực, từ một vùng đất khó, huyện Đăk Hà đã trở thành thủ phủ cà phê của tỉnh với diện tích hơn 12.000ha. Huyện đã xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho “Cà phê Đăk Hà” và chứng nhận nhãn hiệu “Gạo thơm Đăk Hà’’. Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế trang trại được hình thành và ngày càng phát triển trên địa bàn huyện tạo ra đa dạng các sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Điểm sáng và tạo dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện chính là triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Từ việc khó khăn trong đường, điện, trường, trạm, đến nay, cơ sở hạ tầng từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn được thay da, đổi thịt; toàn huyện hiện có 07/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt 19/19 tiêu chí hiện đang đề nghị tỉnh công nhận; xã Hà Mòn, Đăk Mar đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hiện đang đề nghị công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 12 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu; có 18 thôn đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với phát triển kinh tế, huyện luôn chăm lo xây dựng và phát triển trên các lĩnh vực văn hoá-xã hội nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo của huyện không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng đi vào chiều sâu; ý thức thực hiện nếp sống văn minh của người dân có chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của đồng bào DTTS được chú trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân và quảng bá hình ảnh địa phương trong và ngoài tỉnh.

Với những thành tích đã đạt được trong 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới mà Chủ tịch nước trao tặng.

162145%C4%90%C4%83k%20H%C3%A0%20h%C3%B4m%20nay

Đăk Hà hôm nay. Ảnh: HT

 

PV: Để tiếp tục bứt phá phát triển, huyện Đăk Hà có những giải pháp trọng tâm gì trong thời gian đến?

Đồng chí Nguyễn Thị Liên: Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Trước hết phải tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng huyện, quy hoạch nông thôn các xã, quy hoạch thị trấn Đăk Hà nhằm tạo không gian phát triển bền vững cho huyện. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ, phát triển thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” vươn tầm quốc tế.

Ngoài ra, tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại – dịch vụ gắn với việc xây dựng các sản phẩm đặc trưng theo chuỗi giá trị; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Huy động, sử dụng các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng thị trấn Đăk Hà đạt đô thị loại IV vào năm 2025. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 huyện Đăk Hà đạt chuẩn nông thôn mới.

Song song việc phát triển kinh tế, tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là chất lượng giáo dục học sinh DTTS, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ, tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tận tâm, tận tuỵ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung. Tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Tin tưởng rằng với những kết quả đã đạt được qua 30 năm xây dựng và phát triển, với những tiềm năng lợi thế của địa phương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, huyện Đăk Hà sẽ hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, góp phần xây dựng huyện phát triển nhanh và bền vững.

PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí! 

HOÀI TIẾN (thực hiện)


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/no-luc-vuot-kho-but-pha-vuon-len-xung-danh-anh-hung-lao-dong-39926.html